Chờ 2 năm mới khoe trang trại, NutiFood đang nuôi tham vọng gì?
Nói về sự cạnh tranh với những công ty sữa đã có vị thế tên tuổi trên thị trường, đặc biệt trong ngành sữa nước, bác sĩ Trần Thị lệ cho biết, khởi điểm là một công ty dinh dưỡng đặc trị nên nhiều người có lẽ đã quen với hình ảnh cũ, nhưng giờ đây chiến lược đã khác...
- 23-08-2020Blue Point mua lại Sữa Quốc tế, Vinamilk thâu tóm Sữa Mộc Châu, Nutifood ra mắt thương hiệu Nutimilk…: Một cuộc chơi mới sắp xuất hiện trên ngành sữa?
- 21-08-2020Sau 2 năm đổ nghìn tỷ vào trang trại bò sữa, NutiFood thu được gì?
Mới đây, NutiFood đã công bố ra mắt trang trại bò sữa NutiMilk sau 2 năm tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và phát triển đàn bò. Hơn 7.000 con bò sữa của trang trại này được nuôi theo quy trình thuận tự nhiên với thời gian ngủ nghỉ hợp lý và đã cho nguồn sữa với hàm lượng dinh dưỡng đạt 3.5g đạm và 4.0g béo trong 100ml, tương đương chất lượng sữa tươi ngoại nhập.
Mua lại trang trại của Hoàng Anh Gia Lai từ đầu tháng 7/2018 nhưng sau đó, NutiFood tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển đàn bò, tăng cường nguồn nhân lực chuyên môn cao cũng như áp dụng bộ tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, đến nay, sau 2 năm, trang trại bò sữa NutiMilk mới chính thức được công bố ra thị trường.
Theo bác sĩ Trần Thị lệ, Tổng giám đốc NutiFood, từ khi còn là Tổ hợp Đồng Tâm - tiền thân của NutiFood ngày nay, NutiFood luôn luôn hướng đến sự chắc chắn khi bắt tay vào làm bất cứ điều gì. Đó cũng là lý do vì sao đến nay qua hơn 2 năm kể từ khi mua lại trang trại của Hoàng Anh Gia Lai, NutiFood mới công bố ra mắt trang trại bò sữa NutiMilk. "Với dự án lần này, chúng tôi cũng muốn để mọi thứ được kiện toàn và chỉn chu rồi mới công bố", bác sĩ Lệ cho biết.
Cũng theo bác sĩ Lệ, là một công ty dinh dưỡng, NutiFood đặt sứ mệnh góp phần nâng cao giá trị dinh dưỡng cho người Việt, trong đó sữa là sản phẩm mũi nhọn và làm nên thương hiệu của NutiFood. Do đó, việc mua lại trang trại Hoàng Anh Gia Lai là để chủ động vùng nguyên liệu, phục vụ cho quá trình sản xuất xuyên suốt các sản phẩm của công ty, sẵn sàng đáp ứng tất cả nhu cầu dinh dưỡng của người Việt Nam. Đặt mục tiêu cao hơn từ trang trại này, NutiFood mong muốn sẽ cho ra đời một thế hệ sữa tươi có hàm lượng dinh dưỡng theo chuẩn cao của thế giới hiện nay là 3.5g đạm và 4.0g béo trên 100ml - như trang trại bò sữa NutiMilk đã làm được.
Để có được nguồn sữa chất lượng ngang chuẩn thế giới, trang trại bò sữa NutiMilk đã tận dụng tối đa các điều kiện sạch của thiên nhiên để xây dựng môi trường sống cho đàn bò với 5 yếu tố quan trọng gồm: nước sạch, đất sạch, cỏ sạch, nhiệt độ sạch và không khí sạch. Trong đó nước sạch là nước suối từ thượng nguồn, dùng làm nước uống và nước sinh hoạt cho bò. Đất sạch ở đây là đất đỏ bazan được tích tụ từ ngọn núi lửa triệu năm với rất nhiều vi chất để trồng cỏ cho bò. Cỏ sạch là giống cỏ Mombasa giàu dinh dưỡng, được trồng tự nhiên trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, không phun thuốc. Nhiệt độ sạch là nhiệt độ mát mẻ quanh năm, từ 21 đến 25 độ, rất lý tưởng cho bò sữa sinh sống. Và không khí sạch chính là nguồn không khí thuần túy từ cao nguyên, hoàn toàn tách biệt với cuộc sống con người.
Theo Tổng giám đốc NutiFood, trang trại được xây dựng theo chuẩn VietGap, chuẩn bị được công nhận chuẩn Global Gap. Mỗi con bò đều được gắn chíp theo sát theo công nghệ hiện đại của Israel để theo dõi sức khỏe, cứ 10 phút cập nhật một lần. Công ty cũng phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên Cứu Dinh Dưỡng Nutifood tại Thụy Điển để xây dựng khẩu phần phù hợp nhất cho giống bò được chăn nuôi tại trang trại bò sữa NutiMilk theo nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt trong từng giai đoạn phát triển.
Bên cạnh đó, công ty cũng chú trọng vào chất lượng sữa chứ không phải số lượng bởi rất nhiều nghiên cứu trong nước cũng như của các giáo sư đầu ngành chăn nuôi tại Mỹ đều cho thấy sản lượng tỷ lệ nghịch với chất lượng đạm và béo có trong sữa tươi. Tại trang trại bò sữa NutiMilk, bò mỗi ngày chỉ vắt 3 lần, 25 lít thay vì 28 lít/ngày, để cho ra lượng sữa có chất lượng tốt nhất chứ không vắt kiệt sức bò.
Nói về sự cạnh tranh với những công ty sữa đã có vị thế tên tuổi trên thị trường, đặc biệt trong ngành sữa nước, bác sĩ Trần Thị lệ cho biết, khởi điểm là một công ty dinh dưỡng đặc trị nên nhiều người có lẽ đã quen với hình ảnh NutiFood cùng các tên gọi quen thuộc như: sữa cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi, sữa cho trẻ béo phì, sữa dành cho người già, tiểu đường... Và đến nay, dòng sữa đặc trị ngày nào đã trở thành thương hiệu sữa trẻ em số 1 Việt Nam. NutiFood GrowPLUS+ đang dẫn đầu về thị phần doanh thu, với 22% thị phần, chênh lệch gấp 1,77 lần doanh nghiệp xếp kế tiếp, theo báo cáo thị trường mới nhất của Nielsen. Song trong chiến lược hiện nay, trang trại bò sữa NutiMilk mang sứ mệnh định vị hình ảnh NutiFood không chỉ mạnh về sữa đặc trị mà còn tiên phong cho ra đời dòng sữa tươi chất lượng cao chuẩn thế giới. Tổng giám đốc NutiFood tin rằng, mọi nỗ lực của trang trại bò sữa NutiMilk là xứng đáng và sẽ được nhiều khách hàng ủng hộ.
Bác sĩ Trần Thị Lệ cho biết thêm, việc định vị lại hình ảnh của NutiFood và muốn phát triển ngành sữa tươi là để đáp lại niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm của NutiFood cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Công ty sẽ không chạy theo số lượng mà chú trọng về chất lượng nên sẽ theo đuổi dòng sữa tươi cao cấp, hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo kế hoạch, trong tháng 9 tới, lô sữa tươi đầu tiên được sản xuất từ nguyên liệu của trang trại bò sữa NutiMilk sẽ chính thức được lên kệ tại siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc.
Bên cạnh tham vọng dẫn đầu phân khúc về ngành sữa tươi cao cấp, NutiFood còn muốn bứt phá xa hơn trên thị trường quốc tế, như lời bác sĩ Lệ nói là muốn cho thấy sữa tươi nói riêng và ngành chăn nuôi của Việt Nam nói chung ngang tầm với các nước trên thế giới.
Mục tiêu ấy của NutiFood cũng đang được thực hiện từng bước, với sự khởi đầu là việc chinh phục thành công tấm "visa" vào Mỹ khi được FDA cấp giấy chứng nhận cho dòng sản phẩm Pedia Plus và đưa sản phẩm lên kệ tại các siêu thị của Mỹ. Cột mốc quan trọng kế tiếp là NutiFood vừa trở thành thương hiệu sữa Việt Nam đầu tiên được "đại siêu thị" nổi tiếng nhất thế giới Walmart cấp phép phân phối hàng trong hệ thống khi sản phẩm của NutiFood đã "lên kệ" tại hơn 450 chi nhánh của chuỗi siêu thị này ở Trung Quốc.
Ngoài ra, NutiFood cũng đã xây dựng nhà máy sữa tại Thụy Điển để có được những sản phẩm dinh dưỡng organic chất lượng cao cung cấp cho Việt Nam và thị trường châu Âu, cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp này bước vào thị trường châu Âu – nơi đang rộng mở cánh cửa cho hàng hóa Việt Nam nói chung và sữa nói riêng khi Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với EU có hiệu lực từ đầu tháng 8 vừa qua.
Ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta thời gian qua phát triển với tốc độ khá nhanh khi mỗi năm đều tăng trưởng ở hai chữ số, thậm chí khoảng 2-3 năm gần đây còn tăng trưởng tới 97%. Hơn nữa, sữa của Việt Nam cũng có chất lượng rất tốt, mà bằng chứng là đã được xuất sang Trung Quốc chính ngạch với 4 công ty và 5 nhà máy. Một số công ty và nhà máy nữa vẫn tiếp tục đàm phán để xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này. Tới đây, ngành sữa còn nhiều cơ hội để vươn ra thị trường quốc tế, đặc biệt khi hiệp định EVFTA đi vào hiệu lực từ 01/8.
Tuy nhiên theo thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, nhìn chung ngành sữa Việt Nam đang có thực trạng là phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam còn quy mô nhỏ, trình độ công nghệ còn thấp, đổi mới sáng tạo còn hạn chế trong khi cơ chế chính sách chưa thu hút, hấp dẫn. Ngành sữa muốn có sản phẩm cạnh tranh, cả trong nước và lẫn xuất khẩu, thì cần theo một trục, một chuỗi khác biệt, đó là phải có đầu vào, chuẩn chế biến với trình độ công nghệ cao đạt an toàn thực phẩm và chất lượng như một số doanh nghiệp lớn đang làm.
Sự kiện NutiFood công bố trang trại cho sữa chất lượng quốc tế với hàm lượng đạm 3.5g và béo 4.0g trên 100ml, thứ trưởng Tiến cho rằng đây là một điều rất đáng tự hào, cho thấy doanh nghiệp đã đầu tư bài bản, đó cũng là một trong những thành tố rất quan trọng để ngành sữa Việt Nam bước chân vào thị trường châu Âu.
"Bộ đánh giá rất cao và cần phát huy hướng đi này để chúng ta khẳng định vị thế của ngành sữa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cũng như các doanh nghiệp khác, đồng thời với năng suất thì chúng ta phải quan tâm đến chất lượng. Chất lượng quyết định giá xuất khẩu. Trong những năm qua, NutiFood đã có quy trình đánh giá chặt chẽ các chỉ tiêu có trong sữa tươi, trong đó có 2 chỉ tiêu lớn đạt được tiêu chuẩn châu Âu là đạm và béo. Với thành quả như thế, tôi cho rằng doanh nghiệp này sẽ có lợi thế khi bước vào thị trường châu Âu. Đó cũng là một niềm tự hào của ngành chăn nuôi Việt Nam, niềm tự hào của ngành sữa Việt Nam", thứ trưởng nói.
Cũng theo đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để thu hút thêm được đầu tư vào ngành sữa, để ngành sữa có thể cạnh tranh và vươn xa hơn thì tới đây, ngành nông nghiệp cần có những đề nghị chính sách cụ thể cho các vùng khó khăn, tạo điều kiện môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, ví dụ như chính sách đất đai, đào tạo, chính sách thuế…
Nhịp sống kinh tế