Chi phí vận tải hàng hoá Việt Nam đang đắt gấp đôi so với các nước phát triển
Tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 theo số liệu của Armstrong&Associates (Tổ chức đánh giá hoạt động kinh doanh quốc tế) là 41,26 tỷ USD, tương đương 20,8% GDP. Trong khi đó, chi phí cho lĩnh vực này tại các nước phát triển chỉ từ 9 - 14% GDP.
- 12-12-2017"Dư địa cho ngành Logistics Việt Nam còn rất lớn"
- 03-11-2017XNK Quảng Bình (QBS): Người có liên quan thông báo chuyển nhượng cổ phần cho các đối tác logistics
- 13-10-2017Đường sắt Việt Nam vào cuộc, hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc hứa hẹn giảm 20% chi phí logistics
- 28-09-2017Quyết định “chưa từng có trong lịch sử” Bộ Công Thương: Hiệp hội logistics đề nghị xem xét lại
Logistics là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với một nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu như Việt Nam. Bởi điều này sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng của mình.
Dù vậy, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017, do Bộ Công thương, Bộ GTVT, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) và Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 15/12, ông Ousmane Dione, Giám đốc World Bank tại Việt Nam nhấn mạnh: Tính theo tỷ trọng GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu (14%).
Mặc dù ngành logistics trong nước đã có những tiến bộ đáng kể về cơ sở hạ tầng, dịch vụ nhưng ngành này vẫn còn nhiều việc phải làm, ông Ousmane cho biết thêm. Nhìn vào thực tế, thứ hạng của Việt Nam theo chỉ số năng lực logistics (LPI) đã giảm từ 48 năm 2014 xuống 64 năm 2016.
“Sự sụt giảm này cho thấy các nền kinh tế khác đang có sự thăng tiến nhanh hơn nhiều so với Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam đang mất đi lợi thế cạnh tranh”, đại diện World Bank lưu ý.
Vì vậy, ông Ousmane cho rằng Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại. Trong nhiều lĩnh vực sẽ cần có những nhóm giải pháp để bổ sung cho việc tăng cường đáng kể đầu tư vào hạ tầng cơ sở.
Thứ nhất là nhóm giải pháp tăng cường kết nối. Khi khả năng kết nối trở nên có hiệu quả thì sẽ tăng cường được mối liên kết giữa sản xuất và thị trường thế giới, từ đó sẽ giảm được chi phí thương mại và tăng sự ổn định cho các doanh nghiệp trong nước về thực hiện đơn hàng.
Hiện tại, dù nỗ lực trong đầu tư công vào hệ thống giao thông hạ tầng trong logistics Viẹt Nam là có nhưng vẫn chưa bắt kịp được mức độ tăng trưởng xuất khẩu và sự gia tăng nhanh chóng về lưu lượng hàng hoá. Bên cạnh đó, đầu tư chưa đồng đều, thiên về đường bộ hơn các loại hình vận tải đa phương khác...Điều này khiến cho tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam bị hạn chế.
“Ngành nên thay đổi việc phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư công, và chuyển dịch sang tài trợ bởi khu vực tư nhân và thiết lập ưu tiên rõ ràng cho đầu tư thiết yếu”, ông Ousmane Dione nói.
Thứ hai là tăng cường tạo thuận lợi thương mại có thể là một yếu tố quyết định. Cụ thể, cần tăng cường tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hóa thủ tục hải quan và các quy định quản lý chuyên ngành có rất nhiều quy định phải tuân thủ, mà theo ước tính của World Bank đã chiếm tới 76% thời gian cần thiết để nhập khẩu để đáp ứng các yêu cầu quản lý thủ tục ở trước và tại cửa khẩu.
Đánh giá cao về cải cách Hải quan, dù vậy ông Ousmane cũng thẳng thắn nhận xét việc cải cách và hiện đại hoá các cơ quan quản lý ngành vẫn chậm trễ hơn nhiều, cần tiếp tục điều chỉnh. Ngoài ra, theo ông cần đồng bộ quy trình, tránh tình trạng chồng chéo, gây khó doanh nghiệp.
Thứ ba, để thành công, cần phải có sự phối hợp công tác liên ngành với doanh nghiệp. “Để thực hiện thành công Chương trình hành động Đa ngành rõ ràng cần sự cam kết của tất cả các cơ quan và một cơ chế phối hợp liên ngành có sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ”, ông Ousmane Dione nói.
Bên cạnh đó, World Bank cũng khuyến nghị mở rộng phạm vi hoạt động của Uỷ ban Tạo thuận lợi Thương mại Quốc gia (NTFC) sang mục tiêu phát triển lĩnh vực logistics, cũng như giám sát kết quả thực hiện Chương trình hành động Logistics Quốc gia.
“Hợp tác với doanh nghiệp là yêu cầu hết sức quan trọng, vì thế chúng tôi xin đề xuất có đại diện của doanh nghiệp tham gia vào Ủy ban Tạo thuận lợi Thương mại Quốc gia”, ông nói.
Cuối cùng, ông Ousmane cho rằng việc theo dõi và đo lường tiến độ cải cách cũng rất quan trọng. Theo đó, việc thu thập và duy trì dữ liệu logistics sẽ mang lại hiệu quả quan trọng để triển khai các cải cách và hoạt động thích hợp. Có được số liệu thống kê chính xác về logistics và vận tải sẽ làm tiền đề cho việc xây dựng chính sách chính xác hơn ông Ousmane nói và cam kết World Bank sẽ hỗ trợ phía Việt Nam trong vấn đề này.