Chiêu mộ 2 cựu lãnh đạo cao cấp của hãng hàng không lớn thứ 2 Nhật Bản, Bamboo Airways liệu có làm nên chuyện lớn?
Trong quá trình tái cấu trúc, không loại trừ khả năng Bamboo Airways có cả những chuyển dịch quyết liệt nhất nếu cần thiết, cả ở các vị trí cấp cao trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành.
- 17-05-2023Sắp thay đổi nhiều vị trí nhân sự quan trọng tại Bamboo Airways?
- 11-05-2023Bamboo Airways đang thực sự nằm trong tay ai?
- 10-05-20237.700 tỷ mà ông Lê Thái Sâm 'hào phóng' cho Bamboo Airways vay lớn như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Airways mới đây cho biết, trong bối cảnh hãng bay này đang cải tổ mạnh mẽ sau khi FLC thoái vốn, để sẵn sàng cho "trận đánh thị trường quốc tế", không loại trừ công ty có cả những chuyển dịch quyết liệt nhất nếu cần thiết, cả ở các vị trí cấp cao trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành.
"Tiến trình tái cấu trúc theo hướng tinh gọn về bộ máy, tinh nhuệ về chuyên môn, sẽ được tiếp tục tiến hành rốt ráo. Cụ thể, về mặt tổ chức, cơ cấu sẽ được tính toán cải tiến, trên cơ sở phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa Hội đồng quản trị và Ban điều hành.
Thành phần ban Tổng Giám đốc cũng sẽ được bổ sung và đổi mới để tạo động lực phát triển. Các hội đồng chuyên môn mới sẽ được thành lập, phụ trách các nghiệp vụ trọng yếu như: An toàn – an ninh – kỹ thuật; khai thác và dịch vụ; kinh doanh…
Cùng với mục tiêu gia nhập liên minh hàng không, chúng tôi đang cân nhắc cả các phương án liên doanh, hợp tác với các hãng bay uy tín quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh. Song song với đó, nhiều nhân tài với profile cao cấp nhất ở tầm quốc tế sẽ được chiêu mộ.
Trước mắt, dự kiến ông Hideki Oshima - Cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không - hãng Hàng không Japan Airlines sẽ tham gia Hội đồng quản trị Bamboo Airways và giữ chức vụ lãnh đạo cao cấp; ông Masaru Onishi - cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ đảm nhiệm vị trí Cố vấn cao cấp của Hội đồng quản trị Bamboo Airways", ông Trọng chia sẻ.
Được biết, Japan Airlines là hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản. Cuối năm 2019, Japan Airlines cũng từng đề nghị Bamboo Airways hợp tác sâu rộng trong cuộc gặp giữa lãnh đạo hai hãng ở Hà Nội.
Tại Đại hội đồng cổ đông của công ty diễn ra cách đây ít hôm, đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways đã đồng ý phát hành 1,15 tỷ cổ phần mới, qua đó tăng vốn điều lệ lên 30.000 tỷ đồng.
Theo đó, Bamboo Airways dự kiến sẽ phát hành 772 triệu cổ phần với giá 10.000 đồng/cổ phần để hoán đổi nợ với thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) là ông Lê Thái Sâm và phát hành 378 triệu cổ phần cũng với giá 10.000 đồng/cổ phần để bán cho nhà đầu tư chiến lược mới.
Nguồn vốn mới sẽ giúp Bamboo Airways giảm dư nợ cũ, tiếp tục đẩy nhanh và mạnh kế hoạch gia tăng số lượng đội tàu bay, mở rộng mạng bay quốc tế, nâng chất lượng dịch vụ.
Cùng với đó, việc thoái vốn hoàn toàn khỏi Bamboo Airways của Tập đoàn FLC cũng đưa cơ cấu Bamboo Airways trở nên tập trung hơn, hoạt động trở nên độc lập. "Nhiều kế hoạch trọng yếu của hãng bị đình trệ bởi khủng hoảng sẽ được tái khởi động và đẩy mạnh quyết liệt", Chủ tịch Bamboo Airways nói.
Theo kế hoạch, trong giai doạn 2028 - 2030, Bamboo Airways dự kiến nâng đội bay lên 100 chiếc. Đối với mạng đường bay, ông Trọng cho hay, sau khi hoàn thành kết nối với toàn bộ 22 cảng hàng không thương mại nội địa, Bamboo Airways tập trung mở rộng mạng bay quốc tế trong thời gian tới.
Trong đó, ưu tiên tập trung kết nối với các sân bay lớn tại châu Á, châu Âu, châu Úc,… qua đó, góp phần thúc đẩy quá trình đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ hàng không của châu Á nói chung, nâng cao vị thế điểm đến của quốc gia.
"Công tác nâng tầm dịch vụ định hướng chuẩn quốc tế tiếp tục là chủ trương thông suốt, để tiếp cận và phục vụ hiệu quả tập khách hàng tại các nước phát triển. Kết quả hướng tới sau cùng là đưa Bamboo Airways vượt qua giới hạn của một thương hiệu Việt Nam, để trở thành thương hiệu hàng không mang tầm châu Á và thế giới", người đứng đầu hãng hàng không này khẳng định.
Ông Lê Thái Sâm (59 tuổi) là người cho Bamboo Airways vay hơn 7.700 tỷ đồng (không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp, không tài sản đảm bảo). Ông Sâm tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM năm 1986 và có hơn 30 năm kinh nghiệm trong hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, tài chính ngân hàng, thương mại dịch vụ.
Ông được bầu vào HĐQT Tập đoàn FLC tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 2/7/2022. Tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 13/8/2022 của Bamboo Airways, ông Lê Thái Sâm được bầu làm thành viên HĐQT của hãng hàng không này.
Ông Sâm cũng được Tập đoàn FLC giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn.
Theo báo cáo tài chính quý 3 của FLC, ông Lê Thái Sâm đang cho FLC vay 621 tỷ đồng. Trong văn bản kiến nghị trình lên Bamboo Airways tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 9/5, ông Lê Thái Sâm cho biết đang sở hữu 231,7 triệu cổ phần Bamboo Airways, tương ứng 12,53% vốn điều lệ của hãng hàng không này.
Doanh nhân này cũng là người nhận chuyển nhượng số cổ phần của FLC tại Bamboo Airways. Như vậy, gộp cả phần FLC vừa chuyển nhượng, sau khi hoàn thành thủ tục, ông Lê Thái Sâm có thể nắm đến hơn 34% vốn Bamboo Airways, tương đương 633,2 triệu cổ phần.
Nhịp sống thị trường