MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chịu thiệt ngay từ lúc ký hợp đồng, nhiều doanh nghiệp gỗ “vỡ mộng” do quá tin vào uy tín của ca sĩ Thu Minh

11-08-2016 - 11:38 AM | Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp nhỏ trong ngành gỗ vì "chật vật mưu sinh" đã phải chấp nhận nhiều điều khoản bất cập để có được đơn hàng xuất khẩu từ công ty Global Home.

Công ty Global Home chỉ là nhà buôn gỗ thứ cấp?

Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ đã khiếu kiện công ty Global Home do ông Otto de Jager – chồng ca sĩ Thu Minh – làm Tổng giám đốc.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu gỗ có tiếng tại TP.HCM (xin không nêu tên) cho rằng chỉ có những doanh nghiệp có thực lực mạnh, chiến lược kinh doanh rõ ràng và chiếm giữ thị phần trong nước mới có đủ khả năng ký kết những hợp đồng xuất khẩu mặt hàng từ gỗ trực tiếp sang nước ngoài cho các đối tác.

"Qua tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng, một số doanh nghiệp đang tố cáo chồng ca sĩ Thu Minh quỵt số nợ lớn trong nhiều năm qua, có thể cho thấy ông Otto cũng chỉ là một nhà buôn thứ cấp. Tức là, đại diện các đối tác của ông ở nước ngoài, ông ấy đi gom hàng tại Việt Nam rồi sau đó cung cấp trực tiếp cho họ. Điều này sẽ để lại rất nhiều hệ luỵ một khi tranh chấp xảy ra", vị này cho biết.

Thực vậy, qua thông tin từ nhiều công ty kinh doanh gỗ tại Đồng Nai, cũng như một số thành viên thuộc Hiệp hội Gỗ TP.HCM (HAWA), sau khi ký các thoả thuận hợp tác, hợp đồng sản xuất, các nhà cung cấp bàn giao sản phẩm tại kho ngoại quan hoặc tại nhà kho cho công ty Global Home của Otto De Jager.

Sau khi giao hàng cho phía Global Home là hết trách nhiệm, còn việc ông Otto xuất hàng đi đâu sau lan can tàu thì hầu như các công ty này không nắm rõ thông tin.

Tranh chấp sẽ sang Hongkong giải quyết

Có một điều đáng nói theo phản ánh của một số doanh nghiệp ở Đồng Nai, hợp đồng cung ứng sản phẩm từ gỗ cho công ty Global Home chỉ ký một lần duy nhất. Sau đó, cứ mỗi đợt sản xuất từng lô hàng thì phía Global Home sẽ thông báo bằng thư điện tử về số lượng và thời gian bàn giao hàng.

Trên hợp đồng, phía công ty của ông Otto không thể hiện cụ thể về lịch và số lượng cho mỗi đợt giao nhận. Điều này đã dẫn đến lượng hàng tồn lớn tại kho của các doanh nghiệp.

Một điều khoản khác, nếu hai bên xảy ra tranh chấp trong quá trình hợp tác thì sẽ được giải quyết tại Toà Trọng tài ở HongKong và vận dụng pháp luật của Anh quốc!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc này pháp luật cho phép bởi dựa trên sự thoả thuận của các bên ký kết hợp đồng, nhưng khác với hợp đồng trong nước, việc xác định cơ quan tài phán nước nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và hệ thống pháp luật nước nào được dùng để điều chỉnh hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều doanh nghiệp phải bỏ cuộc và chịu mất số tiền lớn do không đủ khả năng theo đuổi vụ việc.

Theo một luật sư, khởi nguồn từ “nguyên tắc vàng” của hợp đồng là tự do thỏa thuận, pháp luật của các nước trên thế giới cũng như các điều ước quốc tế đều mở ra cơ hội cho các bên chủ thể quyết định hệ thống pháp luật được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng của họ.

Nhìn vào các hợp đồng dân sự có yếu tố nước ngoài, ngoài những nội dung cơ bản được đề cập như mọi hợp đồng, đó là đối tượng, chất lượng, số lượng, giá cả, phương thức thanh toán... thì thường xuất hiện điều khoản luật áp dụng.

"Nhưng liệu hệ thống pháp luật được các bên thỏa thuận trong hợp đồng có “hợp pháp” hay không, nghĩa là có được cơ quan tài phán chấp nhận sử dụng khi giải quyết tranh chấp hay không mới là vấn đề chính yếu?", vị luật sư này đặt vấn đề.

Đối với Trọng tài nước ngoài, hiện có hai quan điểm về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án Việt Nam chỉ có thẩm quyền đối với Trọng tài Việt Nam, không có thẩm quyền đối với Trọng tài nước ngoài (vì được thành lập theo pháp luật nước ngoài). Quan điểm ngược lại cho rằng, Tòa án Việt Nam không chỉ có thẩm quyền đối với Trọng tài Việt Nam mà cả với Trọng tài nước ngoài khi địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.

Vị luật sư này nhận định thêm: "Với những doanh nghiệp nhỏ lẻ, có hợp đồng là sướng lắm rồi, nhưng đều thực hiện một chiều. Đây cũng là hệ luỵ của quá trình hội nhập".

Quá tin vào uy tín của ca sĩ Thu Minh

Ông Nguyễn Hữu Ngọc - đại diện công ty TNHH Gia Hân (đơn vị đang gửi đơn tố cáo ông Otto lừa đảo 20 tỷ đồng), cho biết: "Chúng tôi biết rõ những điều khoản bất cập trong hợp đồng, nhưng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gỗ này cạnh tranh rất gay gắt, để giành được một hợp đồng lớn không hề đơn giản. Do vậy, khi đặt bút ký hợp đồng với công ty Global Home chúng tôi chỉ dựa trên uy tín là chính chứ cũng chưa tham khảo luật sư về điều khoản trên".

Cũng theo ông Ngọc, công ty có yêu cầu phía Global Home ký kết thêm một hợp đồng tiếng Việt được dịch có công chứng từ bản tiếng Anh nhưng họ từ chối. Do vậy, công ty ông chỉ cho dịch hợp đồng sang tiếng Việt để tham khảo chứ không có một giá trị pháp lý nào.

"Khi hợp tác với nhau, chúng tôi nghĩ uy tín của cô ca sĩ Thu Minh cũng tốt nên chắc họ không thể làm gì sai để hạ thấp uy tín mình. Những lần giao hàng đầu tiên, đối tác thanh toán rất sòng phẳng, nhưng càng về sau thì họ càng đưa ra nhiều lý do không trả tiền và nhận số lượng hàng tồn kho", ông Ngọc nói thêm.

Phải chăng đây là lý do mà trên facebook của mình ca sĩ Thu Minh luôn "thách thức" các doanh nghiệp cứ mạnh dạn tố cáo chồng cô ra toà án?

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên