MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid

Hiện thân của chiến lược vaccine không chỉ là Quỹ vaccine, mà còn là hoạt động ngoại giao vaccine, là hoạt động nghiên cứu sản xuất vaccine, là chiến dịch tiêm chủng thần tốc, lớn nhất lịch sử… với những kết quả vô cùng ấn tượng.

Cách đây chưa tới nửa năm, tờ The Straits Times (Singapore) đã đưa một dự báo rất kém lạc quan cho Việt Nam, rằng Việt Nam phải mất hơn 10 năm nữa mới có thể tiêm được vaccine cho 75% dân số, gần như đứng chót bảng ở Đông Nam Á.

Các dữ liệu tiêm chủng đến cuối tháng 8 cũng chưa cho thấy sự lạc quan. Tính đến hết ngày 30/8/2021, theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, trên toàn quốc mới chỉ thực hiện được hơn 20 triệu mũi tiêm. Nếu với tốc độ ở thời điểm đó, thì dự báo 4 tháng cuối năm, chỉ có thêm trên 30 triệu mũi, tổng cộng có 50 triệu mũi tiêm, tức là Việt Nam chỉ đạt 33% mục tiêu là 150 triệu mũi.

Thế nhưng, chỉ vài tháng sau, vượt xa dự đoán của The Straits Times, Việt Nam đã là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất. Tỷ lệ tiêm cũng nhanh chóng đạt được những con số đáng ghi nhận.

Đó là kết quả của chiến lược vaccine, một sự tổng hợp những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ, ngành y tế và cả người dân, cộng đồng doanh nghiệp.

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid - Ảnh 1.

Đầu tháng 6, ngay sau bài phát biểu kêu gọi của Thủ tướng trong buổi Lễ ra mắt sáng kiến thành lập Quỹ vaccine, hàng nghìn tỷ đồng đã được đóng góp. Từ những khoản thiện nguyện hàng trăm tỷ đến từ Golf Long Thành, Vingroup, Viettel… đến khoản tiền tiêu vặt của cụ bà 70 tuổi, tiền tiết kiệm của em học sinh lớp 10… tất cả là sự chung sức, cộng hưởng sức mạnh của hàng chục triệu người dân Việt Nam đã đoàn kết, đồng lòng, sát cánh cùng Chính phủ.

Sau câu chuyện bố trí nguồn lực, Thủ tướng đã chỉ rõ 3 mũi nhọn trong chiến lược vaccine: Ngoại giao vaccine, Sản xuất, chuyển giao công nghệ Vaccine và Chiến dịch tiêm chủng.

"Phải nhập khẩu được vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Khó khăn là khan hiếm trên toàn cầu, nhưng không vì khó khăn đó mà chúng ta ngồi im. Không được! Hiện nay đang tiến hành ngoại giao vaccine" – Thủ tướng nói, yêu cầu các bộ trưởng, đặc biệt là Bộ trưởng Ngoại giao tận dụng mọi kênh để tiếp cận nguồn vaccine.

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid - Ảnh 2.

Chia sẻ về việc viện trợ vaccine cho Việt Nam của Hoa Kỳ - quốc gia viện trợ vaccine cho Việt Nam nhiều nhất tính đến thời điểm này, Đại sứ Hà Kim Ngọc cho hay: "Thời điểm biến chủng Delta hoành hành, nhận thấy nguy cơ bùng phát mạnh tại Việt Nam, chúng tôi đã đặt ngay vấn đề với phía Mỹ, rằng nếu không có sự trợ giúp kịp thời thì về lâu dài, xa hơn, sẽ ảnh hưởng đến cả những cơ sở sản xuất của Mỹ tại Việt Nam, tác động vào chuỗi cung ứng khu vực".

Theo Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, giữa thời điểm vaccine còn mới và khan hiếm, trên thế giới có biết bao quốc gia còn "khát" vaccine, thì Việt Nam đã làm nên sự khác biệt, khi rất chủ động, linh hoạt và cam kết sử dụng đến liều cuối cùng.

