MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chờ một kỳ họp Quốc hội tranh luận và kiến tạo

25-08-2016 - 09:40 AM | Xã hội

Một đại biểu Quốc hội không thể chỉ đứng lên đọc văn bản là xong mà cần thảo luận, tranh luận, song thực tế “màu sắc tham luận” vẫn là chủ yếu.

Yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội luôn được đặt ra và quá trình thực hiện đã đạt được những kết quả rất tích cực, được cử tri và nhân dân ghi nhận. Song, tính thảo luận, tranh luận tại mỗi kỳ họp Quốc hội là điều vẫn còn thiếu khiến “sức nóng” nghị trường từ những “va chạm” ý kiến trước các quyết sách có phần chưa đạt.

Cũng vì lẽ đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi nhậm chức đã gửi đi thông điệp xây dựng một Quốc hội thực sự đoàn kết, sáng tạo và hành động . Trong đó nhấn mạnh tiếp tục đổi mới để chuyển từ một Quốc hội tham luận sang thảo luận, tranh luận và "không đánh trống bỏ dùi".

Người đứng đầu Quốc hội thừa nhận, với cách thức như hiện nay, thời gian phát biểu trên hội trường chỉ có 7 phút trong khi không phải ai cũng có kỹ năng “nói vo” thì việc các đại biểu chuẩn bị bài phát biểu là cần thiết, thực tế rất nhiều bài viết chuẩn bị tốt, nhưng vẫn mang màu sắc tham luận, do đó cần khuyến khích tinh thần tranh luận và thảo luận.

Vẫn biết rằng tăng cường thảo luận, tranh luận sẽ làm sáng tỏ hơn để tìm giải pháp phù hợp cho những vấn đề đặt ra trên nghị trường; giúp cho việc xem xét, quyết định vấn đề hệ trọng quốc gia, quốc kế dân sinh chính xác và khách quan hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn và lợi ích chính đáng của cử tri. Tuy nhiên, để có thảo luận và tranh luận lại là vấn đề khó, bởi đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có quy trình hoạt động và vai trò người đại biểu.

Nhiều ý kiến đã từng đề nghị, để tranh luận tại Quốc hội hiệu quả, trước hết phải lựa chọn vấn đề. Với thời lượng hạn chế tại kỳ họp, việc tập trung vào những vấn đề cụ thể, quan trọng sẽ giúp việc tranh luận, thảo luận đi đến cùng trong mỗi phiên thảo luận, chất vấn, các phiên giải trình. Điều này đòi hỏi cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội cần tổng hợp những vấn đề quan trọng nhất mà cử tri quan tâm.

Đại biểu Trần Du Lịch – người có nhiều phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, cuối nhiệm kỳ đã tâm tư vì mỗi lần thông qua một dự án luật, với quy trình như hiện nay thì “không bấm nút không được, bấm nút thì ấm ức”. Lý do mà vị đại biểu này đưa ra là do các đại biểu như ông không được đối thoại trực tiếp với ban soạn thảo, chỉ được nghe báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nghe xong thì đồng ý hay không cũng không được đối thoại lại. Muốn phiên họp có chất lượng thì tranh luận phải đi đến cùng, song theo ông, với cách thức hiện nay thì trước một vấn đề quan trọng, khi đại biểu muốn nói cũng khó.

Nói đến chất lượng tranh luận, thảo luận thì không thể không nói đến kỹ năng của từng đại biểu. Nhìn lại các kỳ họp Quốc hội có thể thấy tình trạng đại biểu cầm văn bản đọc từ đầu đến cuối vẫn phổ biến. Bên cạnh nhiều bài được chuẩn bị tốt, có sự nghiên cứu, lập luận về vấn đề mình quan tâm thì vẫn còn nhiều bài viết như chép lại “bối cảnh, tình hình, thực trạng” đã được nêu rất rõ trong các báo cáo, tờ trình của Chính phủ và cơ quan của Quốc hội.

Điều đó cũng lý giải một phần tại sao số đại biểu đăng ký phát biểu nhiều, song những ý kiến được báo chí trích dẫn đăng tải và phóng viên “tìm” gặp để phỏng vấn chỉ tập trung vào một số đại biểu “quen mặt”. Do đó, để có những ý kiến, lập luận sắc bén, thuyết phục thì đại biểu cần thu thập thông tin đầy đủ và có bản lĩnh để thể hiện và bảo vệ ý kiến đúng, vì lợi ích chung, vì quyền lợi hợp pháp của cử tri.

Quốc hội khóa XIV chuẩn bị bước sang kỳ họp thứ 2 – một kỳ họp được xem là mốc lịch sử với nhiều quyết sách của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất khởi đầu cho việc thực hiện các nhiệm vụ trước mắt cũng như cho cả nhiệm kỳ. Yêu cầu trách nhiệm “mổ xẻ” mọi vấn đề một cách thấu đáo trước khi ấn nút đối với những đại biểu do dân bầu ra vì thế cũng cao hơn.

35% trong tổng số đại biểu đăng ký phát biểu tại phiên thảo luận hội trường tại Kỳ họp thứ nhất là những người lần đầu tham gia nghị trường đem đến tín hiệu tích cực cho một khoá Quốc hội mới. Những kỳ họp tới, cử tri hy vọng, từ thông điệp của Chủ tịch Quốc hội, bên cạnh đổi mới quy trình, các đại biểu sẽ thảo luận, tranh luận sôi nổi, sâu sắc trước khi quyết định các vấn đề quốc kế dân sinh, bớt đi hình ảnh cầm văn bản đọc liền mạch rồi ngồi xuống sau tín hiệu báo 7 phút đã trôi qua, mà sau đó không có thêm một lần ấn nút để trao đổi lại. Bởi như ý kiến của một vị đại biểu từng nói trên diễn đàn Quốc hội: " Thiếu bản lĩnh, sợ va chạm thì sao xứng đáng là đại biểu của dân ".

Theo Ngọc Thành

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên