MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hà Tĩnh phải “đền” hàng trăm tỉ thu hồi dự án “rùa”

26-03-2014 - 16:01 PM |

Hà Tĩnh đang “mạnh tay” thu hồi các dự án chậm tiến độ, nhưng quy trình xử lí tài sản trên đất thu hồi lại khiến tỉnh này phải đau đầu.

Theo báo cáo của Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, các đơn vị chức năng của Hà Tĩnh đã thu hồi khoảng 121 dự án vi phạm luật đất đai với tổng số tiền phải trả sau khi thu hồi là gần 400 tỉ đồng (bao gồm các dự án đã đánh giá tài sản trên đất và chưa đánh giá tài sản trên đất).

Chỉ tính riêng các dự án do huyện, thành phố, thị xã của Hà Tĩnh thu hồi đã lên đến 47 dự án, trong đó số dự án đã đánh giá tài sản trên đất là 25 dự án với tổng số tiền phải chi trả là 34,14 tỉ đồng. Còn lại 22 dự án chưa đánh giá tài sản trên đất với mức dự kiến phải chi trả lên đến 206 tỉ đồng.

Trong số các dự án Hà Tĩnh phải chi trả, có hàng loạt dự án lớn với mức chi trả lên đến hàng chục tỉ đồng. Chẳng hạn dự án Khu du lịch Bắc Thiên Cầm của Công ty CP Đầu tư phát triển Thiên Cầm có mức chi trả “hậu thu hồi” dự kiến lên đến 180 tỉ đồng; dự án của Công ty CP Đầu tư phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà - miền Trung cũng có mức “đền bù” lên tới trên 75 tỉ đồng (công ty báo cáo chi phí đã đầu tư là 112,9 tỉ đồng).

Nhưng trên thực tế, Hà Tĩnh mới chi trả được 45,2 tỉ đồng trên tổng số 400 tỉ đồng dự kiến phải trả cho chủ đầu tư các dự án bị thu hồi.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đang phải đối mặt với nguy cơ một loạt chủ đầu tư có dự án bị thu hồi khởi kiện các quyết định thu hồi đất như Công ty Honglin Việt Nam, Công ty CP Đa quốc gia... Theo đánh giá của Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh, số lượng dự án phải thu hồi, đã thu hồi trên địa bàn thời gian qua là khá lớn; thể hiện quyết tâm của UBND tỉnh trong việc xử lý các vi phạm sử dụng đất đai, tạo điều kiện tích lũy đất đai dành cho các dự án phát triển khác nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế là các thủ tục pháp lí, quy trình thực hiện chưa đồng bộ. Ngoài ra, Sở Tài chính Hà Tĩnh cũng bày tỏ khó khăn về kinh phí hoàn trả cho nhà đầu tư, nhất là trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế, nhu cầu về bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án ngoài thu hồi đất còn rất lớn.

Mặt khác, thời gian qua, một số dự án lớn khi thu hồi đã được ứng trước ngân sách để trả một lần cho nhà đầu tư. Nhưng dự kiến từ ngày 1-7-2014, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thì chỉ có hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, cho nên ngân sách tỉnh khó có thể bù đắp được số kinh phí đã chi trả cho các nhà đầu tư này.

Theo Lương Bằng

ngatt

Báo Hải Quan

Trở lên trên