Chính quy hoá lực lượng công an xã: Tiền đâu mà trả lương, phụ cấp!
Nếu quy định chính quy hóa toàn bộ lực lượng Công an xã sẽ làm tăng rất lớn biên chế và Nhà nước khó bảo đảm kinh phí để chi trả lương, phụ cấp...
Dự thảo Luật Công an xã vừa được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 2 quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị quy định theo hướng chính quy hóa lực lượng Công an xã để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, ý kiến đề nghị cần quy định Công an xã là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân vì cho rằng, theo quy định tại Điều 4 và Điều 16 Luật Công an nhân dân thì Công an xã thuộc cơ cấu, tổ chức của Công an nhân dân.
Việc quy định chính quy hóa lực lượng Công an xã là để bảo đảm cho lực lượng này thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ được giao, nhất là những nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến quyền con người, quyền công dân cũng như để bảo đảm đầy đủ các điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đối với Công an xã.
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị chỉ quy định theo hướng chính quy hóa đối với lực lượng Công an tại các thị trấn nơi chưa bố trí Công an chính quy, còn đối với Công an xã bố trí tại các xã thì giữ như quy định của pháp luật hiện hành và bổ sung các quy định để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
“Chính phủ thấy rằng, nếu quy định theo hướng chính quy hóa toàn bộ lực lượng Công an xã sẽ làm tăng rất lớn biên chế lực lượng Công an nhân dân và Nhà nước khó có khả năng bảo đảm kinh phí để chi trả tiền lương, phụ cấp, chế độ, chính sách và bảo đảm các điều kiện hoạt động khác” – Thứ trưởng Lê Quý Vương nói.
Riêng với ý kiến đề nghị chính quy hóa đối với tất cả Công an thị trấn còn lại (nơi chưa bố trí Công an chính quy), Chính phủ cho rằng là hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quá trình đô thị hóa khu vực nông thôn hiện nay.
Đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra dự án luật là Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội cũng tán thành với quy định của dự thảo Luật, xác định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, vì cho rằng, thực tiễn hoạt động của lực lượng Công an xã theo mô hình này đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, không phát sinh vướng mắc gì lớn. Việc giữ nguyên địa vị pháp lý như vậy sẽ không làm phát sinh tổ chức, biên chế.
Tuy vậy, vẫn có ý kiến trong Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đề nghị chính quy hóa lực lượng Công an xã với một trong những lý do là nếu giữ nguyên địa vị pháp lý của Công an xã là “lực lượng vũ trang bán chuyên trách”, Trưởng Công an xã là công chức cấp xã, Phó Trưởng Công an xã và Công an viên là người hoạt động không chuyên trách thì trình độ, năng lực không đáp ứng với những nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật đã giao, dễ dẫn đến vi phạm, xâm phạm quyền con người, quyền công dân.
Ý kiến này đề nghị việc chính quy hóa lực lượng Công an xã theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, trước mắt cần chính quy hóa Trưởng Công an xã, còn Phó Công an xã và Công an viên vẫn hoạt động bán chuyên trách như hiện nay.
“Tuy nhiên, việc chính quy hóa lực lượng Công an xã sẽ làm tăng biên chế của Công an nhân dân, kéo theo tăng chi ngân sách trong điều kiện nền kinh tế của nước ta đang gặp nhiều khó khăn” – Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh nói.
Về vấn đề này, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội bày tỏ lo ngại nếu để là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, trình độ thấp như hiện nay thì không bảo đảm với yêu cầu nhiệm vụ.
“Khi thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến tố tụng hình sự, Công an xã đã xảy ra nhiều sai phạm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng uy tín Nhà nước, tuy cá biệt nhưng ảnh hưởng rất lớn, dư luận rất bức xúc. Trong đó có những vụ đánh chết người, gây thương tích nghiêm trọng, làm sai lệch hồ sơ vụ án... Nếu cứ giữ nền là pháp lệnh mà nâng lên thành luật thì khó giải quyết được thực trạng tình hình vừa qua” - bà Nga nêu quan điểm.
Đặt vấn đề “Cả nước có hơn 11.000 xã, nếu đưa lên chính quy, tưởng tượng xem bộ máy sẽ phình ra như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng quy định Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách là phù hợp vì không làm tăng thêm biên chế.
Hơn nữa, thực tiễn hoạt động của của lực lượng Công an xã theo mô hình “lực lượng vũ trang bán chuyên trách” đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã, không phát sinh vướng mắc gì lớn.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần thể hiện rõ tính chất “vũ trang bán chuyên trách”; đồng ý xác định Công an xã là “lực lượng vũ trang bán chuyên trách” vì mang tính chất quản lý xã hội nhiều hơn, nhưng vẫn phải bảo đảm mang tính chuyên nghiệp./.
VOV