Cho vay ngang hàng: Nhận diện tiềm năng, rủi ro
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động cho vay ngang hàng đặt ra yêu cầu cấp thiết về giám sát và quản lý
- 23-09-2018Cho vay ngang hàng: Nhìn Trung Quốc mà tự cảnh báo cho ta
- 06-08-2018Cẩn trọng với cho vay ngang hàng
- 23-07-2018Dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P): Tiềm ẩn quá nhiều rủi ro
Tiềm năng lớn
Trong hai ngày 24-25/9 tại Hà Nội, NHNN phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Vinacapital tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về cho vay ngang hàng (P2P lending) và khuôn khổ pháp lý thử nghiệm trong lĩnh vực Fintech”.
Ảnh minh họa |
Phát biểu tại hội thảo, bà Dương Nguyễn - chuyên gia kinh tế khu vực tài chính, Vụ Đông Nam Á của ADB đưa ra một thông tin đáng chú ý: Thị trường cho vay P2P toàn cầu ước tính sẽ có mức tăng trưởng lên tới 53%/năm và có thể đạt tới giá trị 490 tỷ USD vào năm 2020. Riêng tại Trung Quốc giai đoạn 2014-2017, dư nợ cho vay P2P đã đạt xấp xỉ 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Nhìn từ phía cung, những tiến bộ nhanh chóng của khoa học công nghệ, internet, thiết bị di động và đặc biệt là dữ liệu lớn đã khuyến khích sự ra đời và phát triển nhanh chóng của các sàn P2P lending trong những năm gần đây nhằm tiếp cận các đối tượng khách hàng chưa hoặc khó tiếp cận được khu vực ngân hàng với các cách thức cho vay truyền thống.
Trong khi đó về phía cầu, sự thay đổi về cơ cấu dân số học, đặc biệt là thế hệ Y – là thế hệ trẻ rất sẵn sàng thích ứng với công nghệ mới và mong muốn được cung cấp các dịch vụ tài chính thuận lợi và nhanh chóng hơn nên dễ dàng chấp nhận các sản phẩm, dịch vụ mới như P2P lending. Bên cạnh đó, với khả năng vay mượn dễ dàng và nhanh chóng hơn, có thể vay tín chấp mà không cần tài sản đảm bảo... cũng là những yếu tố khiến nhu cầu vay qua hình thức này tăng lên nhanh chóng.
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo, P2P lending có tiềm năng phát triển rất lớn, giúp các cá nhân và tổ chức (đặc biệt là các DN nhỏ, siêu nhỏ) tiếp cận tài chính và qua đó góp phần quan trọng giúp các quốc gia trong nỗ lực phát triển tài chính toàn diện. Đồng thời, các công ty tham gia P2P lending góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính trong kỷ nguyên số hóa.
Rủi ro và yêu cầu khuôn khổ pháp lý
Tuy nhiên, rủi ro trong cho vay P2P lending cũng rất lớn như khách hàng vay có thể không trả nợ, rủi ro xuất hiện các sàn, công ty cho vay P2P được dựng lên để lừa đảo, gom tiền của nhà đầu tư rồi “biến mất”... Trên thực tế đã có những vụ đổ vỡ diễn ra.
Trước những rủi ro như vậy, nhiều nước đã nghiên cứu, đưa ra các khuôn khổ chính sách để giám sát và quản lý đối với hoạt động P2P lending. Như tại Trung Quốc, sau một thời gian mọc lên “như nấm sau mưa” (giai đoạn trước năm 2016) đã có rất nhiều DN P2P lending sụp đổ bởi thực tế có nhiều DN lợi dụng hoạt động này để lừa các nhà đầu tư.
Thậm chí theo nghiên cứu của ông Maurizio - Giám đốc công ty Finetiq Ltd, có tới hơn 95% các dự án P2P lending ở nước này là giả mạo và điều đó đã thúc đẩy cơ quan có trách nhiệm phải có các quy định và chính sách để quản lý loại hình cho vay này.
Theo đó, đến tháng 8/2016, Chính phủ Trung Quốc đã quy định các biện pháp tạm thời quản lý hoạt động kinh doanh của các trung gian thông tin cho vay ngang hàng. Tiếp đó đến tháng 12/2017, NHTW Trung Quốc (PBoC) và Ủy ban Quản lý ngân hàng Trung Quốc cùng ban hành các quy định mới đối với P2P lending. Các quy định quản lý được đưa ra đã khiến số DN P2P lending giảm nhanh chóng, từ khoảng 3.500 DN xuống chỉ còn 1.600 DN như hiện nay.
Hiện một số nước ASEAN cũng đã ban hành hoặc đang có nghiên cứu và hoàn thiện để ban hành khuôn khổ quy dịnh về P2P lending. Đơn cử, hoạt động P2P lending được Cơ quan quản lý tiền tệ Singapore (MAS) quy định trong Luật Chứng khoán và hợp đồng phái sinh và Luật tư vấn tài chính; NHTW Thái Lan năm 2016 đã ban hành Cẩm nang triển khai Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm cho vay P2P; Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính (OJK) của Indonesia đã ban hành các quy định về cho vay P2P vào năm 2017. Thậm chí mới đây, OJK còn công bố một danh sách khoảng 200 DN P2P lending bất hợp pháp đang hoạt động tại nước này...
Theo ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Chủ tịch Tập đoàn NextTech, những bài học như ở Trung Quốc hay Indonesia như trên cho thấy, Việt Nam cần sớm nghiên cứu có các quy định pháp lý để tạo điều kiện cho các DN cho vay P2P được thí điểm.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, mục đích của hội thảo là nhằm giúp các đơn vị tham mưu thuộc NHNN, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và các NHTM hiểu biết sâu sắc hơn về thực tiễn hoạt động cho vay ngang hàng hiện nay trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam, xu hướng phát triển, những lợi ích, rủi ro và đặc biệt là cơ chế, chính sách, quy định quản lý hoạt động cho vay ngang hàng tại một số nước trong khu vực.
Phó Thống đốc cũng khẳng định, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, NHNN nhận thức được những lợi ích và rủi ro tiềm tàng của hoạt động này và đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm, các rủi ro và các vấn đề liên quan, đặc biệt là khía cạnh bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động cho vay ngang hàng.
“Hiện nay, các đơn vị chuyên môn của NHNH đang nỗ lực nghiên cứu các mô hình cho vay ngang hàng trên thế giới, kinh nghiệm quản lý, giám sát hoạt động này của các nước với mục đích cuối cùng là xây dựng một khuôn khổ pháp lý để phát huy những mặt tích cực của sản phẩm dịch vụ này, đồng thời phòng ngừa và giảm thiểu các rủi ro và tác động tiêu cực đến các chủ thể tham gia, đảm bảo an toàn cho người dân và DN, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam”, Phó Thống đốc thông tin.
Thời báo ngân hàng