Ông Ngọc giải thích, sự chủ động thể hiện ở chỗ ngay trong tháng 9, sau khi Chính phủ thành lập Tổ công tác về "ngoại giao vaccine", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ngay lập tức ký quyết định đóng góp 500.000 USD cho cơ chế COVAX: "Ở thời điểm Mỹ khó khăn trong giai đoạn đầu đại dịch, dù Việt Nam thiếu thốn trăm bề nhưng đã sẵn sàng giúp đỡ và chia sẻ hết sức có thể. Những hành động đó đã tạo được ấn tượng rất tốt".

Khi ông Ngọc đề cập tới câu chuyện vaccine với nước bạn, ông cho biết, họ đều nói: "Người bạn thực sự là người bạn giúp nhau trong lúc khó khăn". Và mỗi lần viện trợ vaccine, họ đều nhắc lại câu nói đó.

Đến nay, công tác ngoại giao đã giúp Việt Nam tiếp nhận gần 169 triệu liều vaccine, trong đó mua từ ngân sách nhà nước hơn 80 triệu liều, từ các nguồn viện trợ/tài trợ là hơn 88 triệu liều, vượt mục tiêu 150 triệu liều Chính phủ đề ra. Đặc biệt trong đó, hơn 1 triệu liều vaccine Abdala của Cuba đã được chuyển về Việt Nam bằng… chuyên cơ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid - Ảnh 3.

Dù ngoại giao vaccine có những kết quả rất tích cực, nhưng số lượng chưa đủ để Việt Nam thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Bộ Y tế tính toán, Việt Nam cần tới 150 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số. Trong bối cảnh nguồn cung vaccine thiếu hụt nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, việc tiếp cận vaccine từ nguồn bên ngoài càng gặp khó, nên đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước được xem như "sứ mệnh" để tạo ra giải pháp mang tính căn cơ lâu dài.

Vì thế, mũi nhọn thứ hai trong chiến lược vaccine chính là việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất trong nước. Đáng mừng là doanh nghiệp Việt Nam vừa đã tự nghiên cứu, vừa ký được các hợp đồng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ở trình độ cao. Hoạt động sản xuất vaccine đã có đường ra và có đầu ra.

Việt Nam vốn là quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và sản xuất vaccine, đã tự sản xuất được rất nhiều vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: sởi, bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan, H5N1... Đó chính là nền tảng để Việt Nam sản xuất vaccine phòng đại dịch Covid-19 một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid - Ảnh 4.

Hiện nay, về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng vaccine trong nước, hiện có các ứng viên vaccine như Nanocovax, COVIVAC, ARCT-154, HIPRA, Sputnik V, vaccine do Công ty Shionogi (Nhật Bản) phát triển.

Đặc biệt, mới đây, trong chuyến thăm chính thức Thụy Sỹ, Chủ tịch nước đã đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ kỹ thuật cho vaccine Nanocovax của Việt Nam được tham gia chương trình thử nghiệm lâm sàng toàn cầu của WHO.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới ủng hộ ý tưởng biến Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vaccine, sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vaccine do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệm toàn cầu của WHO.

Ông Nguyễn Đức Khương PGĐ phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris), & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) nhận định rằng, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam: "Ý tưởng về việc doanh nghiệp trong nước có thể tự sản xuất vaccine tại Việt Nam cho các đối tác nước ngoài để dần dần chúng ta có được dây chuyền công nghệ là một hướng đi đúng".

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid - Ảnh 5.

Ông cũng nhận định rằng, nhiều đơn vị không muốn phụ thuộc vào dây chuyền tại một số quốc gia nhất định, nên nếu Việt Nam có thể sở hữu dây chuyền công nghệ đó, chúng ta sẽ trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị vaccine.

