MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Luật Đất đai cần có những thay đổi toàn diện”

18-10-2013 - 09:24 AM |

Người dân chưa được có tiếng nói quyết định đối với cuộc sống và sinh kế của mình khi bị thu hồi đất...

Người dân cần được biết thông tin, được tham gia và được đồng thuận trước những quyết định cũng như chính sách về đất đai và cơ chế chuyển dịch cần đảm bảo cuộc sống và sinh kế cho họ...

Đó là những nguyện vọng của người dân vừa được Liên minh Đất đai (LANDA) công bố ngày 17/10, dựa trên kết quả tham vấn trực tiếp hơn 9.400 hộ gia đình và người dân tại 4 tỉnh Hoà Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An cùng với các cuộc thăm dò trên 3 báo điện tử là VnEconomy, Vietnamnet và Dân Việt trong thời gian từ tháng 11/2012 đến tháng 9/2013, trước khi Quốc hội xem xét thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo tổ chức này, mặc dù có nhiều điểm tiến bộ, song bản dự thảo sửa đổi Luật Đất đai mới nhất được trình tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp lần thứ 21 trong tháng 9/2013 vừa qua vẫn chưa đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng của dân.

LANDA cho rằng, với dự thảo này, người dân vẫn chưa được có tiếng nói quyết định đối với cuộc sống và sinh kế của mình khi đất đai bị thu hồi. Cuộc sống của những người có đất bị thu hồi thường trở nên khó khăn hơn do mất sinh kế, không tìm được việc làm thay thế, nhiều gia đình vì vậy bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo.

Trên cơ sở kết quả các cuộc tham vấn cộng đồng, nguyện vọng chung của người dân trong diện khảo sát được LANDA tập hợp lại thành một số nội dung chính.

Thứ nhất, Nhà nước cần đảm bảo quỹ đất, đặc biệt là đất nông nghiệp cho nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ.

Thứ hai, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, 94,6% ý kiến tham gia khảo sát đồng ý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ được phê duyệt khi đạt được sự đồng thuận của đa số người dân địa phương nơi quy hoạch; tỉ lệ đồng thuận này cần ít nhất là 70%.

Thứ ba, về định giá đất, 84,68% đồng ý không trao thẩm quyền quyết định giá đất cho UBND cấp tỉnh. 92,35% ý kiến đồng ý rằng cần có sự tham gia của tổ chức định giá đất độc lập để thực hiện định giá đất nhằm đề xuất giá đất khách quan, phù hợp với thị trường trước khi cơ quan nhà nước quyết định; 93,3% đồng ý rằng người bị thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập sẽ tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Liên quan đến cơ chế đồng thuận của người dân đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, 64,19% cho rằng cần lấy ý kiến của toàn bộ cộng đồng dân cư địa phương và 94,74% đồng ý rằng phương án chỉ được phê duyệt khi đạt được ít nhất 70% ý kiến đồng thuận.

Theo ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch LANDA, việc Quốc hội quyết định lùi biểu quyết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến tháng 10/2013 là một cơ hội lớn để người dân và các ban, ngành có thêm ý kiến cũng như để cơ quan soạn thảo có thêm thời gian cân nhắc thấu đáo việc sửa đổi sao cho có lợi nhất cho người dân, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
 
“Đất đai là cuộc sống và sinh kế của người dân, nên sự phát triển kinh tế - xã hội trước hết phải có nghĩa là đem lại sự cải thiện cuộc sống cho chính những người có đất bị thu hồi.  Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai cần được tiếp tục sửa đổi trên cơ sở lắng nghe hơn nữa tiếng nói và nguyện vọng sâu xa và chính đáng của người dân. Nếu dự thảo có được các giải pháp thỏa đáng nhằm tháo gỡ các vấn đề then chốt này thì hàng triệu nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... sẽ có cơ hội cải thiện cuộc sống và thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững. Khiếu kiện đất đai qua đó cũng sẽ giảm”, bà Lê Kim Dung, đại diện Oxfam, tổ chức hỗ trợ LANDA, nêu quan điểm.

Với mong muốn lợi ích của người dân nhằm đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội công bằng, toàn diện và bền vững, LANDA kiến nghị dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần có những thay đổi toàn diện và triệt để nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

Cụ thể, về thu hồi đất, Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng phục vụ cho lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng. Điều này có nghĩa là không áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư. Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng cần được hiểu là các dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đất nước.

Nhà nước không thu hồi đất cho các dự án dự án chỉnh trang, phát triển các khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên, khu chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung. Các dự án vì lợi ích kinh tế của nhà đầu tư mà phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thì cần áp dụng cơ chế thỏa thuận giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất. Mức đồng thuận cần đạt 70%.

Về định giá đất, không trao thẩm quyền định giá đất cho UBND tỉnh. Thay vào đó, cần thành lập cơ quan định giá đất quốc gia trực thuộc trung ương, Chính phủ hoặc Quốc hội. Người bị thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập tham gia đầu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Đối với nội dung đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức này kiến nghị cần thay thế chính sách "giao đất lần thứ 2 không thu tiền gắn với điều kiện 10 năm không được chuyển nhượng bằng chính sách giao đất không thu tiền cho cộng đồng để phân bổ theo hương ước, luật tục và sự đồng thuận cộng đồng cho những hộ gia đình thiếu đất ở, đất sản xuất".

Liên quan đến tỷ lệ đồng thuận, LANDA cho rằng, Luật Đất đai cần quy định nguyên tắc và tỷ lệ đồng thuận của người dân đối với các quyết định về đất đai có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Cụ thể, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ được phê duyệt khi có sự đồng thuận của 70% người dân địa phương nơi quy hoạch. Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chỉ được phê duyệt khi có sự đồng thuận của 70% của người bị thu hồi đất.

Theo Từ Nguyên

ngatt

Vneconomy

Trở lên trên