Cho vay ngang hàng: Tiềm ẩn tín dụng đen
Thời gian gần đây, mô hình cho vay ngang hàng P2P (Peer to Peer Lending) - sử dụng công nghệ thông tin kết nối người có vốn và người cần vốn mà không cần qua ngân hàng đang nở rộ tại Việt Nam.
Đây là mô hình kinh tế chia sẻ ra đời tại Anh năm 2005 và trở nên phổ biến tại Mỹ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 với các tên tuổi lớn như Lending Cub, Prosper... Trong 10 năm qua, mô hình này đã nhanh chóng lan ra toàn thế giới với gần 4.000 doanh nghiệp.
Cho vay không cần gặp mặt
Gần đây, giới sinh viên, tiểu thương truyền tai nhau cách vay vốn không cần thế chấp, không cần gặp mặt, chỉ trong vòng 1 giờ là có tiền ngay. Chị Nguyễn Thị Thịnh (20 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết: “Đây là hình thức cho vay nhanh qua điện thoại, chỉ cần tải app (ứng dụng) về máy là sử dụng thôi. Giấy tờ, hồ sơ đăng ký vay đều làm online hết, tiền thì chuyển qua ngân hàng nên rất tiện lợi. Ngồi ở Sài Gòn nhưng vay tiền tận Hà Nội là bình thường”.
Theo tìm hiểu, đây là hình thức vay P2P mới du nhập vào Việt Nam. Hiện có hàng chục website như: tima.vn, doctordong.vn, huydong.com, canvaytien.info, SHA, Mobivi… hoạt động rầm rộ.
Các đơn vị này có vai trò trung gian, thông qua công nghệ thông tin để làm cầu nối giữa người cho vay (còn gọi là nhà đầu tư-NĐT) và người cần vay. Đây là hình thức kinh doanh giống như Grab, Uber. Toàn bộ quá trình đăng ký, thẩm định, cho vay… đều trực tuyến và thời gian hoàn tất (từ lúc vay đến giải ngân) chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn.
Trên các trang web này, có đầy đủ những dịch vụ của các ngân hàng như vay cầm cố tài sản, vay tín chấp theo lương, vay theo hộ khẩu, vay theo hóa đơn điện nước, vay trả góp theo ngày, vay theo đăng ký xe máy, đăng ký ô tô, cầm ô tô, vay mua ô tô trả góp... Phổ biến nhất là những khoản vay từ 1-30 triệu đồng trong thời gian 30 ngày, nếu hết hạn mà vẫn chưa trả được thì phải nộp phạt để được gia hạn thêm.
Sau khi đăng ký thông tin vay vốn trên trang web Tima.vn, PV được yêu cầu gửi qua Zalo hoặc Facebook gồm bản chụp chứng minh nhân dân, cà-vẹt xe, thẻ sinh viên… Lãi suất phải trả cho công ty là 18%/năm chưa bao gồm phí tư vấn. Ví dụ vay 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày phải trả cả gốc lẫn lãi là 11,5 triệu đồng.
Làm việc trực tiếp với đối tác (NĐT) của Tima, tôi gặp một cô gái còn khá trẻ, giới thiệu mình là nhân viên một công ty tài chính đang đi tìm khách. Lãi suất người này đưa ra là 25%/năm. “Chị hên mới gặp em đó. Đi vay, nếu gặp NĐT là công ty tài chính, ngân hàng thì chị có thể yên tâm. Nếu gặp phải NĐT là dân cho vay “tín dụng đen” chuyên nghiệp, hay công ty cầm đồ trá hình thì lãi suất rất cao. Chẳng mấy chốc mà chị thành con nợ trả hoài không hết” – người này rỉ tai.
Phí gấp 5 lần lãi
Liên hệ vay tiền tại web vaymuon.vn, nhân viên tư vấn cho biết lãi suất trả cho NĐT là 1,5%/tháng, cộng thêm 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Lãi suất và phí này có thể thay đổi theo từng thời điểm. Phí phạt quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn cộng với phí giới thiệu, thu xếp, kết nối và quản lý khoản vay. Trong trường hợp người vay không trả nợ, công ty và NĐT được quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thu hồi nợ bao gồm: công bố thông tin rộng rãi, bán nợ cho bên thứ ba hoặc kiện ra tòa dân sự.
Theo tìm hiểu, tùy theo hình thức mà số tiền được duyệt vay tại vaymuon.vn khác nhau. Nếu vay theo bảng lương thì tối đa được 10 triệu đồng, vay theo thẻ sinh viên thì tối đa được 5 triệu đồng... Ví dụ, nếu vay 2 triệu đồng trong thời gian 30 ngày, tổng số tiền sẽ trả là 2,15 triệu đồng; vay 5 triệu đồng trong thời gian 30 ngày thì gốc và lãi lên 5,375 triệu đồng... Trong đó, phía NĐT bỏ ra 5 triệu đồng cho vay chỉ nhận được tiền lãi 75.000 đồng; còn lại 300.000 đồng là phí. Tính ra, phí cao gần gấp 5 lần lãi suất.
Trong khi đó, Tima.vn lại trực tiếp môi giới người vay với NĐT. Hai bên tự kết nối và tự thỏa thuận về lãi suất và các thủ tục liên quan. Trong vai người muốn đầu tư vốn vào Tima, nhân viên ở đây cho biết sẽ gửi hồ sơ khách hàng đến NĐT, mỗi hồ sơ NĐT nhận được sẽ trả cho Tima 20.000 đồng/bộ hồ sơ. “Công ty mình chỉ là sàn giao dịch, môi giới cho 2 bên gặp nhau” – nhân viên cho biết.
Chưa cấp phép, vẫn hoạt động
Theo quy định hiện hành, chỉ các tổ chức tín dụng mới được phép huy động và cho vay vốn. Tuy nhiên, loại hình P2P vẫn nằm “ngoài vòng pháp luật”. NHNN cũng chưa cấp phép cho công ty nào hoạt động trong lĩnh vực này.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng – TS Nguyễn Trí Hiếu các công ty này không phải là tổ chức tín dụng để chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng bản chất hình thức hoạt động của các công ty này có nơi là huy động và cho vay, có nơi là môi giới về tiền tệ thì lại chịu sự quản lý của NHNN. Tuy nhiên kiểu vay này rất rủi ro với người đi vay.
“Các doanh nghiệp làm trung gian kết nối chỉ cần đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp, không giữ tiền, không tham gia quá trình giải ngân thì không vi phạm quy định về lĩnh vực cho vay tài chính. Hoạt động này mang lại lợi ích khi tạo kết nối cho hai bên có nhu cầu gặp nhau. Tuy nhiên, rủi ro cho người vay rất lớn vì hình thức này không chịu sự quản lý của nhà nước, NĐT có thể cho vay ở bất cứ điều kiện, lãi suất nào nếu chẳng may gặp phải tín dụng đen trá hình” – ông Hiếu phân tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh TPHCM lại cho hay: “Chúng tôi mới nghe đến hình thức vay như thế này. NHNN chưa cấp phép cho hình thức này nên chưa thể quản lý”.
Mới đây, chị Lê Thị Minh (ngụ tại Q.Tân Phú, TPHCM) kêu cứu vì vướng đường dây vay nặng lãi khi vay dạng P2P. Chị vay 18 triệu đồng với lãi suất ghi là 2,99%/tháng, dù đã trả được 7 tháng (1 triệu đồng/tháng) nhưng số nợ vẫn còn gần 14 triệu đồng. Chị khiếu nại với NĐT thì mới vỡ lẽ bị tính lãi suất theo dư nợ ban đầu chứ không phải theo dự nợ giảm dần, nên lãi suất thực tế là gần 4%/tháng.
Tiền phong