Cơ hội này có thể đến với Việt Nam là do các quốc gia phát triển đang định hình lại các chuỗi sản xuất của họ. Đây cũng là một tín hiệu cho thấy Việt Nam có khả năng tham gia vào chuỗi vaccine, có thể tự sản xuất ra vaccine cho mình. Có thể coi đây là một điểm sáng trong định hướng chính sách của Việt Nam và cũng là một minh chứng về năng lực của Việt Nam trong việc thuyết phục đối tác nước ngoài.

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid - Ảnh 6.

Và yếu tố quan trọng cuối cùng, cũng được coi là thành công nhất, chính là chiến dịch là tiêm vaccine. Thủ tướng yêu cầu, khi đã có vaccine, phải thực hiện tiêm chủng miễn phí cho nhân dân.

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid - Ảnh 7.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông và Giao thông vận tải. Các cơ quan đã thiết lập Ban Chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất "tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai".

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 có nhiều điểm rất mới so với các chiến dịch tiêm chủng trước đây. Việc lập hệ thống bảo quản, vận chuyển vaccine được thực hiện dưới sự điều hành của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng, vaccine được đảm bảo chất lượng và vận chuyển nhanh nhất từ các kho trung tâm tại các Quân khu tới thẳng các điểm tiêm.

Chiến dịch cũng huy động tổng lực các lực lượng với hàng chục nghìn cơ sở y tế, hàng vạn cán bộ y tế và các lực lượng khác trong cả nước Trung ương và địa phương, gồm cả lực lượng dân y và quân y, cả công lập và tư nhân. Các đội tiêm chủng trên khắp đất nước làm việc xuyên trưa, xuyên tuần cũng là hình ảnh thường thấy, để nhanh chóng tăng độ phủ vaccine trong cộng đồng.

Đồng thời, không thể thiếu là triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tiêm chủng với việc đưa vào sử dụng Sổ sức khỏe điện tử để quản lý quá trình tiêm chủng của từng người dân.

Đến hết ngày 16/12, Việt Nam tiêm được hơn 135 triệu liều, đạt 88% số vaccine phân bổ trong 103 đợt. 77% dân số trưởng thành cả nước được tiêm mũi 1, 60% dân số được tiêm mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vaccine của Việt Nam/dân số xếp thứ 4 trong khu vực (sau Singapore, Campuchia, Brunei).

Theo Bộ Y tế, trung bình một ngày cả nước tiêm 1-1,5 triệu liều vaccine, tốc độ tiêm trong tháng 11 đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Chiến lược đi vào lịch sử năm 2021: Giải mã sự thay đổi ngoạn mục của tỷ lệ người dân tiêm phòng vaccine ngừa Covid - Ảnh 8.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết: "Ba tháng qua, chúng ta đã triển khai tiêm chủng rất tốt. Vào thời điểm này, nếu so sánh với London hay New York thì tỷ lệ tiêm chủng cho dân số trên 18 tuổi của TPHCM còn cao hơn. Cùng với hệ thống điều trị đã thông suốt, phác đồ điều trị đã được kiểm định, hệ thống y tế cơ sở đã tốt hơn trước nhiều lần, thì nếu có làn sóng dịch mới xảy ra, mức độ thiệt hại cũng sẽ thấp hơn rất nhiều so với vừa rồi. Vì thế, tôi tin thành phố sẽ không phải trở lại giai đoạn đóng cửa, phong tỏa như trước. Kinh tế chắc chắn sẽ hồi phục".

Từ đó, hoàn toàn có cơ sở đề kỳ vọng rằng, với việc thành công thực hiện chiến lược vaccine, chiến lược của năm 2021, chiến lược đi vào lịch sử, thì tới năm 2022, bức tranh kinh tế và xã hội sẽ tươi sáng, Việt Nam nhất định sẽ phục hồi, và phục hồi rất mạnh mẽ.

Thái Trang
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên