MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính phủ tiếp tục báo cáo về 12 dự án thua lỗ ngành công thương

Dư nợ tín dụng và tình hình tài chính ở các dự án, doanh nghiệp được đánh giá tiếp tục xu hướng tích cực hơn nhưng số liệu chứng minh vẫn dừng ở 6 tháng trước...

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về tình hình và kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương.

12 dự án thuộc diện này thường được nhắc đến tại nghị trường với "biệt danh" là các đại dự án "đắp chiếu", thua lỗ ngàn tỷ.

Có chuyển biến tích cực 

Bộ trưởng Tuấn Anh cho biết, kể từ sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2018) tới nay, tình hình ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn. Trong thời gian từ tháng 10/2018 đến hết tháng 3/2019 dự án Nhà máy xơ sợi polyeste Đình Vũ tiếp tục vận hành mở rộng được từ 3 dây chuyền DTY lên 10 dây chuyền.

Thời gian nay đã có thêm dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi vận hành trở lại, có thêm 1 dự án đã hoàn thành được các vấn đề về kỹ thuật để sẵn sàng khởi động trở lại khi điều kiện thị trường thuận lợi là dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

Bên cạnh đó, một số vấn đề tranh chấp pháp lý khó giải quyết trong thời gian dài ở các dự án đã tiếp tục được xử lý đạt kết quả (điển hình là ở dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ đã xử lý xong vấn đề tranh chấp thực hiện Hợp đồng EPC với liên danh nhà thầu EPC).

Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đã hoàn thành công tác định giá lại dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá dự án theo quy định. Dư nợ tín dụng và tình hình tài chính ở các dự án, doanh nghiệp cũng tiếp tục xu hướng tích cực hơn.

Cụ thể, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến năm 2018 đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã có lợi nhuận đạt 195,55 tỷ đồng (tăng 180,767 tỷ đồng so với 2017) và Nhà máy thép Việt - Trung có lợi nhuận đạt 456,8 tỷ đồng (tăng 290,6 tỷ đồng so với năm 2017).

Đến hết quý 1/2019, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (lợi nhuận đạt 18,263 tỷ đồng) và đang được xem xét để đưa ra khỏi danh sách các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. 4 dự án còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất.

Trong năm 2018, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 266,2 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 288,48 tỷ đồng và Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 10 tỷ đồng so với năm 2017. Công ty DQS lỗ 98,15 tỷ đồng... Trong quí 1/2019, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 30,25 tỷ đồng; nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 5,47 tỷ đồng; nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 87,2 tỷ đồng so với cùng kỳ 2018.

Ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 dự án vận hành sản xuất trở lại và 1 dự án đã hoàn tất công tác chuẩn bị để khởi động trở lại nhà máy. Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành trở lại 3 dây chuyền của phân xưởng sợi Filament từ ngày 20/4/2018 và nâng lên 10 dây chuyền từ ngày 13/1/2019.

Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi đã vận hành lại từ ngày 14/10/2018 theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap). Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Đối với 3 dự án xây dựng dở dang, báo cáo thông tin, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã phối hợp cùng với đơn vị tư vấn định giá lại dự án ngoài dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam hoàn thành công tác định giá lại dự án và đã trình Bộ Công Thương phê duyệt kết quả để tiếp tục xây dựng phương án và tổ chức triển khai bán đấu giá dự án theo quy định (dự kiến trong quí 2/2019).

Dự án Nhà máy sản xuất hiên liệu sinh học Phú Thọ tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.

Nhận định mới, số liệu cũ 

Với dư nợ tín dụng báo cáo chỉ dừng lại ở số liệu thời điểm báo cáo trước (31/10/2018), không cập nhật số mới dù đánh giá là có xu hướng tích cực hơn.

Theo thống kê đến thời điểm 31/10/2018, đã có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng thực hiện 12 dự án với tổng số dư khoảng 20.499 tỷ đồng, giảm 348 tỷ đồng so với thời điểm 31/01/2018.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, kể từ sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 14 tới nay, công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, xử lý vi phạm ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục được triển khai và đạt một số kết quả mới: đã ban hành thêm được kết luận thanh tra đối với dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên và khởi tố vụ án hình sự về tội "vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại dự án; khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 5 đối tượng có liên quan.

Khoảng thời gian giữa hai kỳ họp cũng đã phát hành báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có 5 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc danh sách 12 dự án, doanh nghiệp mà Ban Chỉ đạo đang xem xét, xử lý.

Theo Hà Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên