MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: VND sẽ đi về đâu?

17-05-2019 - 08:52 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá VND/USD đã trồi sụt mạnh hơn tuần nay với biên độ chưa từng thấy trong nhiều tháng qua. Câu hỏi quan trọng là tỷ giá VND/USD sẽ ra sao trong thời gian tới nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo lên những nấc thang mới...

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Việc Mỹ quyết định nâng thuế từ 10% lên 25% đánh lên 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tuần trước được Trung Quốc nhanh chóng trả đũa bằng việc tăng thuế áp lên 60 tỷ USD hàng xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc từ 5% lên 25% (có hiệu lực từ 1/6/2019) đã làm rung động các thị trường hàng hóa, tài chính và ngoại hối trên thế giới. Xem ra sẽ còn nhiều bất trắc và biến động mạnh hơn nữa nếu Mỹ quyết định tăng thuế tương tự lên nốt 300 tỷ hàng hóa còn lại mà Trung Quốc xuất sang Mỹ để rồi chắc chắn sẽ nhận lại sự đáp trả thích đáng từ Trung Quốc.

VND cũng không phải là một ngoại lệ giữa vòng xoáy của cuộc chiến kiểu ăn miếng trả miếng giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện tại. Tỷ giá VND/USD đã trồi sụt mạnh hơn tuần nay với biên độ chưa từng thấy trong nhiều tháng qua. Câu hỏi quan trọng là tỷ giá VND/USD sẽ ra sao trong thời gian tới nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo lên những nấc thang mới khốc liệt hơn?

Xoay quanh nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế tài chính - TS. Phan Minh Ngọc.

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung chắc chắn sẽ tác động đến nhiều đồng tiền của các quốc gia trên thế giới, ông dự báo thế nào về đường đi của tỷ giá VND/USD?

TS. Phan Minh Ngọc: Câu trả lời chắc chắn sẽ không hoàn toàn rõ ràng, hay nói đúng hơn là sẽ không có một chiều hướng biến động rõ rệt của tỷ giá VND/USD theo hướng hoặc chỉ có tăng lên, hoặc chỉ có giảm đi, bởi sẽ có nhiều yếu tố tác động có tính triệt tiêu nhau trong từng thời điểm, dẫn đến sự biến động đáng kể, nếu có, của tỷ giá VND/USD sẽ theo cả 2 chiều trong ngắn hạn.

Trước hết, theo logic thông thường, trong chiến tranh thương mại, Trung Quốc – nước bị đánh thuế trước tiên và được cho là yếu thế hơn – sẽ có xu hướng phá giá Nhân dân tệ (CNY) hoặc "bỏ mặc" nó suy yếu so với USD mà không (muốn) can thiệp, coi đó như một biện pháp giảm nhẹ tác động của việc đánh thuế của Mỹ lên tính cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc. Thực tế thì Trung Quốc cũng đã và đang làm điều này, với sự lao dốc của CNY từ mức 6,738 CNY/USD ngày 1/5 xuống còn 6,879 CNY/USD ngày 16/5 (-2,1%).

Nếu các yếu tố khác (gồm tỷ giá các đồng tiền tham chiếu khác) không thay đổi thì sự mất giá của CNY chắc chắn sẽ gây áp lực cả về mặt kỹ thuật lẫn tâm lý lên tỷ giá VND/USD. Quả thực là ngay sau khi Tổng thống Trump tuyên bố nâng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng xuất khẩu từ Trung Quốc thì tỷ giá VND/USD đã theo gót CNY/USD mà tăng lên mạnh. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD sau đó đã có những bước thoái lui. Điều này có thể được giải thích bởi một thực tế khách quan là không phải là các đồng tiền tham chiếu (và có tác động mạnh đến tỷ giá VND/USD) nào cũng sụt giảm so với USD, mặc dù đúng là sẽ có nhiều nước muốn làm yếu bản tệ của mình để duy trì tính cạnh tranh.

4 trong số 8 đồng tiền tham chiếu để xác định tỷ giá VND/USD gồm CNY, SGD (đô la Singapore), KRW (đồng Won Hàn Quốc) và TWD (Đài tệ) đã suy yếu trong cùng kỳ so với USD. Thậm chí ngay cả USD cũng bị chiến tranh thương mại làm suy yếu đi so với nhiều đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới, với chỉ số đô la suy giảm từ 97,69 điểm xuống còn 97,52 trong hơn nửa tháng qua.

Ngược lại, các đồng tiền còn lại trong rổ tham chiếu cho tỷ giá VND/USD gồm JPY (yên Nhật), Baht (bạt Thái Lan) và EUR lại mạnh lên so với USD. Ví dụ, JPY đã tăng 1,7% so với USD từ mức 111,424 ngày 1/5 lên 109,555 ngày 16/5. Chưa rõ tương quan trên thực tế về tác động của những biến động trái chiều của các đồng tiền này trong bài tính tỷ giá trung tâm của NHNN ra sao nhưng ít ra thì sự biến động trái chiều này và kèm với đó là sự triệt tiêu lẫn nhau của các tác động của chúng lên tỷ giá VND sẽ làm cho tỷ giá VND không thể diễn biến một chiều được.

Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định sẽ điều hành linh hoạt và can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối, và thực tế cũng đã có những hành động nhất định, ông đánh giá thế nào về các động thái này của cơ quan quản lý?

Thời gian qua, động thái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Một mặt, NHNN đã khá linh hoạt với tỷ giá VND/USD, ở khía cạnh là đã để cho tỷ giá tăng giảm cả 2 chiều thường xuyên, và tỏ rõ ý định (chấp nhận) để VND yếu đi trong một chừng mực nhất định trong năm so với USD như được thể hiện qua động thái nâng giá mua vào USD và thiết lập tỷ giá mua USD forward cao hơn tỷ giá spot mấy tháng trước đây, cũng như điều chỉnh tăng liên tục tỷ giá trung tâm mặc dù không có mấy áp lực điều chỉnh.

Mặt khác, không thể phủ nhận rằng dường như NHNN vẫn đang phải chịu một áp lực từ đâu đó hoặc tự nhận thấy rằng cần phải kiểm soát tỷ giá không để nó biến động quá nhanh, quá mạnh, nếu không sẽ có lúc biến động tỷ giá thoát khỏi tầm kiểm soát, dễ gây bất ổn vĩ mô. Mà để làm được việc này thì cần phải dập tắt càng sớm, càng mạnh càng tốt sự hình thành tâm lý đầu cơ, chỉ để cung cầu thực về ngoại tệ mới là yếu tố chính quyết định tỷ giá. 

Do đó, sẽ là dễ hiểu nếu NHNN chấp nhận để tỷ giá tăng lên (VND yếu đi) vài phiên để phù hợp với hoàn cảnh thị trường và sau đó sẽ chặn xu hướng này lại bằng việc can thiệp bán ra USD và/hoặc kết hợp với điều chỉnh tỷ giá trung tâm như đã được chứng kiến những ngày vừa qua (dù biện pháp này hiện rõ ràng chỉ có tác dụng tâm lý vì diễn biến của tỷ giá trung tâm vốn thường xuyên không "ăn nhập" gì với diễn biến tỷ giá liên ngân hàng và trên thị trường).

Với biến động của các đồng tiền trên thế giới cùng động thái điều hành của NHNN, ông dự báo tỷ giá ngắn hạn và dài hạn cụ thể ra sao?

Sự biến động trái chiều của 8 đồng tiền tham chiếu kết hợp với hành động linh hoạt của NHNN được hậu thuẫn bởi một nền tảng vững chắc hơn cho mọi sự can thiệp vào tỷ giá nếu cần của NHNN gồm quỹ dự trữ ngoại hối đã tăng mạnh từ đầu năm (hơn 8 tỷ USD) cho thấy dù chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có leo thang hơn nữa trong 1, 2 tháng tới thì mọi biến động tăng hoặc giảm nếu có của tỷ giá VND/USD sẽ chỉ kéo dài một vài ngày rồi sẽ đảo chiều. 

Tuy nhiên, trong dài hạn hơn (tính đến, ví dụ, cuối năm nay) VND sẽ tiếp tục yếu đi ở mức độ vừa phải so với USD (một cách có chủ ý của NHNN).

Xin cảm ơn ông!

Tùng Lâm (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên