Chiêu trò làm giá đất của cò môi giới
Với các chiêu trò tinh vi, các đối tượng cò mồi đã khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản rơi vào bẫy khi tiền cọc đã đóng mà dự án không có thật.
Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TP Hồ Chí Minh và thậm chí các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên đang là các điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản trên cả nước. Trong tâm thế mang tiền đi đầu tư ai cũng muốn kiếm được thật nhiều lợi nhuận nhưng trong bối cảnh người người nhà nhà đi đầu tư bất động sản điều này là không dễ dàng.
Thực tế trên đã vô tình tạo nên một miếng mồi ngon khổng lồ cho các cò môi giới khi trực tiếp dẫn dắt người mua. "Ảo về giá cả - loạn về cò đất" đang là thực tế làm mất tính ổn định thị trường nhà đất tại nhiều địa phương.
Điểm chung chiêu trò của các cò môi giới bất động sản là tập trung khách có nhu cầu tại một điểm cà phê hoặc sang trọng hơn là thuê sảnh tại các trung tâm tổ chức hội nghị, tiệc cưới.
Với nhiều chiêu trò tinh vi, các đối tượng cò mồi đã khiến nhiều nhà đầu tư bất động sản rơi vào bẫy.
Tại trung tâm tiệc cưới có tên Capella Parkview, ở đây một bàn sẽ có 3 môi giới hướng dẫn và tư vấn tận tình cho 1 khách hàng mới. Nhưng để thuyết phục hơn mỗi bàn đều được bố trí thêm một vị khách mồi.
Dù nhu cầu là đi xem đất ở dự án khu dân cư Phú Nhuận, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, nhưng ngay sau đó nhóm phóng viên lại được giới thiệu đi xem dự án Boulevard City tại xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương với nhiều ưu đãi hấp dẫn.
Lần này không phải ngồi dồn lên chiếc xe 30 chỗ mà các thượng khách được đưa đón riêng bằng taxi. Trong một buổi sáng, hàng chục chiếc taxi 7 chỗ chạy nối đuôi nhau đến huyện Bàu Bàng, Bình Dương.
Tất cả chỉ ngồi xem bản vẽ phân lô ngay tại bàn, nhưng rất nhanh vị khách mồi đi cùng đã xuống cọc 200 triệu đồng cho 2 lô đất và khuyến khích người khác đặt cọc giữ chỗ cùng.
Không khí mua bán tấp nập, MC liên tục đọc tên khách hàng chốt đơn khiến nhóm khách hàng mới bị đẩy vào áp lực tâm lý đám đông rằng không mua sẽ hết.
"Nếu chị thấy ok rồi thì chị đặt cọc xong về công ty em cho chị xem 1/500, nếu không em sẽ trả cọc lại cho chị", cò môi giới nói.
Nhưng chuyện sẽ không đơn giản như vậy bởi khi đặt cọc sẽ không phải là phiếu giữ chỗ đơn thuần, mà nó là hợp đồng đặt cọc với các điều khoản đã được bên bán soạn sẵn, trong đó có nội dung: "Nếu đòi nhận lại khoản tiền đã thanh toán theo thỏa thuận đặt cọc này thì xem như khách hàng từ chối giao kết hợp đồng đặt cọc và sẽ bị mất số tiền đã đặt cọc tại thỏa thuận này".
Điều này nghĩa là bên mua sẽ mất hẳn 100 triệu đồng tiền giữ chỗ nếu 7 ngày sau đổi ý không thanh toán cho đợt tiếp theo.
Để có thêm thông tin về tính pháp lý của dự án, nhóm phóng viên đã tìm hiểu tiếp và bí mật vô tình được bật mí.
"Trên địa bàn không hề có dự án nào có tên Boulevard City", ông Đặng Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Lai Uyên, Bàu Bàng, Bình Dương cho hay.
Đến đây có lẽ không ít nhà đầu tư khi lỡ tay xuống cọc với dự án này theo lời mật ngọt của các cò môi giới có lẽ sẽ phải ôm đầu kêu trời.
Cần siết chặt hoạt động môi giới để ổn định thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản đang bị nhiễu loạn vì cò môi giới. Một ví dụ tại hai huyện Hóc Môn, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh là giá đất tăng hơn 50% khi có thông tin quy hoạch lên quận, thành phố. Hay bất cứ quy hoạch sân bay, cao tốc, đường vành đai nào... đều khiến giá đất vườn, đất ruộng tại những khu vực đó tăng cao.
Nhưng thực chất người sở hữu cuối cùng có được hưởng lợi khi cơn sốt đất đi qua? Siết lại hoạt động môi giới là cần thiết để minh bạch thị trường bất động sản.
Hiện cả nước đang có hơn 300.000 môi giới nhưng chỉ có khoảng 10% là có chứng chỉ hành nghề.
"Muốn cấp chứng chỉ hành nghề môi giới động sản, người đó phải qua một khóa đào tạo theo nội dung chương trình của Bộ Xây dựng, qua sát hạch có chứng chỉ đã qua khóa đào tạo ở trường đó, sau xem xét cấp chứng chỉ hành nghề. Nghe quy trình thì rất chặt chẽ nhưng mà e rằng công tác đào tạo này bị thả nổi", ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho hay.
Còn theo ông Phan Công Chánh - chuyên gia nghiên cứu thị trường bất động sản, mỗi cá nhân khi hành nghề môi giới bất động sản, bên cạnh việc bắt buộc phải có chứng chỉ còn cần có thêm ID mã định danh cho từng cá nhân để địa phương có thể dễ dàng kiểm soát hoạt động.
Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, để lành mạnh hóa thị trường bất động sản, tạo sự ổn định chung trên thị trường đã đến lúc phải quy trách nhiệm cho người quản lý đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng mua bán bát nháo gây sốt ảo bất động sản trên địa bàn mình quản lý.
VTV