Chìa khóa bằng lam ngọc của Aston Martin - Cách chơi trội của giới nhà giàu 10 năm trước
Dù không còn được Aston Martin sản xuất trong những năm gần đây nhưng chìa khóa làm bằng lam ngọc vẫn được "vinh danh" là một trong những cách chứng tỏ mình rõ ràng nhất của người mua xe mọi thời đại.
Được Aston giới thiệu lần đầu vào năm 2008, loại chìa khóa này được làm bằng lam ngọc (sapphire) và sở hữu một cái tên khá kêu do thương hiệu xe sang Anh Quốc đặt cho: Bộ điều khiển cảm xúc (ECU).
Tất nhiên, ngoài ý nghĩa thẩm mỹ và làm tăng tính sang trọng của người sử dụng, đây chẳng khác gì một chiếc khóa thường và thậm chí còn kém bền hơn. Loại khóa này được sử dụng cho các dòng DB8 và DBS cho tới khi DB11 ra mắt năm ngoái chuyển đổi sang dòng khóa mới.
Aston Martin quay về sử dụng khóa nhựa và kim loại truyền thống từ năm 2017.
Khóa lam ngọc cũ buộc người dùng phải cắm vào táp lô còn khóa thông minh mới thì không.
Dù được chế tạo bằng đá quý nhưng giá ECU cũng "dễ chịu" hơn khá nhiều các dòng khóa thông minh trên siêu xe (như Koenigsegg ) ngày nay: 2.000 USD (giá khóa phụ, không có lam ngọc vẫn là hơn 1.100 USD). Không phủ nhận ECU trông rất sang nhưng phải cầm một chiếc khóa ô tô có giá hàng chục triệu đi xung quanh (chưa bàn tới khả năng bền và chống xước) có vẻ như không tiện lợi chút nào. Một phút bất cẩn đánh rơi hoặc làm mất chìa khóa và chắc chắn bạn sẽ còn tiếc của trong 1 thời gian dài.
Tổng kết lại, ngoài việc làm cho người sử dụng trông hào nhoáng hơn, ECU bất tiện hơn khóa ô tô phổ thông rất nhiều – dẫn tới việc Aston Martin buộc phải bỏ hẳn tùy chọn này đi vào năm 2017 với phần đông khách hàng của họ đều ủng hộ. Không phủ nhận đây là một trong những dòng khóa có cá tính nhất trong lịch sử ngành ô tô nhưng có lẽ tính thực tiễn nên được ưu tiên hàng đầu, độ sang trọng và hào nhoáng có lẽ nên để nội thất xe lo liệu thì hơn.
Cách khóa lam ngọc của Aston Martin vận hành