MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chính thức thanh tra cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

19-10-2018 - 10:04 AM | Xã hội

Sáng 18/10, Thanh tra Bộ GTVT đã công bố quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Thanh tra Bộ GTVT sẽ thực hiện thanh tra từ ngày 18/10. Nội dung thanh tra là các giai đoạn triển khai thực hiện dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (thanh tra toàn diện), trong đó gồm cả đoạn sử dụng vốn JICA (khai thác từ tháng 8/2017 , vừa xảy ra hư hỏng) và đoạn sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (mới đưa vào sử dụng ngày 2/9 vừa qua). Được biết, trước đó dự án này đã được kiểm toán, thanh tra Bộ GTVT và Bộ KH&ĐT thanh tra.

Được biết, chiều 17/10, sau khi VEC thực hiện xong việc sửa chữa hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) đã cùng chủ đầu tư rà soát vị trí sửa chữa trên toàn tuyến. Đồng thời, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT xin ý kiến cho thu phí trở lại tuyến đường này (đã dừng thu phí từ ngày 12/10).

TS Nguyễn Hữu Đức - Chuyên gia của JICA (Nhật Bản) cho hay, việc mới đưa vào sử dụng 1 năm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hỏng, chứng tỏ chất lượng thi công kém, trong khi tư vấn giám sát, chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Chưa kể, quanh dự án này còn nhiều vấn đề mà người dân địa phương đã phản ánh.

Về phần Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, theo ông Đức, hội đồng này bản chất chủ yếu chỉ kiểm tra trên giấy tờ xem thực hiện đúng quy định, quy trình chất lượng không. Ngoài ra, Hội đồng có thể thuê đơn vị chuyên môn đánh giá chất lượng, nhưng không nhiều. “Hội đồng lập ra vậy nghe cho yên tâm, chứ với các nước chủ yếu sẽ có một đơn vị chuyên môn thực hiện”, ông Đức nói thêm.

Về việc nhà thầu Posco E&C “bán” lại việc thi công gói thầu A5 (đoạn sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới) cho toàn bộ nhà thầu của Việt Nam, theo chuyên gia JICA, có phần từ quy định pháp luật Việt Nam. Theo ông Đức, do quy định về đấu thầu, đối với các dự án lớn, nhà thầu phải có kinh nghiệm thi công công trình lớn. Cùng đó, nếu Bộ GTVT làm chủ đầu tư thì các doanh nghiệp thuộc bộ này không được tham gia đấu thầu. Do đó, thực tế đối với các gói thầu giao thông, nhà thầu Việt Nam không đáp ứng được điều kiện để tham gia, như yêu cầu về vốn, kinh nghiệm, nên gói thầu thường rơi vào tay nhà thầu ngoại. Để Posco “bán” lại 100% gói thầu cho các nhà thầu trong nước, theo ông Đức, do chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm.

“Về nguyên tắc không được bán toàn bộ gói thầu cho các nhà thầu phụ, nhưng Posco họ bán hết mà bao năm  chủ đầu tư không phát hiện ra, trong khi nhà thầu nào thi công ai cũng thấy. Điều này lỗi do ban quản lý dự án”, ông Đức nói. Về giá thầu, chuyên gia này cho rằng, khi làm đường Việt Nam thường đặt ra các tiêu chuẩn, rồi đưa ra giá, chủ yếu tính toán trên giấy, còn khi thực tế thi công sao thì chỉ ước lượng. Do đó, có khi dù quy định nhà thầu phải múc 500 m3 đất, nhưng họ thực tế chỉ múc 200 m3, cũng không ai biết, không ai đo, trong khi giá vẫn tính như trên giấy tờ.

Trước đó, để đánh giá các nhà thầu, Bộ GTVT hàng năm đều công bố Bảng xếp hạng năng lực nhà thầu xây lắp, đây là cơ sở để chủ đầu tư các dự án giao thông sử dụng vốn ngân sách xem là một tiêu chí lựa chọn nhà thầu.

Theo bảng xếp hạng trên, với nhà thầu Cty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (thực hiện gói thầu A5, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, sau đó giao 100% gói thầu cho nhà thầu phụ): Năm 2013- chưa đáp ứng yêu cầu; năm 2014- đạt yêu cầu; năm 2015và 2016 -trung bình.

Tuy nhiên, sau đó từ tháng 1/2018, Bộ GTVT có Quyết định không thực hiện bảng xếp hạng năng lực nhà thầu, tư vấn tham gia các dự án giao thông nữa, do Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu đã có quy định về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu. Do đó, bảng xếp hạng trên chỉ thực hiện xếp hạng hết năm 2016 và dừng.

Theo Lê Hữu Việt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên