MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến lược ngành Ngân hàng: Những tín hiệu tích cực

16-09-2018 - 19:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Với cách điều hành chính sách khá trôi chảy của NHNN như hiện nay, có thể nhiều mục tiêu trong chiến lược Ngành sẽ về đích sớm hơn so với dự kiến ban đầu.

TS. Võ Trí Thành
TS. Võ Trí Thành
Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương
111 bài viết
Theo Quyết định 986/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là NHNN phải tăng tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình.


Trao đổi với phóng viên, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia TS. Võ Trí Thành cho rằng khi đã trở thành chiến lược của Ngành thì lộ trình thực hiện sẽ được đẩy nhanh hơn.

Ông có thể cho biết, vì sao cần thiết phải đưa mục tiêu trên vào trong chiến lược Ngành?

Nói lại một chút, thực ra vấn đề nâng cao tính tự chủ, chủ động trong điều hành chính sách của NHNN dù không phải là tất cả nhưng là một trong những vấn đề quan trọng nhất khi bàn về tính độc lập của NHTW. Có mấy lý do cơ bản nhất minh chứng vì sao NHTW cần có vị thế tính độc lập rất cao.

Thứ nhất, dù không phải tất cả nhưng rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tính độc lập là yếu tố rất quan trọng để đảm bảo thực hiện được mục tiêu cơ bản nhất của chính sách tiền tệ (CSTT). Đó là lạm phát tương đối thấp và ổn định, rộng ra là ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, trong giai đoạn khó khăn, khủng hoảng thì sự chủ động là nhân tố đảm bảo tạo được khả năng linh hoạt hơn cho CSTT. Mà sự linh hoạt của CSTT là một yếu tố quan trọng để giảm thiểu những tác động bất lợi của các cú sốc từ bên ngoài có thể gây ra khó khăn hay khủng hoảng cho nền kinh tế, tạo khả năng chống chịu nhờ linh hoạt. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu hơn thì đây là yếu tố giúp tăng khả năng chống chịu bất định của thế giới.

Có ý kiến cho rằng, cần chuyển sang điều hành CSTT theo lạm phát mục tiêu để nâng cao hiệu quả của CSTT? Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?

Đúng vậy. Một vấn đề quan trọng nữa là muốn tăng tính độc lập, chủ động cho NHNN thì nên chuyển sang điều hành CSTT theo lạm phát mục tiêu (LPMT). Đối với khung khổ điều hành CSTT theo LPMT, nếu được xây dựng và vận hành đầy đủ, sẽ có không ít thuận lợi. Niềm tin của các thành viên thị trường đối với chính sách, vốn là một yếu tố có tính nền tảng chắc chắn sẽ tăng.

Thứ nữa, do mục tiêu ưu tiên được xác định rõ ràng và trong một khung khổ rõ ràng hơn, NHTW sẽ chỉ phải tập trung vào nhóm nhiệm vụ, giải pháp trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các mục tiêu này. Chính sách khác cũng dần thích ứng với công tác điều hành CSTT theo LPMT, tránh gây áp lực đối với NHTW. Thực tế thời gian tới, NHNN đã thực hiện khá tốt hướng đi này khi cố gắng hài hòa các mục tiêu nhưng đặt trọng tâm và triệt để hơn vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Việc điều hành CSTT theo LPMT có trở nên nhẹ nhàng hơn so với trước kia không, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng, mục tiêu này không dễ thực hiện được. Vì với nền kinh tế đang phát triển, thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu có thể bị cản trở do các nhóm chính sách khác muốn tăng ưu tiên cho các mục tiêu khác, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế cao… dây nọ giằng dây kia như vậy là những đòi hỏi áp lực đối với cơ quan này.

Việc áp dụng khuôn khổ CSTT theo LPMT, với định hướng ổn định giá cả đều đi kèm với mức tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Mức tăng trưởng kinh tế thấp chủ yếu do tổng cầu được kiềm chế. Ngoài ra còn nhiều khía cạnh có lẽ Việt Nam khó cải thiện hơn trong 5 năm tới chẳng hạn như giảm độ mở thương mại; tăng mức vốn hóa của thị trường trái phiếu công ty. Việt Nam còn phải nỗ lực rất nhiều mới đáp ứng được các điều kiện này. Điều quan trọng trong thời gian tới là nâng cao năng lực thể chế và năng lực điều hành cho NHNN.

Bên cạnh đó, sắp tới thị trường tài chính - ngân hàng sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề từ những chuyện  tiền điện tử, mở cửa tài chính, tự do hóa tài khoản vốn mạnh hơn, cú sốc bên ngoài nhiều và tính bất định cao hơn… Qua đó đòi hỏi những giải pháp dài hơi hơn, vừa đảm bảo sự minh bạch hóa cũng như giữ vai trò chốt chặn quan trọng trong giám sát hệ thống tài chính hoạt động an toàn, lành mạnh.

Dẫu còn nhiều việc phải làm trước mắt, nhưng tôi cho rằng, trong bộn bề công việc, NHNN đã đưa ra chiến lược Ngành khá đầy đủ, toàn diện cả trước mắt cũng như dài hạn là tín hiệu tích cực. Với cách điều hành chính sách khá trôi chảy của NHNN như hiện nay, có thể nhiều mục tiêu trong chiến lược Ngành sẽ về đích sớm hơn so với dự kiến ban đầu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Vũ thực hiện

Thời Báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên