MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chiến tranh thương mại quét qua những trang trại nuôi lợn của Trung Quốc

24-08-2018 - 12:38 PM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới - được sử dụng chủ yếu để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi - đã mua khoảng 1/3 lượng hạt đậu của họ từ Mỹ trong năm ngoái.

Hai lần một ngày, nông dân chăn nuôi lợn của trang trại Jia Tiechui tại Trung Quốc thay máng thức ăn 1 lần. Trong đó là thứ thức ăn chăn nuôi có nguồn gốc đậu tương cho 18.000 con lợn, mà việc cho chúng ăn trở nên đắt đỏ hơn khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung ngày càng leo thang.

Giá của hỗn hợp thức ăn bột, trong đó đậu nành chiếm 1/5, đã tăng lên kể từ khi Trung Quốc áp đặt 25% thuế nhập khẩu lên đậu tương của Mỹ trong tháng trước.

Với tình hình cả hai bên giằng co để tăng thêm mức thuế quan, những gì diễn ra ở trang trại này cho thấy Bắc Kinh đang phải rất khéo léo để vừa có thể trả đũa Washington vừa có thể tránh trường hợp tự bắn vào chân mình.

Trung Quốc, nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới - được sử dụng chủ yếu để làm dầu ăn và thức ăn chăn nuôi - đã mua khoảng 1/3 lượng hạt đậu của họ từ Mỹ trong năm ngoái.

Cho đến nay, tác động của chiến tranh thương mại "không quá quyết liệt" tại trang trại của ông Jia, ở ngoại ô thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, một nhà máy chăn nuôi lợn của Trung Quốc, ông nói.

Nhưng ông có thể phải chuyển sang một công thức thức ăn khác với ít đậu nành hơn nếu lợi nhuận của ông tiếp tục giảm. "Công thức của chúng tôi có thể được thay đổi, thay thế bột đậu tương bằng hạt bông hoặc bột hạt cải dầu", Jia cho biết.

"Nếu chi phí tiếp tục tăng lên và điều này không ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của lợn, chúng tôi chắc chắn sẽ điều chỉnh nó."

Cung vượt cầu

Trước đây cả gia đình Jia sinh sống bằng nghề trồng ngô trước khi dành dụm và tiết kiệm trong nhiều năm để mua hai con lợn để nuôi ở nhà. Từ cuối những năm 90 ông bắt đầu kinh doanh trang trại lợn.

Giờ đây giá thịt lợn thấp là mối quan tâm lớn nhất của Jia, ông nói.

"Khi thị trường tốt, nó không ảnh hưởng đến thu nhập của chúng tôi nếu thức ăn đắt hơn một chút. Điều chúng tôi lo lắng là nếu thị trường xấu đi và giá thịt lợn không tăng lên", ông giải thích.

Là nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, hiện ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng thừa cung. Điều này có nghĩa là giá cả có khả năng ở mức thấp đủ để không ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng trong một cuộc chiến thương mại, các nhà phân tích nói.

"Có một số lượng thịt lợn đáng kinh ngạc ở Trung Quốc, không có cách nào chúng ta có thể ăn tất cả", Feng Yonghui, trưởng nhóm nghiên cứu cho cổng thương mại Soozhu.com cho biết.

Giá thịt lợn giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm qua vào đầu năm 2018 trước khi tăng trở lại từ tháng 6, Feng cho biết, nhưng hiện đang bị ảnh hưởng bởi một đợt bùng phát bệnh sốt lợn ở châu Phi bắt đầu từ tháng này.

Cơ hội cho Trung Quốc

Thuế đậu tương của Bắc Kinh nhắm vào những cử tri nông dân ở trung tâm trồng đậu tương lớn nhất nước Mỹ. Đây cũng là nhóm cử tri ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giá bột đậu tương đã tăng 6,8% ở Trung Quốc kể từ khi thuế nhập khẩu tăng, từ 3.018 NDT (440 USD)/tấn vào cuối tháng 6 lên 3.223 NDT trong tháng 8, theo cơ sở dữ liệu trực tuyến Soybean Pulp Industry Net.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cần thực hiện các bước như tăng nhanh lượng sản xuất đậu nành trong nước, tăng cường sản phẩm thay thế và tìm nguồn cung ứng từ các nước khác để giảm sự phụ thuộc lớn vào sản phẩm của Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể bỏ Mỹ hoàn toàn vì nhu cầu đậu nành hàng năm của nước này vượt quá tổng sản lượng của thế giới nếu không có cây trồng của Mỹ trong bức tranh toàn cảnh.

Bắc Kinh sẽ mua thêm từ Brazil và Argentina, nhưng cũng có thể nhập khẩu đậu tương Hoa Kỳ thông qua các nước thứ ba như Việt Nam, Feng cho biết.

Sau khi cộng thêm cả chi phí vận chuyển tăng thêm thì giá vẫn sẽ vẫn thấp hơn là bị áp thêm thuế, ông nói, dự đoán rằng cuối cùng giá đậu tương sẽ không tăng quá 30%.

Trung Quốc nên xem chiến tranh thương mại là một "cơ hội" để trồng thêm đậu tương, theo lời Ma Wenfeng, nhà phân tích cao cấp tại Beijing Orient Agribusiness Consultancy.

Sản lượng ước tính sẽ tăng 2 triệu tấn trong năm nay, khi các nhà chức trách đang làm việc để giảm chi phí hậu cần cao.

Đối với Jia, những bất đồng của cuộc chiến thương mại "không phải là điều chúng tôi chú ý đến", anh ta cười.

"Nó tùy thuộc vào chính phủ và ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi."

Phạm Cường

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên