MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 1,82%, thấp nhất 5 năm

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 1,82%, thấp nhất 5 năm

Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Theo báo cáo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, tăng 1,88% so với tháng 12/2020 và tăng 2,06% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, CPI bình quân quý 3/2021 tăng 2,51%. Tính chung 9 tháng năm 2021, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 1,82%, thấp nhất 5 năm - Ảnh 1.

Lý giải về con số này, Tổng cục Thống kê cho hay, do giá thuê nhà giảm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội; học phí năm học 2021-2022 được miễn, giảm tại một số địa phương; giá thực phẩm giảm do nguồn cung bảo đảm; thực hiện Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ về phương án hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 4 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nhìn chung, CPI tháng 9/2021 giảm 0,62% so với tháng trước, trong đó: 5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 6 nhóm có chỉ số giá tăng.

5 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:

- Nhóm giáo dục có mức giảm nhiều nhất với 2,89% (làm CPI chung giảm 0,18 điểm phần trăm).

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 1,99% (làm CPI chung giảm 0,37 điểm phần trăm).

- Nhóm giao thông giảm 0,16%.

- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,16%.

- Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,06%.

6 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:

- Nhóm đồ uống và thuốc lá có mức tăng cao nhất với 0,17%, chủ yếu do giá thuốc lá tăng 0,48% khi chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung hạn chế .

- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09%.

- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%.

- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,02%.

- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,01% chủ yếu do giá hoa, cây cảnh tăng 0,92%.

- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%.

Tính chung quý 3/2021, CPI tăng 0,93% so với quý trước và tăng 2,51% so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra, CPI 9 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu sau:

- Giá xăng dầu trong nước tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,89 điểm phần trăm), giá gas tăng 21,7% (làm CPI chung tăng 0,32 điểm phần trăm);

- Giá dịch vụ giáo dục tăng 3,76% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm);

- Giá gạo tăng 6,47% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm);

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước (làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm).

Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI 9 tháng năm 2021:

- Giá các mặt hàng thực phẩm giảm 0,29% so với cùng kỳ năm trước;

- Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch Covid-19 và giảm giá điện, tiền điện cho người dân tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên giá điện sinh hoạt bình quân 9 tháng năm 2021 giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2020 (làm CPI chung giảm 0,03 điểm phần trăm);

- Nhu cầu đi lại, du lịch của người dân giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giá vé máy bay giảm 20,91% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,69%;

- Các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và ổn định giá cả thị trường.

Lạm phát cơ bản tháng 9/2021 giảm 0,26% so với tháng trước, tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng năm 2021 tăng 0,88% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Hà Trần

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên