Chiêu thức kinh doanh giúp các nhãn hàng Tàu 'đội lốt' Nhật, Hàn như Miniso, Mumuso bỏ túi doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm
Chiêu thức kinh doanh giúp các nhãn hàng Tàu 'đội lốt' Nhật, Hàn như Miniso, Mumuso bỏ túi doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm
Nếu có một thương hiệu bán lẻ tiêu dùng mô tả họ như thế này:
"Thành lập tại Tokyo, Miniso là một thương hiệu của Nhật Bản. Miniso theo đuổi triết lý sống đơn giản, tự nhiên và chất lượng".
Và logo của họ như thế này:
Nếu là bạn, bạn nghĩ Miniso có nguồn gốc từ đâu?
Khi phóng viên hỏi, nhiều vị khách hàng không ngần ngại trả lời rằng: "Dĩ nhiên là thương hiệu của Nhật rồi, giống như Daiso vậy".
Nhưng Miniso được thành lập bởi một người Trung Quốc, điều hành bởi sếp Trung Quốc và có trụ sở tại Quảng Châu, Trung Quốc. Dù giống hệt một công ty Nhật Bản, các sản phẩm bày bán bên trong cũng được ghi nhãn mác bằng tiếng Nhật, nhưng hầu hết đều có xuất xứ từ Trung Quốc.
Nhận diện thương hiệu của họ giống như sự kết hợp giữa Muji, Daiso và Uniqlo. Từ các loại hàng hóa họ bán đến thiết kế cửa hàng, thậm chí là cả logo đều rất giống Uniqlo.
Điều đáng nói là những trường hợp như Miniso không phải đơn lẻ. Một thương hiệu khác là Mini Good cũng được mô tả thế này: "Một thương hiệu Hàn Quốc cao cấp nhắm tới việc cung cấp cho khách hàng trên toàn thế giới với những vật phẩm hàng ngày đơn giản, thuận tiện với mức giá phải chăng".
Tuy nhiên, website công ty lại đăng ký với Alicloud ở Trung Quốc, nhưng chỉ những doanh nghiệp Trung Quốc mới có thể đăng ký Alicloud kể từ trước năm 2014.
Trên website của Mumuso cũng ghi rõ: "Mumuso là một thương hiệu bán lẻ Hàn Quốc chuyên tập trung về thời trang". Nhưng, dù công ty này đăng ký đuôi email là .kr nhưng địa chỉ lại là ở Trung Quốc.
Ximiso là "thương hiệu thiết kế thời trang có trụ sở tại Hàn Quốc nhưng địa chỉ lại đặt tại Trung tâm tài chính quốc tế Quảng Châu". Câu hỏi đặt ra là nguồn gốc của hãng này là Hàn Quốc hay… Trung Quốc.
Trên thực tế, không có gì quá ngạc nhiên khi trong một thị trường với quy mô lớn, lợi nhuận cao xuất hiện nhiều thương hiệu đạo nhái lẫn nhau. Nhưng trường hợp của những công ty như Miniso và Mumuso kể trên có phần khác biệt.
Họ cung cấp các sản phẩm lấy cảm hứng từ Nhật Bản và Hàn Quốc trong môi trường giúp gợi nhắc tới những thương hiệu nổi tiếng ở các quốc gia này nhưng bằng các sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc, mang về tiềm năng lợi nhuận vô cùng to lớn.
Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào Miniso đã tăng doanh thu từ gần 770 triệu USD trong năm 2015 lên được mức 1,5 tỷ USD chỉ 1 năm sau đó?
Có một vài bí kíp khiến những công ty kiểu Miniso với Mumuso phát triển nhanh chóng tới vậy:
- Nắm vững toàn bộ chuỗi cung ứng bán buôn: Không còn nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc có một quy trình chuỗi cung ứng tuyệt vời. Ví dụ, tôi có một máy kiểm tra pin ở nhà – làm bằng nhựa nhưng gắn các linh kiện điện tử - được chuyển tới nhà tôi tại Singapore từ Trung Quốc với mức giá bèo bọt chỉ 2 USD và tin tôi đi, vẫn có người kiếm được tiền từ đó.
Đưa hàng từ nhà máy tới thẳng cửa hàng, thông qua ít trung gian nhất có thể, bằng cách rẻ nhất và nhanh nhất là một quy trình phân phối chuẩn hiện nay. Việc giảm vài xu cho mỗi sản phẩm đáng giá hàng triệu USD lợi nhuận mỗi năm.
- Dàn trải rủi ro khắp các cửa hàng: Khi mở rộng, họ có thể kiểm soát nhà kho hiệu quả hơn và từ đó dàn trải rủi ro về một sản phẩm nào đó không bán chạy như mong đợi.
- Nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường: Bằng việc nắm vững quy trình chuỗi cung ứng và làm việc với những nhà sản xuất đáng tin cậy, các công ty như Miniso có thể nhanh chóng đưa sản phẩm mới tới cửa hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cũng vì lý do tương tự mà họ không phải sản xuất trước nhiều mặt hàng và do đó không bao giờ gặp vấn đề quá tải. Họ cũng có thể nhanh chóng tăng sản lượng nếu một sản phẩm được bán chạy hơn dự kiến.
- Hoạt động trên mô hình nhượng quyền: Cho phép họ mở rộng nhanh chóng và đạt được quy mơ kinh tế lớn hơn.
- Tỷ suất lợi nhuận gộp cao: Đây chính là mấu chốt kiếm tiền quan trọng nhất. Tất cả những hàng hóa được bán trong các cửa hàng kể trên đều liên quan tới mục tiêu thu khoản lợi nhuận rất ít ỏi nhưng bí quyết nằm ở việc bán chúng ra với số lượng nhiều. Với những cửa hàng bán ra 10 nghìn sản phẩm một ngày, mỗi phần lợi nhuận rất nhỏ trên 1 sản phẩm thu được sẽ nhanh chóng gộp lại thành một con số lớn.