MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gói 30.000 tỷ: “Leo cột mỡ” liệu có dễ hơn?

16-04-2014 - 15:18 PM |

Để thúc đẩy giải ngân gói 30.000 tỷ, sắp tới Bộ Xây dựng kiến nghị Chỉnh phú thông qua việc mở rộng đối tượng vay, nâng thời hạn vay lên 15 năm,...

Chương trình phát triển nhà ở xã hội đã và đang đạt được những kết quả đáng ghi nhận với nhiều chính sách hỗ trợ. Những ưu đãi với DN phát triển dự án như miễn tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ vay vốn…góp phần vào giảm được giá thành căn nhà; Ưu đãi thuế, phí cho người mua nhà,…ngoài những ưu đãi trên, gói 30.000 tỷ là một trong những giải pháp được dư luận, người dân rất quan tâm.

Bắt đầu thực hiện từ tháng 6 năm 2013, tính đến hết tháng 2/2014 mới chỉ có 4% gói tín dụng này được giải ngân. Đã có nhiều quan điểm, dư luận đánh giá mục tiêu của gói tín dụng này là rất tích cực, nhưng cách thực hiện thì lại có nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả không cao, người nghèo lại gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này bởi chính các “thủ tục”, “điều kiện” khắt khe.

Giải ngân chậm vì thiếu cung hay thủ tục?

Không phải bỗng dưng chương trình "Gặp nhau cuối năm" của VTV Tết Giáp Ngọ vừa rồi, câu chuyện về gói tín dụng 30.000 tỷ trở thành một trong những nội dung chính và được người dân, dư luận đặc biệt quan tâm trong báo cáo của “Táo kinh tế”. Một hình ảnh trực  quan hết sức sát thực cho việc tiếp cận, và giải ngân nguồn vốn này mà VTV đưa ra đó là để với tay được gói 30.000 tỷ thì người mua nhà phải “leo cột mỡ” để tiếp cận được nguồn vốn treo lơ lửng tít trên cao.

Báo cáo gần đây nhất Bộ Xây dựng công bố về kết quả giải ngân gói tín dụng “hỗ trợ” này thì tính đến hết tháng 2/2014, tổng số tiền giải ngân cho 2.673 khách hàng với tổng dư nợ 1.206 tỷ đồng, mới chỉ đạt hơn 4% tổng giá trị, trong khi số tiền cam kết giải ngân của các ngân hàng là 2.714 tỷ đồng. Đây vẫn là một kết quả không như kỳ vọng của nhiều người.

Ông Trần Như Trung, nguyên Phó “tướng” Công ty tư vấn Savills VN trong một lần trả lời Vneconomy liên quan đến câu chuyện gói tín dụng 30.000 tỷ đã cho rằng khi triển khai vấn đề đơn giản nhất như câu từ vẫn nặng về thủ tục hành chính, và điều này không nên lặp lại ở năm 2014. Cũng theo ông Trung nên thực hiện theo cách cho người dân vay dựa trên tổng khối lượng thanh toán. Có đến trên 80% số người vay mua căn hộ như vậy là khó khăn về nhà ở và họ cũng không có nhiều tiền. Nếu làm theo cách này thì có gói 3 triệu tỷ cũng tiêu hết nhanh.

Nguyên nhân chậm chạp trong việc giải ngân gói 30.000 tỷ cũng đã được mổ xẻ. Ngày 21/3 vừa qua, Vụ tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) đưa ra báo cáo khá chi tiết, trong đó khẳng định: “NHNN luôn sẵn sàng đầy đủ nguồn vốn 30.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp, thời hạn dài để đáp ứng nhu cầu cho vay chương trình của các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng chương trình này có quy mô rộng, thời hạn dài, chưa có tiền lệ do vậy việc thực hiện còn khó khăn chưa đáp ứng được kỳ vọng của xã hội. Bên cạnh đó nguồn cung nhà xã hội còn thiếu nên việc giải ngân chậm.

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Xây dựng về việc chậm giải ngân gói 30.000 tỷ là do người thu nhập thấp phải chứng minh được khả năng trả nợ. Đây là một điều khoản quá khó đối với người lao động tự do.

Mới đây, trong buổi lễ cất nóc và khai trương căn hộ mẫu một dự án nhà xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam có bày tỏ quan điểm, không phải nhà xã hội, nhà thu nhập thấp ít mà việc giải ngân bị chậm. Minh chứng là đến nay Bộ Xây dựng đã đề xuất lên Ngân hàng Nhà nước danh mục 81 dự án nhà xã hội để hỗ trợ vay vốn trong gói 30.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ có 21 dự án được vay. Như vậy con số này mới đạt 26%.

Sẽ “nới” hết cỡ?

Ngày 18 tới đây Ban chỉ đạo Trung ương về nhà ở và thị trường bất động sản sẽ có cuộc họp với Bộ Xây dựng, một trong những nội dung quan trọng các cơ quan nhà nước thảo luận là liên quan đến các giải pháp nhằm tháo “nút” thắt gói 30.000 tỷ này.

Theo Thứ trưởng Nam, để đẩy mạnh việc giải ngân gói tín dụng này sắp tới Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ một số giải pháp.

Trong đó, sẽ nới thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm (đối với cá nhân vay vốn mua nhà);

Mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá). Kể cả các hợp đồng mua nhà xã hội trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà cũng được mở rộng cho vay.

Các hộ dân ở đô thị nếu có đất phù hợp quy hoạch cũng sẽ được vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở nhưng tổng số vốn vay không quá 80%x1,05 tỷ đồng.

Nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 cũng thuộc đối tượng được vay vốn.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng sẽ kiến nghị Chỉnh phủ ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước đang thực hiện cho vay, sẽ chỉ định thêm một số ngân hàng thương mại khác được cho vay trong gói tín dụng này.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nếu được thông qua thì những giải pháp này sẽ thức đẩy giải ngân gói 30.000 tỷ.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào giải pháp đưa ra thì cái “nút thắt” việc giải ngân chậm mà Bộ Xây dựng đưa ra là “điều kiện vay vốn của người dân” vẫn chưa được “cởi”. Điều này có lẽ phụ thuộc rất nhiều vào NHNN, các ngân hàng cho vay vốn. Có như vậy, “leo cột mỡ” gói 30.000 tỷ đồng mới có kỳ vọng bớt khó hơn.

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên