Chính sách tài khoá – “Cú hích” hỗ trợ nền kinh tế
Trong năm 2023 vừa qua, việc ban hành và thực hiện các giải pháp chính sách tài khoá hỗ trợ nền kinh tế đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.
- 09-02-2024Khách nước ngoài bất ngờ trước hình ảnh các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất
- 09-02-2024Gấp rút ‘chạy lệnh’ thông quan ngày áp Tết
- 09-02-2024Sa Pa gần kín phòng dịp Tết
Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hơn 193.000 tỷ đồng
Từ đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, khu vực trên phạm vi toàn cầu. Cùng với những điểm sáng trong phát triển kinh tế thì tình hình sản xuất kinh doanh và nền kinh tế cũng phải đối mặt với nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức như tăng trưởng chưa đạt yêu cầu đề ra; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn khó khăn; chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu vẫn cao và có xu hướng gia tăng…
Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biễn thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi và phát triển, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, qua đó đóng góp vào những kết quả tích cực chung đã đạt được.
“Năm 2023 là một năm đầy khó khăn khi nền kinh tế vừa phải nỗ lực khắc phục những vấn đề hậu Covid-19, vừa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, Bộ Tài chính đã vượt khó, chủ động, linh hoạt, kịp thời trong điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Cụ thể, nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Trong đó, các chính sách giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với nhiều hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất 10% và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn nêu trên đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 25/12/2023 đã thực hiện giảm, gia hạn khoảng 193.400 tỷ đồng (trong đó, số tiền được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng; số tiền được giảm khoảng 78.400 tỷ đồng).
Tháo gỡ khó khăn tạo đà cho giai đoạn tới
Dưới góc độ DN, ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) chia sẻ, năm 2023 là năm khó khăn nhất của các doanh nghiệp (DN) nói chung và cộng đồng DN Hàn Quốc kinh doanh tại Việt Nam nói riêng. Nhưng Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng DN cũng như hỗ trợ các hoạt động đầu tư nước ngoài. Trong đó, các chính sách tài khóa được các DN Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá cao, bởi đã giúp hỗ trợ các DN phát triển bền vững và nâng cao khả năng phục hồi. Đặc biệt, các chính sách về giảm thuế, phí, giảm tiền thuê đất… còn góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, thêm hấp dẫn và yên tâm trong các hoạt động đầu tư nước ngoài.
“Trong thời gian tới, chính sách tài khóa cần tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh trong hỗ trợ DN và nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, để chính sách hiệu quả và thực chất thì cơ quan quản lý cần tăng cường đối thoại với các DN, hiệp hội DN để lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu và yêu cầu của DN. Việc ban hành chính sách tài khóa cần có sự hợp tác song phương, nên cộng đồng DN Hàn Quốc tại Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp ý kiến, xây dựng chính sách để góp phần tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế Việt Nam nói chung”, ông Hong Sun bày tỏ.
Theo PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, trong 2 năm chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19 và những biến động kinh tế thế giới, chính sách tài khóa tại Việt Nam được thực hiện thận trọng, các gói hỗ trợ về giảm thuế, nhất là giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu đã có tác dụng.
“Chính sách tài khóa cũng có nhiều điểm tích cực như góp phần đưa nợ công còn dưới ngưỡng 60% GDP, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm và kỳ hạn vay dài hơn, cân đối ngân sách nhà nước vẫn được đảm bảo dù kinh tế không thuận lợi”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường đánh giá.
Tuy nhiên, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường cũng lưu ý, trong giai đoạn 2023-2025, chính sách tài khóa còn gặp một số vấn đề, trong đó là rủi ro của kinh tế đến tăng trưởng và thu ngân sách nhà nước (NSNN), hiệu quả thực thi chính sách tài khóa chưa cao, nhất là với chi đầu tư… Vì thế, để ổn định tài chính vĩ mô thì cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí…
“Chính sách tài khóa phải kết hợp với chính sách tiền tệ trong điều tiết cung tiền như kế hoạch vay nợ công, giải ngân và quan tâm đến thanh khoản thị trường. Đồng thời, phải chủ động trong thông tin và định hướng chính sách, cải thiện minh bạch và trách nhiệm giải trình với chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Mặt khác, cần triển khai các giải pháp để tăng cung như hỗ trợ DN chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, hoàn thiện thể chế…”, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường khuyến nghị.
Điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, năm 2024, khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề. Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
“Mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
vov.vn