Cho doanh nghiệp FDI vay vốn có thực chỉ là "lấy mỡ nó rán nó”?
Gần đây, câu chuyện các ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp FDI vay vốn lại “nóng” lên với hàng loạt ý kiến trái chiều.
Có ý kiến cho rằng việc ngân hàng Việt cho các doanh nghiệp FDI vay vốn sẽ là win – win tức các bên cùng có lợi. Về phía ngân hàng, khách hàng FDI đầu tư vào Việt Nam thường là các dự án tốt, có hiệu quả và ngân hàng cho họ vay có nghĩa tìm được người vay tốt để giao vốn. Đối với nền kinh tế, doanh nghiệp FDI vừa giúp tạo công ăn việc làm cho lao động nước sở tại, lại vừa tăng thêm mối quan hệ, cùng chia sẻ lợi nhuận với ngân hàng.
Trong khi đó về phía doanh nghiệp, họ cũng được lợi là dễ dàng tiếp cận vốn hơn. Thậm chí ngoài nguồn vốn được đáp ứng nhanh còn có thể được lợi nhờ các dịch vụ khác mà ngân hàng cung cấp.
Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng, cho các doanh nghiệp FDI vay vốn thì chẳng khác nào “lấy mỡ nó rán nó”, tức các doanh nghiệp đó sẽ tận dụng nguồn vốn của chính nước sở tại để thực hiện dự án chứ không đưa vốn từ nước ngoài vào như chúng ta vẫn tưởng. Thậm chí có chuyên gia còn cho rằng, việc cho vay vốn như vậy không chỉ làm chệch hướng mục tiêu kêu gọi đầu tư với khối FDI mà còn vô tình gây nên tình trạng cạnh tranh, giành giật vốn với các doanh nghiệp nội.
Đứng ở góc độ ngân hàng thương mại, một lãnh đạo ngân hàng nằm trong top 5 chia sẻ rằng để nhìn rõ được, mất của việc cho vay với ngân hàng FDI cần nhìn rõ đủ các khía cạnh.
Ông phân tích, doanh nghiệp FDI là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nghĩa là người nước ngoài bỏ vốn của mình vào đầu tư ở Việt Nam để kiếm lợi nhuận. Vốn FDI là nguồn vốn có lợi với bất kỳ quốc gia nào, đặc biệt với các quốc gia chậm phát triển vì nó góp phần cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Với các quốc gia chậm phát triển, việc gia tăng nguồn vốn FDI còn đem đến kỹ thuật và trình độ quản lý tiên tiến, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh chung của quốc gia. Chính vì vậy, các nước đều có những chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến nước mình đầu tư và tạo nên làn sóng cạnh tranh giữa các quốc gia trong kêu gọi đầu tư nước ngoài.
Với bất kỳ nhà đầu tư nào thì tối đa hóa lợi ích khi đầu tư bao giờ cũng là mục tiêu tối thượng của họ. Để tối đa hóa lợi ích thì nhà đầu tư thường dùng các cách thức, hoặc là tối thiểu vốn đầu tư bằng cách bỏ vốn tự có ít (để có thiệt hại thì thiệt ít); hoặc tận dụng chi phí nhân công và nguồn nguyên liệu giá rẻ; hoặc tận dụng quy chế tối huệ quốc mà các quốc gia phát triển dành cho quốc gia kém phát triển để thu lợi ích cao nhất; hoặc tạo ra giá bán sản phẩm ở mức tốt nhất có thể…
Trong câu chuyện về vốn đầu tư, trước đây khi mới mở cửa nền kinh tế, các nhà đầu tư nước ngoài phải có nguồn vốn đủ đảm bảo đầu tư xây dựng và vốn lưu động phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh bởi khi đó hệ thống ngân hàng chưa phát triển, chưa có cơ chế cho vay doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài nên nhà đầu tư nước ngoài muốn vay cũng không được.
Khi ấy, nhà đầu tư nước ngoài đứng trước thực trạng: có lời thì hưởng trọn không phải chia lãi cho ngân hàng Việt Nam (vì đâu có vay), nhưng nếu có rủi ro môi trường đầu tư thì họ sẽ mất trắng. Để khắc phục rủi ro này, họ phải mua bảo hiểm đầu tư và chi phí cho khoản bảo hiểm này không hề nhỏ. Mặt khác do là nhà đầu tư nước ngoài lại không dính dáng gì đến kinh tế với bất cứ doanh nghiệp nào của nước sở tại nên họ sẽ dễ bị phân biệt đối xử bởi tâm lý "người ngoài".
Nhưng ngày nay, khi hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) của Việt Nam phát triển, nguồn vốn cũng tăng lên, vốn bằng ngoại tệ nhiều hơn trước, lãi suất cũng không cao so với các nước đang thu hút vốn FDI, và các ngân hàng hiện nay cũng có nhu cầu cho vay doanh nghiệp FDI (thực tế các NHTM lớn đều có một mảng chuyên dành phục vụ khách hàng FDI). Nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy rằng nếu chỉ sử dụng một phần vốn của mình mang vào Việt Nam, phần còn thiếu vay NHTM Việt Nam thì lợi ích trước mắt đã thấy đó là chi phí bảo hiểm vốn đầu tư đã ít đi nhiều, nếu rủi ro có mất vốn thì chỉ mất phần nhỏ, họ vay ngân hàng Việt Nam là chấp nhận chia sẻ lợi nhuận nhưng còn có cái lợi là gắn lợi ích của họ với ngân hàng Việt Nam, vì vậy để đảm bảo khả năng trả nợ thì chính sách của Việt Nam phải có lợi chung cho cả doanh nghiệp FDI.
Hơn nữa, cũng theo vị giám đốc ngân hàng này phân tích, khi doanh nghiệp FDI vay vốn của ngân hàng Việt trong bối cảnh hệ thống luật pháp của Việt Nam còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, nên trách nhiệm pháp lý, xử lý rủi ro khi không trả được nợ sẽ kéo dài thời gian, ít khả năng bị xử phạt (trốn thuế, chuyển giá do khai man, ô nhiễm môi trường...); bởi dính vào quyền lợi của NHTM Việt Nam thì nhiều khả năng khi bị "xử phạt" cũng sẽ được chiếu cố... từ đó để họ có quỹ thời gian xoay chuyển tình huống có lợi cho mình. Cho nên, trừ các dự án đầu tư lớn, thì xu hướng vay ngân hàng thương mại trong nước của các DN FDI sẽ ngày càng phổ biến
Bên cạnh đó, việc các NHTM trong nước tham gia cho vay ngày càng nhiều với doanh nghiệp FDI cũng là một thực tế không thể ngăn cản. Và đây cũng là một việc làm mà các nước đang thu hút nguồn vốn FDI phải khuyến khích vì nó gia tăng tính cạnh tranh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia với nhau.
Còn những tác hại của việc không kiểm soát chất lượng của các dự án đầu tư FDI trong vấn đề nhập thiết bị lạc hậu, để bị chuyển giá, thất thu thuế... thì đó là việc làm của cơ quan quản lý nhà nước phải đề ra chính sách nhằm sàng lọc các dự án đầu tư nước ngoài phải phù hợp với chiến lược phát triển của nền kinh tế quốc gia, chứ không như trước đây dự án nào của nước ngoài cũng cấp phép.