MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tính diện tích căn hộ không thống nhất: Lợi chủ đầu tư, hại khách mua ?

27-11-2013 - 13:05 PM |

Việc quy định khác nhau trong cách tính diện tích căn hộ dễ dẫn đến nhiều mâu thuẫn nảy sinh giữa người mua nhà và chủ đầu tư.

Tại buổi giao lưu trực tuyến “Giải đáp cách tính diện tích căn hộ chung cư” sáng ngày 27/11, nhiều người dân đã có câu hỏi về vấn đề tính diện tích căn hộ như: "Do không có quy định cấm chủ đầu tư lựa chọn các cách tính diện tích khác nhau cho các hợp đồng, tuy nhiên, việc quy định khác nhau sẽ dễ dẫn đến khiếu kiện của người mua... Vậy, tại sao các nhà quản lý lại sở hở như vậy? phải chăng đây là cách để làm lợi cho chủ đầu tư, còn thiệt hại người dân phải chịu?".

Giáo sư Đặng Hùng Võ Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, diện tích chung và diện tích riêng tại nhà chung cư đã được quy định tại điều 70 Luật Nhà ở, được hướng dẫn cụ thể tại điều 49 của Nghị định 71. Thông tư 16 có hướng dẫn đối với việc lập hợp đồng giữa chủ đầu tư và những người mua nhà về cách tính diện tích. Cách tính diện tích cụ thể cho từng hợp đồng là do chủ đầu tư và những người mua nhà cam kết trong hợp đồng và phải thực hiện theo đúng cam kết này sau khi đã ký kết. Khi lập hợp đồng giữa hai bên có thể dựa vào hướng dẫn tại thông tư 16 và cũng có thể có những cam kết riêng theo đúng pháp luật dân sự.

"Theo tôi thông tư 16 chỉ là hướng dẫn cách lập hợp đồng mua nhà tại các dự án. Có thể thông tư 16 hướng dẫn quá vắn tắt nên không thể hiện rõ được quy định tại luật nhà ở và nghị định 71 làm cho những người mua nhà bị tác động về cách tính toán diện tích đã cam kết trong hợp đồng hoặc chưa cam kết. Trong trường hợp hợp đồng đã cam kết thì hai bên phải thực hiện đúng cam kết. Trong trường hợp chưa cam kết trong hợp đồng về cách tính diện tích thì phải thực hiện trước hết đúng Luật Nhà ở, sau đó là Nghị định 71 và cuối cùng mới là thong tư 16", Giáo sư nhấn mạnh.

Luật sư Ngô Thế Thêm – Văn phòng luật sư Doanh Gia cũng bổ sung, trong trường hợp hợp đồng không quy định các đo diện tích tính diện tích trung cư, thì các bên phải thống nhất với nhau về cách tính. Theo quy định của pháp luật hiện hành về luật nhà ở Nghị định 71 thì cũng hướng dẫn hợp đồng mua bán chung cư phải công khai cách tính. Ngoài ra, theo hướng dẫn của thông tư 16 thì có hai cách tính. Cụ thể, tính theo kích thước thông thủy của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ. Nhưng đồng thời phải đảm bảo phần diện tích nào thuộc sở hữu riêng, phần nào sở hữu chung. Sau khi đã xác định được diện tích chung riêng rồi, thì cách tính nào cũng vẫn được miễn các bên thống nhất được với nhau.

Về tiện ích công cộng, nhiều người dân thắc mắc, thực tế hiện nay nhiều chủ đầu tư không đưa các nội dung thuộc về thiết kế chung như số lượng hoặc diện tích khu để xe, các thiết kế cũng như tiện ích tổng thể của công trình mà chỉ đưa ra mặt cắt diện tích căn hộ vào trong nội dung hợp đồng. Nếu chủ đầu tư tiến hành các thay đổi hoặc điều chỉnh nội dung xây dựng như giảm bớt các công trình công cộng mà không thực hiện thông báo và lấy ý kiến của những người mua nhà thì có vi phạm luật không?

Trả lời câu hỏi này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, những cam kết giữa chủ đầu tư và người mua nhà phải đưa đầy đủ vào hợp đồng, kể cả quy hoạch chi tiết đối với ngôi nhà đó được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó gồm cả các không gian sử dụng chung như nhà để xe, hồ điều hòa, diện tích cây xanh, khu vui chơi cho trẻ em... Người mua nhà cần phải quan tâm tới điều này để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Khi đã cam kết mà chủ đầu tư đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh theo đề xuất của chủ đầu tư thì phải được sự đồng thuận của những người mua nhà tại đó. Nếu trong cam kết của hợp đồng không ghi rõ những điều này thì sẽ khó bảo vệ quyền lợi của những người mua nhà.

Cũng theo ông Võ, trong tình trạng hiện nay, về mặt quản lý chưa tạo điều kiện minh bạch đối với thông tin của dự án, làm những người mua nhà không có điều kiện tiếp cận thông tin. Nhiều trường hợp cơ quan nhà nước đồng ý phê duyệt những điều chỉnh theo đề nghị của chủ đầu tư mà không lấy ý kiến của những cư dân tại đấy. Đây là những khiếm khuyết về mặt quản lý đối với các dư án nhà ở gây thiệt thòi cho những người mua nhà.

Về mặt pháp luật và thực thi pháp luật chúng ta cần cố gắng sớm nhất khắc phục tình trạng này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Còn để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong từng trường hợp cụ thể thì cần phải xem xét quá trình từ phê duyệt quy hoạch tới phê duyệt dự án, gọi vốn, bán nhà, bảo đảm dịch vụ nơi ở.... mới có thể tìm các cách thức cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Tình trạng hiện nay cũng cho thấy người mua nhà phải có trách nhiệm nhiều hơn với chữ ký của mình tại hợp đồng.

Lan Anh

ngatt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên