MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hé lộ “đầu bài” khai thác trụ sở Bộ Xây dựng

16-02-2012 - 08:56 AM |

Một trong những phương án khá khả thi là xây dựng theo hình thức thấp tầng, giảm dân cư, nhưng giá trị phải cao, đó có thể sẽ là biệt thự cao cấp.

Hà Nội đang chứng kiến cuộc “di dời lịch sử” của các cơ quan nhà nước. Hàng loạt trụ sở bộ, ngành đã, hoặc đang rục rịch chuyển khỏi nội đô, như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ…

Vấn đề được quan tâm nhất hiện nay là, việc ứng xử như thế nào với quỹ đất để lại sau khi các bộ, ngành di dời. Trong số các bộ, ngành đang lên kế hoạch di dời, Bộ Xây dựng được trông chờ nhất, bởi đây là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch, kiến trúc và cũng là đơn vị sở hữu quỹ đất khá đắc địa.

Tháng 10/2011, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương di dời trụ sở làm việc của Bộ Xây dựng tại 37 - Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về Khu đô thị mới Tây Hồ Tây và thực hiện dự án xây dựng trụ sở theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT). Mới đây, Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Bộ Xây dựng) đã có thông báo mời nhà đầu tư thực hiện Dự án Xây dựng trụ sở làm việc mới của Bộ Xây dựng theo hình thức BT.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Nam, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho rằng, chủ trương xây dựng theo hình thức BT trụ sở của các bộ, ngành là đúng, nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội, giảm áp lực lên hạ tầng nội đô, đồng thời tạo nguồn thu xây dựng trụ sở mới cho các bộ, ngành, tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc khai thác quỹ đất có hiệu quả, có tạo được nguồn thu ngân sách để xây dựng trụ sở mới, đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, giảm áp lực cư dân, cũng như giao thông nội đô hay không đang là bài toán khó với chủ đầu tư.

Yêu cầu để tham gia dự án trên đã dần được hé lộ. Theo ông Nam, mọi chủ thể tham gia quá trình này cần tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản: việc xây dựng chuyển đổi phải đúng trình tự pháp lý; xây dựng công trình tại địa điểm cũ phải đúng quy hoạch, đúng mục đích; việc đấu giá và sử dụng tài sản trên đất phải làm đúng theo pháp luật.

Tiêu chí đầu tiên để khai thác quỹ đất 37 - Lê Đại Hành là phải góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực đó. Có nghĩa là, không tăng thêm dân cư vào khu vực đó; mặt khác, nhân dịp này, thúc đẩy cải thiện hạ tầng.

Vấn đề thứ hai, nếu đầu đề đặt ra là không chất tải người thêm, thì đương nhiên, không thể xây nhà cao tầng ở khu vực này, mà buộc phải xây dựng nhà thấp tầng. Nhưng xây như thế nào, theo hình thức nào, thì chủ đầu tư và nhà đầu tư tham gia BT phải nghiên cứu kỹ và cần được sự đồng thuận của dư luận xã hội, cũng như người dân khu vực đó.

Theo tính toán, một trong những phương án khá khả thi là xây dựng theo hình thức thấp tầng, giảm dân cư, nhưng giá trị phải cao, đó có thể sẽ là biệt thự cao cấp, hoặc một hình thức mới nào đó để giải quyết bài toán về kinh tế. Trong phương án này, tỷ lệ xây dựng nhà thấp tầng chỉ chiếm một tỷ lệ hợp lý, diện tích còn lại sẽ dành xây dựng các công trình khác.

Đối với khu vực xây dựng mới, hiện khu đất được xác định sẽ nằm trong Khu đô thị mới Tây Hồ Tây, trong diện tích đất phục vụ việc di dời các cơ quan nhà nước, nhưng TP. Hà Nội đang điều chỉnh quy hoạch của khu Tây Hồ Tây, nên chưa có địa điểm chính xác. Bộ Xây dựng đề xuất xin 3 ha để xây dựng trụ sở mới, nhưng quy mô như thế nào vẫn còn phụ thuộc vào quy hoạch, cũng như quỹ đất hiện có tại đây.

Lộ trình việc di dời trụ sở Bộ Xây dựng vẫn đang bỏ ngỏ, do quy hoạch và tổng mặt bằng quanh địa điểm này chưa được phê duyệt. Hàng loạt công việc khác vẫn còn đang ở phía trước, nên theo dự kiến của Bộ Xây dựng, nếu nỗ lực, nhanh nhất cũng phải tới năm 2015, mới có thể di dời Bộ Xây dựng sang địa điểm mới.

Theo Hữu Tuấn
Báo Đầu Tư

ngatt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên