MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mua nhà 20% không qua sàn: Nhà đầu tư sẽ không có sổ đỏ?

05-09-2011 - 15:27 PM |

Để giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp BĐS, Bộ Xây dựng đã kiến nghị cho phép doanh nghiệp được phép bán 20% tổng số nhà thương mại của dự án không qua sàn.

Thế nhưng, được phép bán không qua sàn, nhiều chủ dự án đã không làm hết trách nhiệm khiến nhiều nhà đầu tư mua nhà không qua sàn có nguy cơ không được cấp sổ đỏ.

Chủ dự án thiếu trách nhiệm!

Theo Nghị định 71CP có hiệu lực từ tháng 10/2010, các chủ đầu tư bất động sản có thể được bán 20% tổng số nhà thương mại trong dự án của mình ra ngoài nhằm huy động vốn ngay cả trước khi hoàn thiện hạ tầng móng công trình. 

Có chính sách huy động vốn khi chưa xong hạ tầng, nhà đầu tư được cởi trói khó khăn trong việc huy động vốn.

Tuy nhiên, không chỉ đến khi có Nghị định này, chủ dự án mới huy động vốn trước khi có đủ điều kiện bán nhà ra thị trường. Bởi tại thị trường BĐS trong nước, nhất là tại thị trường BĐS Hà Nội, chuyện chủ dự án BĐS huy động vốn bằng hình thức mời góp vốn từ nhà đầu tư khi chưa đủ điều kiện bán hàng, vốn diễn ra rất phổ biến,

Khi người mua cầm trong tay cái gọi là Hợp đồng góp vốn mà trong đó ghi rõ góp vốn và được phân chia sản phẩm là nhà ở, thì đồng nghĩa là chủ đầu tư đã sử dụng hình thức huy động vốn bằng cách bán nhà 20% không thông qua sàn.

Nếu làm theo đúng quy định thì đương nhiên, người góp vốn sẽ có tên trong một danh sách và theo quy định, danh sách này sẽ được trình lên Sở Xây dựng phê duyệt để sau này, họ có quyền được làm sổ đỏ cho ngôi nhà mình đã mua.

Thế nhưng, trên thực tế, rất nhiều chủ đầu tư, vì lợi nhuận, đã cố tình không thực hiện nghĩa vụ này của mình đối với các nhà đầu tư. Bởi, theo xác nhận của Sở Xây dựng Hà Nội, cho đến nay, mới chỉ có danh sách của 2 dự án được Sở phê duyệt. Và, quy mô của những dự án này lại rất nhỏ so với nhiều công trình nhà ở khác ở Hà Nội đã khởi công từ tháng 10/2010 tới nay.
 
Ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Dự án, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: “Hiện chúng tôi mới nhận được 10 danh sách, nhưng mới phê duyệt 2 danh sách”.
 
Tuy nhiên, trong thời gian từ khi Nghị định 71 có hiệu lực (tháng 10/2010) tới nay, trong số hàng trăm dự án đã khởi công tại Hà Nội, chắc hẳn không thể chỉ có 10 dự án dùng hình thức huy động 20% không thông qua sàn. 

Tuy nhiên, nhiều chủ dự án bán 20% sản phẩn không qua sàn, không làm hết trách nhiệm khiến nhiều nhà đầu tư có nguy cơ không lấy được sổ đỏ.

Và như vậy, còn hàng chục dự án khác chủ dự án đã cầm tiền góp vốn của khách hàng rồi lờ đi nghĩa vụ của mình, không nộp danh sách 20% khách hàng đó lên cho Sở Xây dựng phê duyệt.

Với những khách hàng mua nhà không qua sàn tại những dự án mà chủ đầu tư thiếu trách nhiệm sau khi bán hàng, nhà đầu tư sẽ gặp vô vàn rủi ro. Thậm chí, ngay cả khi dự án tiến hàng suôn sẻ, người mua nhà cũng có nguy cơ không được cấp sổ đỏ.
 
 Nhà đầu tư sẽ không được cấp sổ đỏ

Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự cho biết: “Theo luật, các dạng hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư… đều có nghĩa là hợp đồng góp vốn với dự án sau khi nó đã được khởi công và trước khi hoàn thiện hạ tầng móng. Vì nếu đã có hạ tầng móng, thì chủ đầu tư đương nhiên được bán ra, có hợp đồng mua - bán…”.
 
Thế nhưng, hiện nhiều chủ đầu tư các dự án lớn như: Mulbery Lane, Indochina Plaza, Lê Văn Lương Residential… và nhiều dự án khác đã cố tình vi phạm Nghị định 71 của Chính phủ về nghĩa vụ của mình khi công khai danh sách những người đã góp vốn 20% để mua nhà không thông qua sàn. 
 
Lý do dễ hiểu nhất là nếu có danh sách đó thì chủ đầu tư sẽ bị kiểm soát, không thể bán quá số lượng 20% lượng nhà ở thương mại, thậm chí là bán hết sạch trước khi mà họ hoàn thiện hạ tầng móng.
 
Ông Đào Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý Dự án, Sở Xây dựng Hà Nội: “Họ sẽ bị kiểm soát, chủ đầu tư không muốn đăng ký, nhưng Sở cũng không kiểm soát được vì không đủ lực”.
 
Do Sở Xây dựng không kiểm soát được tiến độ các dự án, nên việc khống chế các chủ đầu tư có bán quá 20% ra thị trường khi họ chưa có hạ tầng móng hay không là không thể. Rồi việc chủ đầu tư có huy động vốn bằng cách bán 20% không thông qua sàn hay không cũng không thể kiểm soát được nếu họ không chủ động nộp danh sách những người mua trong diện 20% đó lên.

Và cuối cùng, hậu quả của câu chuyện này là những người góp vốn mua nhà trong diện 20% không thông qua sàn đó sẽ không được cấp sổ đỏ.   

Tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP quy định cụ thể:

Đối với trường hợp huy động vốn theo hình thức quy định tại điểm c và điểm d khoản 1 Điều này mà trong hợp đồng có thỏa thuận phân chia sản phẩm là nhà ở thì chủ đầu tư chỉ được phân chia tối đa cho các hình thức huy động vốn không quá 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án (tính trên tổng số lượng nhà ở thương mại của dự án cấp I hoặc dự án phát triển nhà ở độc lập không phải là dự án cấp II) không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản, nhưng phải thông báo cho Sở Xây dựng nơi có dự án phát triển nhà ở để xác nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Nghị định này; số lượng nhà ở còn lại trong mỗi dự án này chủ đầu tư phải thực hiện bán, cho thuê theo đúng quy định tại điểm đ và điểm e khoản này.

    

Theo PV

Phụ Nữ Today

ngatt

Trở lên trên