Chỉ tiêu này đang cho thấy nên xem xét mua cổ phiếu ngân hàng
Khá trầm lặng trong năm 2016 nhưng cổ phiếu ngân hàng đang khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm trở lại khi xuất hiện một số yếu tố hỗ trợ.
- 06-12-2016Giật mình với tốc độ tăng trưởng tín dụng tại nhiều ngân hàng
- 23-11-2016“Bộ 3 quyền lực” Sacombank – ACB – Eximbank: Ngày ấy, bây giờ
- 20-10-2016Cổ phiếu ngân hàng trỗi dậy, vì sao?
Sau năm 2015 với ba lần dẫn dắt thị trường, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng lại chìm trong diễn biến trầm lắng và có phần tiêu cực trong hầu hết thời gian năm 2016. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang bắt đầu dành sự quan tâm trở lại đối với nhóm cổ phiếu vua khi xuất hiện một số yếu tố hỗ trợ.
Cổ phiếu ngân hàng đã về đáy
Trong phiên giao dịch ngày hôm qua (06/12), VN-Index đã giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong 2,5 tháng qua khi khối ngoại tiếp tục bán mạnh các mã vốn hóa lớn. Các mã tài chính bị ảnh hưởng mạnh nhất, đặc biệt là VCB - mã ngân hàng có giá trị vốn hóa lớn nhất – giảm tới 2,2%. Theo đánh giá của CTCK Bản Việt, VCB đã xuống đến mức thấp nhất sáu tháng qua, phá ngưỡng hỗ trợ là đường trung bình 200 ngày và hiện thấp hơn 20% so với mức đỉnh đạt được ngày 26/08.
Tương tự, CTG giảm 2,2% và BID giảm 3% cũng đã đều rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 01/2015, trong đó CTG giảm 31% kể từ khi đạt mức giá cao kỷ lục hồi tháng 7 và BID từ đầu năm đến nay giảm 28%. Bản Việt đánh giá, tâm lý nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngân hàng bị ảnh hưởng do lo ngại các ngân hàng sẽ không thể duy trì được mức NIM tích cực trong năm 2017.
Trong báo cáo mới đây của CTCK Rồng Việt thống kê, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số giá của ngành ngân hàng giảm hơn 6% trong khi VNIndex tăng 16%. Trong nhóm, ngoại trừ VCB tăng giá khá tốt và ACB tăng nhẹ thì các ngân hàng còn lại đều giảm so với đầu năm. Diễn biến giá này đang phản ánh những kỳ vọng khác nhau về triển vọng sắp tới của các ngân hàng.
Cụ thể, VCB với nền tảng chất lượng tài sản tốt và khả năng sinh lời cao, vẫn được đánh giá cao hơn đáng kể so với mặt bằng của các cổ phiếu ngân hàng còn lại. Trong khi đó, ACB với chất lượng tài sản đang dần được cải thiện sau giai đoạn tái cấu trúc, kỳ vọng vào khả năng phục hồi hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hai giúp ACB được đánh giá cao hơn so với CTG hay MBB.
Trong khi đó, nhà đầu tư tỏ ra khá lo ngại đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng còn lại bởi một số nguyên nhân như gánh nặng sau khi sáp nhập với các ngân hàng yếu kém hơn, áp lực tăng vốn chuẩn bị cho Basel II hay gánh nặng nợ xấu, tồn tại trong quá khứ mà hiện tại đang xử lý.
Thống kê một số chỉ tiêu định giá về P/B và P/PPOP (giá trên lợi nhuận trước dự phòng rủi ro) từ khi các ngân hàng bắt đầu niêm yết, Rồng Việt nhận thấy mức định giá của các ngân hàng đã được đưa về mức tương đương giai đoạn 2011 – 2012, bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động và bắt đầu thực hiện tái cấu trúc.
Mặc dù vậy, khi so sánh tương quan định giá với một số ngân hàng trong khu vực thì ở cùng một tỷ suất sinh lời ROE của ACB và VCB, định giá theo PB của hai ngân hàng này đang cao hơn khoảng 30%. Trong khi đó, mức định giá PB của BID, CTG và MBB thấp hơn không đáng kể so với các ngân hàng trong khu vực có cùng ROE.
Dù sao, trước thành tích KQKD khả quan trong 9 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016 trong khi giá cổ phiếu ngân hàng đã về sát với vùng đáy của năm 2015, nhà đầu tư bắt đầu có sự chú ý với nhóm này.
Chỉ tiêu này đang cho thấy nên đưa cổ phiếu ngân hàng vào danh sách xem xét
Trong báo cáo nói trên, CTCK Rồng Việt đã nêu lên một chỉ tiêu cho thấy nên đưa cổ phiếu ngân hàng vào vòng xem xét tại thời điểm này. Đó là chỉ tiêu về Vốn hóa/Tiền gửi của các ngân hàng.
“Một điểm khá thú vị là, ngoại trừ VCB, chỉ tiêu về Vốn hóa/Tiền gửi của các ngân hàng đồng loạt giảm và thậm chí đã thiết lập vùng đáy mới kể từ khi các ngân hàng này niêm yết.” – Báo cáo viết.
Theo Rồng Việt, chỉ tiêu này phản ánh sự ưa thích của nhà đầu tư đối với cổ phiếu ngân hàng so với gửi tiền tiết kiệm. Thông thường, chỉ tiêu này càng thấp (so với quá khứ và so với trung bình) là một chỉ báo về “sự sợ hãi” đối với cổ phiếu ngành ngân hàng và là thời điểm để đưa cổ phiếu vào vòng xem xét.
Mặc dù vậy, các chuyên gia vẫn cẩn trọng khuyến nghị: “Diễn biến chỉ số định giá là vậy, song diễn biến nào cũng có lý do của nó. Trong bối cảnh việc chi trả cổ tức của các ngân hàng vẫn đang chịu sự giám sát của NHNN và ngành ngân hàng với nhiều vấn đề cần được xử lý như nợ xấu, áp lực tăng vốn và hiệu quả sinh lời... thì NĐT không còn ưa thích và sẵn sàng mạo hiểm với cổ phiếu ngân hàng.”
Do đó, việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng vẫn cần sự chọn lọc cẩn trọng theo câu chuyện của từng ngân hàng riêng lẻ với tầm nhìn dài hạn hơn là sự ưa thích bất chấp như trước đây.
Trí Thức Trẻ