MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Con quái vật đã thực sự ngủ yên?

18-04-2018 - 09:13 AM | Tài chính quốc tế

Các khoản thuế quan và các biện pháp đáp trả có thể đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc đối đầu vốn dĩ khó thể tránh khỏi giữa Trung Quốc và Mỹ.

Chúng ta cần nhìn nhận một sự thật rằng Trung Quốc và Mỹ đang trong một cuộc chiến thương mại. Hai tuần sau khi Tổng thống Trump áp đặt thuế quan đối với nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc và các nước khác, ông bắt đầu thực thi các biện pháp trừng phạt lên các mặt hàng nhập khẩu trị giá hàng chục tỷ USD đồng thời hạn chế các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng trả đũa bằng cách tuyên bố đánh thuế vào các mặt hàng hạt điều, thịt lợn và các sản phẩm khác của Mỹ và cảnh báo sẽ có các biện pháp quyết liệt hơn. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã cam kết nước này sẽ "chiến đấu đến cùng."

Các nhà nghiên cứu kinh tế và các ngân hàng ở Phố Wall đang tính toán những tổn thất mà cuộc chiến thương mại sẽ gây ra cho tăng trưởng kinh tế, tình hình việc làm và thu nhập của doanh nghiệp. Nhưng những hậu quả lâu dài và lớn hơn thì khó dự đoán hơn. Có lẽ cuộc chiến tranh thương mại này sẽ được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán, như gợi ý của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, một kiến ​​trúc sư về chính sách của Chính quyền Trump.

Các cuộc đàm phán giữa hai bên dường như đang được tiến hành một cách âm thầm và không hề khoa trương. Cuộc khủng hoảng này có thể tan rã vào hư không nếu ông Tập chịu ném những miếng bánh nhử về phía Trump, một cá nhân thiếu kiên nhẫn và không nhất quán trong chính sách đồng thời thích có được những thắng lợi nhanh chóng mà ông có thể khoe trên tài khoản Twitter của mình, thay vì phải chật vật thay đổi các thực tiễn thương mại của Trung Quốc thực sự đe doạ Mỹ.

Nhưng không thể loại trừ một viễn cảnh u ám hơn: Cuộc chiến thương mại này có thể là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử, thời điểm mà sự khác biệt về hệ tư tưởng và kinh tế không thể hòa hợp giữa hai quốc gia quan trọng nhất trên thế giới bùng nổ. Trong trường hợp đó, cả thế giới có thể sẽ thay đổi hoàn toàn.

Một số chuyên gia cho rằng một cuộc xung đột như vậy là không thể tránh khỏi - rằng một cường quốc nắm giữ vị trí thống trị như Mỹ đến một thời điểm nhất định sẽ phải đối đầu với một cường quốc đang trên đà đi lên, như lịch sử đã cho thấy. Dù có là định mệnh sắp đặt hay không, cuộc chiến thương mại ngày nay là kết quả của những thay đổi chính sách lớn ở Trung Quốc và Mỹ. Cả ông Trump và ông Tập đã cùng đánh cược tương lai chính trị của mình để khiến quốc gia của họ "vĩ đại trở lại", dẫn đến một cuộc xung đột chủ nghĩa quốc gia với những hậu quả tiềm ẩn cho tất cả mọi người. Cho dù cuộc chiến thương mại này có được giải quyết thì nguyên nhân nền tảng của nó sẽ không biến mất.

Ông Trump đang phá vỡ nhiều thập kỷ chính sách đối ngoại Mỹ vốn được thiết kế để tránh xung đột như vậy. Kể từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông năm 1972, chiến lược của Washington đã nhằm đưa Trung Quốc vào khuôn khổ trật tự quốc tế được Mỹ và các đồng minh dựng lên sau Thế chiến II. Thương mại và đầu tư sẽ ràng buộc Trung Quốc với các nền dân chủ phương Tây. Mỹ mở cửa thị trường tiêu dùng khổng lồ cho xuất khẩu của Trung Quốc và mời Bắc Kinh vào các tổ chức mang tính nền tảng của nền kinh tế toàn cầu - Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới - đưa Trung Quốc trở thành một phần trong hệ thống kinh tế thế giới tự do. Toàn bộ ý tưởng này nhằm hợp tác với những nỗ lực phát triển kinh tế của Bắc Kinh, biến đối thủ tiềm tàng thành đồng minh.

Đối với ông Trump, chiến lược đó là một sai lầm lịch sử tạo điều kiện cho Trung Quốc phát triển giàu có và mạnh mẽ và làm hao tổn đến thế giới phương Tây. "Tôi đổ lỗi cho sự thiếu năng lực của các nhà Quản lý trong quá khứ đã cho phép Trung Quốc lợi dụng Mỹ", ông đăng trên trang Twitter của mình vào tháng 11. Thay vì khuyến khích Trung Quốc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu, ông Trump đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng của nó - và thậm chí đảo ngược nó.

Những người phản đối chính sách "nước Mỹ là trên hết" (American First) của Tổng thống Trump sẽ thấy sởn gai ốc. Những người ủng hộ cách tiếp cận ủng hộ hội nhập của phương Tây có thể chỉ ra những thành công quan trọng. Trung Quốc - hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới - đã trở thành một phần không thể tách rời của nền kinh tế toàn cầu và bước tiến quan trọng của nước này diễn ra tương đối bằng phẳng. Trong 40 năm qua, quốc gia này dường như đang đi "đúng" hướng - hướng tới một nền kinh tế định hướng thị trường hơn và một xã hội cởi mở hơn.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Con quái vật đã thực sự ngủ yên? - Ảnh 1.

Chấp nhận thực tiễn này lại là một điều khó, chủ yếu vì lý do chính trị. Nhiều chính trị gia ở Mỹ đang cố tập trung nhiều hơn vào nhưng tổn thất mà một Trung Quốc đang đi lên mang lại – cái mà họ cho là những mất mát về việc làm, các ngành công nghiệp và khả năng cạnh tranh – thay vì nhắc đến những lợi ích của việc giảm giá thành cho người tiêu dùng và mở rộng cơ hội kinh doanh cho các công ty của Mỹ. Một điều nữa cũng thôi thúc bước đường ngoặt của Chính quyền Trump là sự tức tối mà các công ty lớn của Mỹ gặp phải khi phải đối mặt với tốc độ cải cách mở cửa thị trường vô cùng chậm ở Trung Quốc và lối hành xử tiêu cực từ xưa tới giờ của các quan chức tại Bắc Kinh.

Một nhân tố lớn hơn nhiều là ông Tập. Các tiêu đề báo chí có thể đổ lỗi cho ông Trump vì đã làm bùng nổ cuộc chiến tranh thương mại hiện nay. Nhưng điều đó không hoàn toàn công bằng. Ông Tập cũng phần nào đáng trách nếu không muốn nói thậm chí còn tệ hơn. Giống như ông Trump, ông Tập cũng đã đi chệch so với những người tiền nhiệm của mình. Trung Quốc chưa bao giờ thực sự theo con đường mà phương Tây mong đợi. Nước này vay mượn các công cụ và tài sản của chủ nghĩa tư bản, đồng thời chối bỏ các nguyên tắc tự do chính trị, kinh tế và xã hội đi kèm theo đó. Nhưng ít nhất, dù chậm chạp nhưng trước đó, Trung Quốc cũng đã cho phép thị trường và khu vực tư nhân có nhiều ảnh hưởng hơn trong một nền kinh tế do nhà nước kiểm soát. Ông Tập lại quay sang các chính sách mang đậm chủ nghĩa dân tộc hơn. Ông Trump luôn có khẩu hiệu "Đưa Mỹ vĩ đại trở lại" trong khi ông Tập được gắn liền với "Giấc mộng Trung Hoa".

Chủ nghĩa dân tộc đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc đi kèm với tâm lý phòng vệ và những nghi ngờ nghiêm trọng về toàn cầu hoá ở Mỹ - chắc chắn sẽ vượt xa cuộc chiến thương mại ngày nay. Không còn tham gia vào trật tự kinh tế thế giới đứng đầu là Mỹ, Trung Quốc đang cố gắng thay đổi nó cho phù hợp với những lợi ích của mình. Tất cả những gì ông Trump đang làm là chỉ ra những điều đã vốn dĩ hiển nhiên: Trung Quốc không phải là một đối tác, nhưng là một đối thủ cạnh tranh và suy cho cùng phải được đối xử như đối thủ.

Câu hỏi lớn là: Vậy thì sao bây giờ? Có một viễn cảnh rằng hai nền kinh tế này quá liên hệ lẫn nhau và phụ thuộc lẫn nhau nên cả hai phải tự tìm cách hòa hợp. Điều này cũng ngụ ý rằng các chính sách cũ - khuyến khích hội nhập nhiều hơn - sẽ tiếp tục được tiến hành theo hình thức nào đó và những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ vẫn được đàm phán và từ đó sẽ được kiểm soát.

Đồng thời, thực tiễn thương mại của Trung Quốc là rất cần thiết cho chương trình nghị sự của nước này. Các nhà lãnh đạo công nhận rằng tương lai kinh tế của đất nước phụ thuộc vào khả năng nâng cấp các ngành công nghiệp của họ và thúc đẩy sự đổi mới công nghệ, và họ sẽ không thay đổi đáng kể chương trình công nghiệp này trong bất kỳ trường hợp nào. Ông Trump có thể mở ra một thị trường ở đây hoặc loại bỏ một rào cản quy định ở kia. Có lẽ ông ta thậm chí có thể buộc Bắc Kinh đối xử với các công ty của Mỹ một cách "công bằng hơn". Tuy nhiên, ông không khó có thể thuyết phục ông Tập từ bỏ "Giấc mộng Trung Hoa" của mình.

Và kể cả người kế nhiệm của ông Trump cũng không làm được. Cuối cùng, ông Trump cũng sẽ rời khỏi Nhà Trắng và tổng thống kế tiếp có thể có một cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, thách thức nền tảng từ Trung Quốc sẽ khó mà biến mất. Mối nguy rằng thế giới có thể phân hóa thành các khối tranh chấp nhau vẫm sẽ vẫn luôn là một viễn cảnh đáng sợ. Washington đã mời Trung Quốc vào trật tự thế giới của họ. Bây giờ Trung Quốc có thể đập bỏ nó.

Hương Giang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên