"Chiến thuật” tăng trưởng mới?
Theo các chuyên gia, dẫu đà phục hồi hiện hữu nhưng việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,5% vẫn là thách thức rất lớn.
Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, do vậy chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam cần tính toán để bắt nhịp đà phục hồi hậu COVID-19.
- 21-07-2021Financial Times: Làn sóng dịch Covid-19 mới tại Malaysia và Việt Nam có thể 'giáng đòn' mạnh vào khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu
- 20-07-2021Thêm một tổ chức hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021
- 19-07-2021'Mục tiêu tăng trưởng phụ thuộc lớn vào khả năng khống chế dịch Covid-19'
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM), mặc dù bối cảnh kinh tế 6 tháng năm 2021 không thuận lợi hơn so với năm 2020 nhưng triển vọng tăng trưởng cả năm 2021 vẫn được duy trì nhờ những thay đổi tích cực trong điều hành. "Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2021 có thể tiếp tục hứng chịu những tác động từ những bất định, rủi ro trong nội tại nền kinh tế cũng như thế giới" - ông Dương nói.
Tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó quý 1/2021 tăng 4,65% và quý 2/2021 tăng 6,61%. Điều này cho thấy, nền kinh tế phục hồi nhanh và cao hơn so với xu thế của khu vực. Dẫu đà phục hồi hiện hữu nhưng việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,5% vẫn là thách thức rất lớn.
Trong bối cảnh nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục phải đối mặt với những bất định, rủi ro từ diễn biến phức tạp, khó lường và luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng tiếp theo của dịch Covid-19 với sự xuất hiện của các biến thể, sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá, đà tăng giá của các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, chi phí logistics…, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng tư duy về nâng cao mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh mới cần phải thay đổi.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Việt Nam vẫn gắn chặt với xu hướng của thế giới; trong đó, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với 3 trắc trở lớn. Một là, tình hình khan hiếm nguồn cung tiếp tục gia tăng, cạnh tranh đầu vào vẫn diễn ra mạnh mẽ, đẩy giá cả hàng hoá leo thang. Hai là, một số quốc gia tạm dừng chính sách nới lỏng tiền tệ trong bối cảnh lạm phát vọt lên mức đỉnh trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều quốc gia đang theo dõi sát sao diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Ba là, năng lực logistics không còn đảm bảo như trước đại dịch Covid-19, chi phí thuê container rỗng tăng chóng mặt trong suốt thời gian qua.
“Những điều trên “ngấm” vào kinh tế Việt Nam làm tăng trưởng đối mặt nhiều thách thức”, ông Thành nhận định.
Chiến thuật của Việt Nam ở thời điểm này không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch Covid-19 mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lưu ý về sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia trong khu vực và thế giới. Nhiều định chế tài chính lớn vừa qua đã hạ dự báo tăng trưởng ở một số quốc gia khu vực ASEAN do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Trái lại, một số đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu… lại đang có triển vọng tăng trưởng tích cực.
Vì vậy, ông Thành nhìn nhận chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam ở thời điểm này không chỉ là vượt qua những thách thức từ đại dịch COVID-19 mà còn phải bắt nhịp với đà phục hồi của thế giới. "Nếu không nhanh, tăng trưởng của Việt Nam sẽ chậm hơn so với các nước trong khu vực và không nắm bắt được cơ hội từ sự phục hồi nhanh chóng của các đối tác lớn”, ông Thành cảnh báo.
Về gói hỗ trợ doanh nghiệp thứ 2 mà Bộ KH&ĐT đang triển khai xây dựng, mặc dù nguồn lực hạn hẹp nhưng Việt Nam còn dư địa tốt để triển khai bởi dự trữ ngoại tệ ở mức cao, thâm hụt ngân sách và nợ công trong tầm kiểm soát. Để tránh chậm trễ trong việc triển khai gói cứu trợ lần này, ông Thành cho rằng “trong bối cảnh mới, cần có những quy chế, quy trình mới để bắt nhịp với bối cảnh mới với nhiều rủi ro bất định, tránh tình trạng “ngại” vi phạm để lỡ cơ hội tăng trưởng”.
Diễn đàn doanh nghiệp