MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quốc Cường Gia Lai trả lại đất: Hậu của tối hậu thư...

24-07-2014 - 22:38 PM |

Quyết liệt trong việc thu hồi dự án chậm triển khai là cần thiết, nhưng giải bài toán “hậu thu hồi” xem ra còn nan giải hơn rất nhiều.

Việc Cty Quốc Cường Gia Lai vừa có đề nghị xin trả bớt đất cho Đà Nẵng sau khi đã được TP giao để làm dự án từ nhiều năm trước đã cho thấy hiệu quả từ những tối hậu thư “thu hồi dự án chậm triển khai” của Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, giải bài toán hậu thu hồi như thế nào vẫn là sự lúng túng của nhiều địa phương…

Được biết, động thái đề nghị xin trả bớt đất cho Đà Nẵng của Cty Quốc Cường Gia Lai được đưa ra sau khi TP Đà Nẵng tiến hành rà soát, kiểm tra tình hình sử dụng, quản lý đất đai và tiến độ thực hiện các dự án trên địa bàn.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương, ở khu vực ven biển Đà Nẵng hiện có 29 dự án chậm triển khai, trong đó có 8 dự án FDI và 21 dự án đầu tư trong nước. UBND thành phố Đà Nẵng đã làm việc với tất cả chủ đầu tư các dự án này, yêu cầu cam kết lộ trình triển khai dự án, chậm nhất đến hết quý 2/2015 phải khởi công xây dựng. Nếu không, UBND TP sẽ kiến nghị thu hồi các dự án này.

Thực tế, các tối hậu thư cho các dự án chậm triển khai không phải đến giờ mới được Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương đưa ra, mà hoạt động này đã rầm rộ từ vài năm trước, và quyết liệt từ cuối năm 2013 đến nay – sau một thời gian dài thị trường BĐS đóng băng và năng lực của từng DN được “đo” kỹ càng bởi liều thuốc thử của thị trường.

Đồng tình với quan điểm của các địa phương là tình trạng dự án chậm tiến độ kéo dài đã dẫn đến khó khăn trong việc điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo nhu cầu của thị trường, gây lãng phí tài nguyên đất và tạo ra nhiều hệ lụy cho đời sống của người dân trong vùng dự án, nhiều DN cho rằng, trước khi có quyết định thu hồi, chính quyền địa phương nên tìm hiểu kỹ nguyên nhân dẫn đến các dự án bị chậm trễ để giúp các DN tiếp tục triển khai dự án.

Bên cạnh đó, chính quyền cần phân loại dự án để tránh tình trạng “xử” oan, bởi nhiều dự án bị vướng mắc thủ tục hành chính, vướng khâu giải phóng mặt bằng... những lý do không phải của DN. Đồng thời, tỉnh cần tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có năng lực sớm hoàn thành dự án.

Còn về phía chính quyền, theo lãnh đạo của một số địa phương, việc thu hồi dự án chẳng qua cũng là “cực chẳng đã” bởi bài toán “hậu” thu hồi với chính quyền không dễ có lời giải, thậm chí nhiều địa phương đang vô cùng lúng túng. Câu chuyện Hà Tĩnh thành… con nợ vì thu hồi dự án chậm tiến độ vừa mới đây còn là bài học lâu dài với các địa phương.

Tỉnh này đã thu hồi khoảng 121 dự án vi phạm luật đất đai với tổng số tiền phải trả sau khi thu hồi là gần 400 tỉ đồng (bao gồm các dự án đã đánh giá tài sản trên đất và chưa đánh giá tài sản trên đất). Nhưng trên thực tế, Hà Tĩnh mới chi trả được 45,2 tỉ đồng. UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đang phải đối mặt với nguy cơ một loạt chủ đầu tư có dự án bị thu hồi khởi kiện các quyết định thu hồi đất như Cty Honglin Việt Nam, Cty CP Đa quốc gia...

Mặt khác, thời gian qua, một số dự án lớn khi thu hồi đã được ứng trước ngân sách để trả một lần cho nhà đầu tư. Nhưng từ ngày 1/7/2014, Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thì chỉ có hình thức thuê đất trả tiền hàng năm, cho nên ngân sách tỉnh khó có thể bù đắp được số kinh phí đã chi trả cho các nhà đầu tư này.

Quyết liệt trong việc thu hồi dự án chậm triển khai là cần thiết, nhưng giải bài toán “hậu thu hồi” xem ra còn nan giải hơn rất nhiều - mà đến nay vẫn chưa địa phương nào đưa ra được lời giải “thấu tình, đạt lý”...

>>> Công ty Quốc Cường Gia Lai xin trả đất cho Đà Nẵng

Theo Quang Minh

ngatt

Diễn Đàn Doanh Nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên