MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính sách BĐS có hiệu lực từ tháng 6/2014

05-06-2014 - 12:15 PM |

Từ đầu năm 2014, hàng loạt chính sách mới cho thị trường BĐS có hiệu lực. Với những chính sách này, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ đạt được những bước "đột phá" mới.

Từ tháng 1 đến tháng 5/2014, thị trường BĐS đã đón nhận hàng loạt chính sách mới như Thông tư 20 cho phép phân lô bán nền từ ngày 5/1/2014, Nghị định 188 đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội có hiệu lực kể từ ngày 10/1/2014, Thông tư 03 thống nhất một cách tính diện tích căn hộ theo kích thước thông thủy từ 8/4/2014, Thông tư 02 công trình sai phép được phạt cho tồn tại từ ngày 2/4/2014... Trong tháng 6 này, thị trường nhà đất sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều chính sách mới quan trọng có hiệu lực.

Từ 10/6, nhiều dự án được miễn tiền sử dụng đất

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 48 hướng dẫn thực hiện việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất, tiền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 2-1-2014 của Chính phủ.

Thông tư quy định rõ, dự án bất động sản chưa nộp tiền sử dụng đất được xác định là dự án mà chủ đầu tư chưa hoàn thành việc nộp tiền vào ngân sách nhà nước (bao gồm cả trường hợp mới nộp được một phần vào ngân sách nhà nước) theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp không có thông báo của cơ quan thuế) theo quy định của pháp luật.

Việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư dự án bất động sản thực hiện theo từng dự án và tính trên số tiền sử dụng đất (bao gồm cả số tiền sử dụng đất được xác định bổ sung theo quy định của pháp luật) còn phải nộp vào ngân sách nhà nước (không bao gồm số tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế).

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình có nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong đó có mục đích xây dựng nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua thì số tiền sử dụng đất được gia hạn tính theo diện tích phân bổ cho các mục đích xây dựng nhà để bán, cho thuê, cho thuê mua.

Chủ đầu tư dự án được xem xét gia hạn nộp tiền sử dụng đất trong thời gian tối đa 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp không có thông báo của cơ quan thuế) theo quy định của pháp luật và không bị tính tiền chậm nộp trong thời gian này.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/6/2014.

Từ 16/6 được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai

Bộ Xây dựng cũng vừa công bố Thông tư liên tịch số 01 giữa Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định số 71.

Theo đó, trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản thế chấp để thực hiện nghĩa vụ dân sự khác thì DN phải thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký (rút bớt tài sản thế chấp) trước khi bán nhà ở trong dự án đó cho tổ chức, cá nhân. Bên thế chấp chỉ được thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai tại một tổ chức tín dụng để vay vốn mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng cùa DN.

Trường hợp nhà ở hình thành trong tương lai đang được thế chấp theo quy định tại Thông tư này thì không được tiếp tục thế chấp theo hình thức thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở đó. Hợp đồng thế chấp phải được công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định.

Thông tư cũng quy định rõ, loại nhà ở hình thành trong tương lai được thế chấp để vay vốn gồm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ (gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề) tại các dự án nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Nhà ở hình thành trong tương lai chỉ được thế chấp phải có đủ các điều kiện sau: đã có thiết kế kỹ thuật nhà ở được phê duyệt, đã xây dựng xong phần móng nhà ở, đã xây xong phần móng nhà ở, chưa bị kê biên thi hành án…

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16/6/2014.

>> Thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai: Đầy rủi ro!

Thanh Ngà

ngatt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên