MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự thảo Luật đất đai cần phải có những quy định mang tính đột phá

06-11-2013 - 10:06 AM |

Nhiều đại biểu cho Quốc hội cho rằng Dự thảo Luật phải có những quy định mang tính đột phá thì mới có thể giải quyết được tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện.

Hôm nay (6/11), trong ngày làm việc thứ 14 kỳ họp thứ 6, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của UBTV Quốc hội, các đại biểu sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật này.

Một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội và đông đảo cử tri quan tâm đó là Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần gắn với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về sở hữu đất đai, việc thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…

Theo đại biểu Đàng Thị Mỹ Hưng – tỉnh Ninh Thuận, chỉ nên thu hồi đất với mục đích phát triển kinh tế xã hội mà nhà nước làm chủ đầu tư, các dự án với mục đích kinh tế đơn thuần của chủ đầu tư thì không thu hồi mà trưng mua đất của dân. Đại biểu Hưng cũng cho rằng, đối với các dự án đã qua thời gian gia hạn tiến độ mà vẫn chưa triển khai cần thu hồi, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực đất đai.

Đại biểu Đặng Thuần Phong - tỉnh Bến Tre thì nêu rõ cần quy định rõ suất tái định cư tối thiểu là bao nhiêu. Theo đại biểu Phong, về quy định bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất, nếu tiền bồi thường không đủ mua một suất tái định cư tối thiểu thì sẽ được UBND tỉnh hỗ trợ thêm. Đây là một chính sách tốt nhưng cũng sẽ dẫn đến hệ lụy như suất tái định cư tối thiểu là bao nhiêu, mỗi tỉnh lại có một quy định khác. Vì vậy, theo ông Phong Chính phủ cần quy định rõ suất tái định cư tối thiểu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà - Hà Nội, điều 4 về chế độ sở hữu đất đai, Luật đất đai quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, quy định như vậy trái với điều 200 bộ Luật dân sự hiện hành, quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Theo bà Hà, quy định đất đai là sở hữu toàn dân chưa thật thực tế, đề nghị đất đai là sở hữu nhà nước.

Đa số các đại biểu cho rằng, hiện nay việc giải quyết thu hồi đất thực hiện chưa tốt, chưa giải quyết được mong muốn của người dân bị thu hồi. Chủ trương của Nhà nước là sau khi thu hồi đất người dân phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước đây. Tuy nhiên, hiện tại đa phần người dân bị thua thiệt dẫn đến bức xúc khiếu kiện.

Bên cạnh đó, việc bồi thường đất theo giá thị trường chưa thực sự thuyết phục. Các đại biểu cho rằng, làm sao để người dân biết là giá bồi thường đất là theo giá thị trường. Các đại biểu kiến nghị, UBND các tỉnh cần có một phòng ban giám sát, theo dõi giá thị trường, đưa ra khung giá đất phù hợp với từng giai đoạn. Ngoài ra các tỉnh cũng cần tham khảo thêm giá đất do các công ty định giá đất xác định.

Những bất cập, vướng mắc của Luật Đất đai hiện hành đã khiến tình trạng tiêu cực cũng như các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai xảy ra trên toàn quốc, vì có đến hơn 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo hiện nay. Cũng chính vì vậy, nhiều đại biểu cho Quốc hội cho rằng Dự thảo Luật phải có những quy định mang tính đột phá thì mới có thể giải quyết được tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhất là các vấn đề như xác định rõ việc “đền bù phù hợp với giá thị trường”, giải quyết tình trạng thiếu việc làm cho người dân bị thu hồi đất…

Thanh Ngà (lược ghi)

ngatt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên