"Chiến binh" vượt qua thử thách bơi 10km trên sông Hồng lý giải vì sao cha mẹ nên cho con đi học bơi sinh tồn
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển, với trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước mỗi năm...
- 27-05-2022Phó Giáo sư trẻ nhất ĐH Bách Khoa TPHCM: 37 tuổi, 2 bản quyền tác giả, hơn 50 bài báo khoa học
- 27-05-2022Thiếu nữ nổi loạn thành "học bá": 18 tuổi từ chối cùng lúc ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh, 20 tuổi ôm con đến Harvard
- 26-05-2022Loạt trường tư thục, quốc tế ở quận Nam Từ Liêm: Học phí từ 27 triệu đồng/năm, có 1 trường siêu HOT, phụ huynh xếp hàng từ đêm để nộp hồ sơ
Gần đây khi vụ việc phao cứu sinh xuất hiện và "biến mất" trên các cây cầu ở Hà Nội thì cũng là lúc nhiều cha mẹ quan tâm hơn đến 3 từ " bơi sinh tồn ", đặc biệt khi các em học sinh đã bước vào kỳ nghỉ hè.
Nhiều trẻ bơi tốt ở hồ bơi nhưng ở môi trường sông nước bên ngoài lại không tự tin. Người đứng đằng sau những chiếc phao cứu sinh treo trên cầu Hà Nội, cũng là cha của 2 đứa trẻ, đã có những nhận định đáng lưu tâm...
Trước câu hỏi liên quan đến tầm quan trọng của bơi sinh tồn, "mạnh thường quân", anh Nguyễn Văn Tú, CEO Mon Gaming, người tài trợ cho sự xuất hiện của những chiếc phao cứu sinh trên cầu Hà Nội, "chiến binh" bơi 10km trên sông Hồng đã có những trải lòng...
BÀN TAY CHÌA RA VỚI LẤY AI ĐÓ ĐANG CÓ Ý NGHĨ TIÊU CỰC
- Sau khi những chiếc phao cứu sinh “biến mất” thì nhà tài trợ 1.000 chiếc phao cứu sinh, 1.000 chiếc kính bơi lắp trên cầu Hà Nội mới "lộ diện", lý do đặc biệt nào khiến anh tài trợ cho hoạt động này?
Tôi là một người có niềm đam mê với bơi lội và các hoạt động thiện nguyện, tôi cũng may mắn có được một số thành tựu nhỏ trong sự nghiệp của mình, nên tôi muốn dành một phần may mắn của mình để đóng góp cho xã hội. Đặc biệt đây lại là chương trình thiện nguyện mang cực kỳ nhiều ý nghĩa giúp được rất nhiều người mà tôi tâm đắc nhất từ trước đến giờ. Tôi mong muốn có thể giảm thiểu được phần nào những tai nạn đáng tiếc xảy ra trên sông.
Những chiếc phao cứu sinh chúng tôi lắp trên cầu không chỉ có ý nghĩa cứu sinh mà còn là cho ai đó đang có ý nghĩ tiêu cực sẽ cảm thấy như có một bàn tay chìa ra với mình.
- Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội đã nói rằng số phao cứu sinh thu lại để có cơ chế phối hợp với nhóm thiện nguyện, nhiều người muốn biết hiện tại số phận những chiếc phao cứu sinh này đang được “định đoạt” như thế nào?
Phao sẽ được treo lại ở đầu cầu và cuối cầu, những vị trí được cho phép đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.
- Được biết anh đã đã vượt qua thử thách bơi 10km trong cuộc thi Chiến binh sông Hồng, anh có thể nói lại cảm giác của mình lúc đó thế nào?
Ngay từ nhỏ tôi đã rất yêu thích việc bơi lội, tuy nhiên khi đó bản thân tôi có nền tảng thể lực kém, chỉ bơi được 1 đoạn ngắn đã đuối sức. Thậm chí, các kỹ năng về bơi lội ngoài môi trường thực tế như sông hồ mình cũng hầu như đều không có và "chỉ bơi theo bản năng".
Do đó, tôi đã quyết tâm học bơi chuyên nghiệp, học trực tiếp từ các vận động viên chuyên nghiệp và ra sông bơi trực tiếp. Tôi tham gia cuộc thi Chiến binh sông Hồng và vượt qua thử thách bơi 10km liên tục nhờ sự nỗ lực tập luyện và những kỹ năng quý giá được nhóm Bơi khám phá chia sẻ.
Những km cuối cùng là gian nan và kinh khủng nhất, sức lực cạn kiệt, chủ yếu vượt qua bằng ý chí là chính. Khi chạm mốc 10km, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã vượt qua chính mình.
- Cảm giác vượt qua giới hạn bản thân này đã khiến anh đã có những thay đổi nào trong cuộc sống?
Chỉ cần có ý chí và quyết tâm luyện tập thì khó khăn bao nhiêu chúng ta cũng sẽ vượt qua. Trước đó tôi không hề chơi thể thao hay tập luyện từ nhỏ do tư duy khi đó còn hạn chế.
CHA MẸ NÊN LÀM GÌ ĐỂ GIÚP CON TRÁNH ĐUỐI NƯỚC?
- Không ít người bơi được ở bể bơi nhưng không tự tin khi bơi sinh tồn, theo anh cha mẹ cần quan tâm đến việc bơi sinh tồn cho trẻ như thế nào?
Theo tôi học bơi ở bể so với học bơi ngoài thực tế khác xa rất nhiều. Do đó, mỗi người phải có kiến thức bơi lội, kỹ năng sinh tồn để trước hết là để đảm bảo an toàn cho bản thân, hỗ trợ người khác khi gặp nạn.
Tôi khẳng định việc trang bị cho mình kiến thức, việc bơi một cách nghiêm túc và an toàn là cực kỳ quan trọng.
Cha mẹ cần cho các bạn tham gia các khóa bơi đặc biệt của những người có kinh nghiệm bơi sinh tồn ở môi trường sông nước. Từ đó các bé sẽ có cơ hội trực tiếp cọ xát và trải nghiệm môi trường thực tế (điều kiện an toàn đảm bảo) giúp các bạn trẻ có đủ kỹ năng để sinh tồn trong môi trường sông nước ngoài tự nhiên.
- Theo một số liệu công bố thì Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Có phải vì vậy không chỉ là nhà tài trợ cho những chiếc phao cứu sinh, anh cũng tham gia vào việc tài trợ dạy bơi cho các trường ở ven sông?
Chính xác là như vậy, đó là vấn đề tôi vẫn đau đáu trong lòng nên khi anh Khánh Aquaman trao đổi tôi chỉ cần 30 phút đã quyết định luôn việc đồng hành với chương trình này.
- Ngoài hoạt động thiện nguyện liên quan đến tài trợ phao cứu sinh và hoạt động bơi sinh tồn, anh cũng sẵn sàng bỏ ra 800 triệu để làm quỹ học bổng giáo dục cho những em học sinh nghị lực có hoàn cảnh khó khăn, vì sao anh lại quan tâm đến giáo dục như vậy?
Bản thân tôi sinh ra trong một gia đình khó khăn tự lực vươn lên nên tôi hiểu tầm quan trọng của giáo dục đối với một con người như thế nào. Tôi không muốn các em học sinh có ý chí, tư duy nhưng vì hoàn cảnh khó khăn giới hạn các em. Đó là lý do tôi tạo ra Mon Scholarship.
KIÊN TRÌ TÌM GIẢI PHÁP MỌI BẾ TẮC ĐỀU CÓ CÁCH GIẢI QUYẾT
- Từ góc là một người trẻ từng lăn lộn nhiều nhiều nghề từ công ty phần mềm, công ty xây dựng, công ty công nghệ… là ông chủ 1 công ty game, anh có sự thấu hiểu nào cho những khó khăn của các bạn trẻ khi nhiều cha mẹ đôi khi có góc nhìn về con mình như những đứa trẻ nghiện game, cứng đầu và khó bảo?
Không nên trách hoàn toàn những bậc phụ huynh vì mỗi thế hệ sẽ có những góc nhìn rất khác nhau xuất phát từ kiến thức, hiểu biết, hoàn cảnh phát triển… Cái quan trọng là các bạn trẻ cần giúp cha mẹ mình thấu hiểu đam mê, sở thích, tiềm năng phát triển của những kiến thức, công việc mà các bạn theo đuổi chứ đừng vì định kiến gia đình, xã hội mà từ bỏ chúng.
- Là người lớn trưởng thành từ việc làm cha, từ những lăn lộn startup thành công và thất bại, anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ để biết sống trách nhiệm hơn với chính mình và biết thấu hiểu hơn với “nỗi khổ” của người lớn?
Đầu tiên các bạn trẻ hãy sống tự lập và trách nhiệm, hãy lắng nghe nhiều hơn chứ đừng vội tranh luận với cha mẹ. Là bậc phụ huynh ai cũng muốn con mình phát triển những vì cuộc sống quá nhiều khó khăn nên họ sợ con mình vất vả.
Chỉ cần các bạn giúp người lớn hiểu rằng các bạn chọn con đường đầy chông gai thử thách, nhưng bạn được sống với đam mê, sở thích, thế mạnh của chính mình thì bạn sẵn sàng chấp nhận vất vả.
- Còn lời khuyên cho những ai đang rơi vào bi kịch, bế tắc và bi quan vào cuộc sống, thậm chí có thể từng nghĩ đến việc kết liễu cuộc sống của chính mình...
Tự tử là trốn chạy một cách hèn nhát chứ không phải giải thoát, vì sau khi chết thì mọi bi kịch, bế tắc được chuyển qua cho người thân của họ chứ nó không hề biến mất.
Con người sinh ra lành lặn cả về tư duy lẫn thể chất đã là một sự may mắn vô cùng lớn so với nhiều người, chỉ cần kiên trì tìm giải pháp thì mọi bế tắc đều có cách giải quyết trong cuộc sống. Hạnh phúc thực sự là nhìn thấy những người thân yêu của mình hạnh phúc!
Trí thức trẻ