Chiếm giữ nghìn tỷ phí bảo trì chung cư, sao các chủ đầu tư không bị xử lý hình sự?
52% chung cư thương mại, 40% chung cư tái định cư chưa bàn giao kinh phí bảo trì. Vì sao cá nhân chiếm đoạt 5 triệu đồng thì xử hình sự, chủ đầu tư chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì ở chung cư thì không bị xử lý hình sự?
- 31-05-2019Lật tẩy mánh lới trục lợi phí bảo trì chung cư
- 13-05-2019Tranh chấp quỹ bảo trì chung cư: Miếng bánh ai cũng muốn có phần?
- 29-04-2019Đề xuất nộp phí bảo trì chung cư theo tháng
Theo UBND TP.Hà Nội, có 254/492 chung cư thương mại, chiếm 52%; 33/82 chung cư tái định cư, chiếm 40%, chưa bàn giao kinh phí bảo trì. Đây là con số trong báo cáo của Hà Nội về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn Hà Nội
Vấn đề phí bảo trì chung cư chưa bao giờ hết nhức nhối khi chủ đầu tư "chây ì" không bàn giao, chiếm dụng quỹ này nhiều năm nhưng chưa chủ đầu tư nào bị xử lý hình sự... |
Hà Nội đã thành lập Đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP Hà Nội từ đầu năm 2018. Tính đến nay Đoàn đã thực hiện kiểm tra được 71 nhà chung cư, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 13 trường hợp với số tiền 860 triệu đồng.
Trong đó, 2 trường hợp báo cáo UBND TP ban hành Quyết định xử phạt với tổng số tiền 250 triệu đồng, 11 trường hợp Sở Xây dựng đã ban hành Quyết định xử phạt với tổng số tiền là 610 triệu đồng.
Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu 19 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị; ban hành 2 Quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì 2% đối với 2 Chủ đầu tư là Vinaconex 3, Sông Đà Thăng Long; thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng 13 chủ đầu tư có vi phạm về quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Về chung cư thương mại, theo báo cáo, trên địa bàn Hà Nội hiện có 745 nhà chung cư thương mại được đưa vào sử dụng. Trong đó đã tổ chức bầu 492/745 Ban quản trị (66%); đã bàn giao hồ sơ cho 392/492 Ban quản trị (80%); đã bàn giao diện tích sở hữu chung cho 338/492 Ban quản trị (69%); đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho 238/492 Ban quản trị (48%).
Liên quan đến vấn đề quỹ bảo trì, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại Quốc hội chiều 4/6 vừa qua, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho biết, theo điều 176 của Luật Nhà ở, thanh tra xây dựng có trách nhiệm thanh kiểm tra việc quản lý nhà ở, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành về nhà ở.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ nêu câu hỏi: Bộ trưởng Phạm Hồng Hà có biết việc cơ quan thanh tra xây dựng đã thanh tra và phát hiện việc ký lại hợp đồng mua, bán phần diện tích sử dụng chung vốn là của cư dân, nhưng hiện nay chủ đầu tư đã chiếm hay không? Việc chuyển cho cơ quan điều tra hình sự xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt quỹ bảo trì tòa chung cư hiện nay như thế nào?
Trả lời chất vấn trên, Tư lệnh ngành Xây dựng dẫn chứng cụ thể báo cáo năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019 của Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội và Hồ Chí Minh về việc tiến hành kiểm tra 92 dự án chung cư, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5,5 tỷ đồng, yêu cầu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 20 chủ đầu tư có hành vi tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,3 tỷ đồng, yêu cầu biện pháp khắc phục hậu quả đối với 11 chủ đầu tư không bàn giao hoặc chậm, bàn giao không đầy đủ quỹ bảo trì 2% nhà chung cư cho Ban quản trị.
Hiện tại, theo thống kê của Bộ Xây dựng, chưa có địa phương nào chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra hình sự về việc này.
Chưa hài lòng về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Nguyễn Mai Bộ tranh luận lại, hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì chung cư đã cấu thành tội phạm.
"Việc Thanh tra Bộ Xây dựng không phát hiện ra chứng tỏ, hoặc là năng lực pháp luật của thanh tra yếu, hoặc là không làm hết trách nhiệm. Do vậy, tôi đề nghị nếu thanh tra xây dựng không phát hiện được việc đó thì mời ít nhất 3 vị đại biểu Quốc hội nữa tham gia thanh tra cùng" – ĐB Nguyễn Mai Bộ nói.
Đại biểu thắc mắc "Dân chiếm đoạt 5 triệu đồng thì xử hình sự, chủ đầu tư chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng quỹ bảo trì ở chung cư thì không bị xử lý hình sự".
Theo đại biểu khác, việc chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư thực tế là có và số tiền chiếm dụng lên tới hàng trăm tỷ chứ không phải hàng chục tỷ đồng.
Vì thế, đại biểu cho rằng, việc sửa Thông tư 02 về quản lý nhà chung cư trong năm 2019 phải đưa ra quy định điều chỉnh, khắc phục lỗi này.
Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an và các bộ ngành liên quan, đặc biệt là Hà Nội, TP. HCM thực hiện nghiêm chỉ thị 29 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành sử dụng nhà chung cư. Xử lý nghiệm các vi phạm đặc biệt là vi phạm về quản lý, sử dụng quỹ bảo trì, đảm bảo quyền lợi của cư dân.
Infonet