MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách giao thông vận tải có hiệu lực từ đầu tháng 01/2017

31-12-2016 - 10:01 AM | Xã hội

04 chính sách nổi bật trong lĩnh vực giao thông vận tải bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2017

Lệ phí cấp lại biển số xe là 100.000 đồng/lần/xe

Theo Thông tư 229/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó:

- Mức thu lệ phí cấp lại biển số đối với ô tô, xe máy là 100.000 đồng/lần/xe (theo quy định hiện hành thì việc cấp lại biển số thu theo giá mua biển số thực tế).

- Mức thu lệ phí cấp đổi giấy đăng ký không kèm theo biển số ô tô, xe máy là 30.000 đồng/lần/xe.

- Ô tô con không hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, xe máy chuyển từ khu vực phải nộp lệ phí thấp về khu vực lệ phí cao thì áp dụng mức thu cấp mới giấy đăng ký tại mục I Biểu mức thu của Thông tư.

- Nếu việc chuyển khu vực vì di chuyển công tác, di chuyển hộ khẩu; mà khi đăng ký không thay đổi chủ xe, có đầy đủ thủ tục thì áp dụng mức thu cấp đổi giấy đăng ký, biển số tại mục II Biểu mức thu của Thông tư.

Lệ phí cấp chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng

Ngày 08/11/2016, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư 198/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực đường thủy nội địa và đường sắt.

Theo đó, mức thu lệ phí trong lĩnh vực đường thủy nội địa được quy định như sau:

- Lệ phí cấp mới, cấp lại chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng là 50.000 đồng/giấy;

- Lệ phí cấp mới, cấp lại chứng chỉ chuyên môn là 20.000 đồng/giấy.

Riêng đối với chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng, máy trưởng; chứng chỉ chuyên môn bằng công nghệ mới (bằng vật liệu PET) thì mức thu là 135.000 đồng/giấy.

Thời hạn nộp phí nhượng quyền khai thác sân bay

Thông tư 247/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay được ban hành ngày 11/11/2016.

Theo đó, việc kê khai, thu, nộp phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay được thực hiện như sau:

- Chậm nhất là ngày 20 hàng tháng, người nộp phí phải nộp tiền phí đối với các chuyến bay cất, hạ cánh tại cảng hàng không, sân bay do Cảng vụ hàng không quản lý trong tháng trước.

- Phí nộp trực tiếp cho tổ chức thu hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu mở tại Kho bạc nhà nước.

- Chậm nhất ngày thứ hai hàng tuần, tổ chức thu phí phải gửi số tiền phí đã thu được trong tuần trước vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách mở tại Kho bạc nhà nước.

- Mức thu phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay không có sự thay đổi so với quy định hiện hành:

+ Bảo đảm hoạt động bay: 165.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh;

+ Kinh doanh cảng hàng không: 335.000 đồng/lượt hạ hoặc cất cánh.

Các trường hợp không thu phí sử dụng hạ tầng đường sắt

Vừa qua, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 295/2016/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Theo đó, không thu phí đối với việc sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt phục vụ cho các mục đích sau:

- Kiểm tra, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt;

- Phục vụ phòng chống lụt bão và cứu hộ, cứu nạn đường sắt;

- Phục vụ nhu cầu quốc phòng và an ninh quốc gia.

Đồng thời, Thông tư cũng quy định mức phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt được xác định là 8% trên doanh thu kinh doanh vận tải đường sắt.

Hồng Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên