MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ nhờ đúng 1 cuốn sách này, Bill Gates đã học được 3 điều then chốt để trở thành một người lãnh đạo giỏi ngay cả trong khủng hoảng

25-05-2020 - 15:13 PM | Sống

Bill Gates không phải là một nhà tiên tri. Việc ông có thể nhìn thấy trước viễn cảnh tương lai đơn giản là nhờ những gì rút được từ cuốn sách "The Great Influenza" của tác giả John M. Barry.

Trong thời điểm bất an như hiện nay, không có dự đoán nào là thực sự đáng tin. Tuy nhiên, Bill Gates lại là trường hợp khác biệt. Ông đã cảnh báo một điều tương tự đại dịch này từ năm 2015, trong một sự kiện diễn thuyết của TED. 

Không ai phủ nhận chuyện Bill Gates là một thiên tài, thế nhưng đa phần mọi người đều không thể ngờ rằng đại dịch này sẽ xảy ra. Làm thế nào mà người sáng lập Microsoft lại có thể đưa ra dự đoán chuẩn xác đến vậy? Như Bill Gates đã giải thích trong bài viết gợi ý 5 cuốn sách đáng đọc nhất hè này của mình, ông không sở hữu quả cầu tiên tri nào cả. Tất cả những gì vị tỷ phú này có là một cuốn sách hay. Hay chính xác hơn, đó là tác phẩm Đại dịch cúm (The Great Influenza) của tác giả John M. Barry - nói về đại dịch cúm Tây Ban Nha gây tử vong khoảng 17-50 triệu người.

“Đây là một trong vài cuốn sách giúp tôi nhận ra thế giới cần chuẩn bị tốt hơn để đương đầu với bất kỳ đại dịch nguy hiểm nào”, Bill Gates viết trên blog. “Dù viết cách đây 16 năm, Barry đã sớm thấy rõ và chứng minh đầy thuyết phục rằng một đại dịch khác không những có thể xảy ra… mà còn chắc chắn sẽ xảy ra”.

Cuốn sách của tác giả Barry không chỉ khiến cựu CEO Microsoft lo ngại về một đại dịch tầm cỡ thế giới, mà còn dạy ông những bài học quan trọng về cách đối mặt, cũng như những thứ mà người lãnh đạo cần làm trong tình huống như thế này.

Chỉ nhờ đúng 1 cuốn sách này, Bill Gates đã học được 3 điều then chốt để trở thành một người lãnh đạo giỏi ngay cả trong khủng hoảng - Ảnh 1.

Tinh thần lãnh đạo là rất quan trọng

Quay ngược thời gian trở về những năm 1918, phẩm chất của một người lãnh đạo khi đối mặt với một đại dịch mới và chết người cũng rất khác nhau, tương tự như lúc này. Việc người lãnh đạo có dám đứng lên hành động hay không sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mức độ thiệt hại mà đại dịch trong lĩnh vực của họ.

“Tại St. Louis chẳng hạn, thành phố này đã nhanh chóng huy động lực lượng và lên kế hoạch thực hiện các biện pháp ứng phó theo từng giai đoạn, nhờ đó mà cứu được rất nhiều người. Ngược lại, tại Philadelphia, thống đốc bang bỏ qua mọi lời khuyên của chuyên gia, rằng họ nên hoãn buổi diễu hành lớn để ủng hộ cuộc vận động chiến tranh. Kết quả là, chỉ vài ngày sau, số người chết bắt đầu tăng lên chồng chất”, Bill Gates cho biết. 

Bài học mà ông rút ra là: Ở vị thế của một người lãnh đạo, mọi hành động bạn làm đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự sống còn của mọi người.

Sự thật là rất quan trọng

Lời khuyên số 1 mà cựu Tổng thống Obama từng nói với các nhà lãnh đạo trong khủng hoảng là hãy nói sự thật. Bill Gates cũng đồng tình với điều này sau khi đọc tác phẩm “Đại dịch cúm”.

“Vào năm 1918, các nhà lãnh đạo ở Mỹ - thậm chí là cả các ủy viên y tế - đều dùng những lời ngon ngọt để thông báo tin xấu, nhằm khiến cộng đồng bớt hoảng loạn. Họ đã làm giảm độ uy tín của chính mình khi công dân phải chứng kiến rất nhiều bạn bè và hàng xóm chết vì dịch mỗi ngày”, ông viết.

Barry viết rằng “những người có thẩm quyền phải duy trì được niềm tin của cộng đồng. Cách duy nhất là đừng bóp méo điều gì cả, đừng cố tỏ ra hoàn hảo, đừng thao túng bất kỳ ai”. Bản thân Bill Gates cũng đồng ý với điều này.

Chỉ nhờ đúng 1 cuốn sách này, Bill Gates đã học được 3 điều then chốt để trở thành một người lãnh đạo giỏi ngay cả trong khủng hoảng - Ảnh 2.

Sự khiêm nhường là rất quan trọng

Đại dịch không phải là lúc để chứng tỏ lòng can đảm. Theo Bill Gates, “đại dịch lần này đã dạy chúng ta cách khiêm tốn”. “Kể cả khi chúng ta có những cơ sở nghiên cứu tuyệt vời như Viện Rockefeller, đại học Johns Hopkins và nhiều nơi khác, các bác sĩ cũng chưa tìm ra thuốc kháng virus hay một loại vắc-xin đặc hiệu. Trên thực tế, mãi tới năm 1933, các nhà khoa học mới xác nhận virus là thủ phạm gây ra đại dịch cúm, chứ không phải vi khuẩn”.

Do đó, các nhà lãnh đạo cần phải linh hoạt về tư duy, nhạy bén trong phản ứng và cởi mở với các quan điểm và chuyên môn khác nhau. Chưa chắc kế hoạch A hay thậm chí kế hoạch B mà bạn đề ra được thực hiện đúng như bạn mong muốn.

(Theo Inc.)

Ngọc Hà

Trở lên trên