MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng

05-04-2023 - 16:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Sáng nay (5/4), Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).


Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Liên quan đến các quy định về tài sản, tài chính của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (Chương VI), về hoạt động tín dụng nội bộ (Điều 79, Điều 83), một số ý kiến cho rằng hoạt động tín dụng nội bộ tiềm ẩn rủi ro khi trình độ quản lý tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không tương thích. Do đó, cần thiết bổ sung các quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW; đề nghị làm rõ hoạt động tín dụng nội bộ có phải là hoạt động ngân hàng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật các Tổ chức tín dụng hay không và đề nghị bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc, làm cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết về tín dụng nội bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý, tăng khả năng tiếp cận vốn trong hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thực hiện chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Hướng dẫn thực hiện hoạt động tín dụng nội bộ tại các tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện” và tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc quy định về hoạt động tín dụng nội bộ tại dự thảo Luật là cần thiết vì thực tế thành viên hợp tác xã có huy động tín dụng nội bộ, nhưng việc huy động này chưa được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và có thể gây nhầm lẫn với hoạt động tín dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với các cơ quan, trong đó có Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu rà soát, chỉnh lý tại Điều 83, thay đổi thuật ngữ “hoạt động tín dụng nội bộ” thành “hoạt động cho vay nội bộ”; quy định cho vay nội bộ là việc hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho thành viên chính thức vay trong thời hạn không quá 12 tháng nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống trên nguyên tắc tự nguyện, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận, phải bảo toàn vốn, có hoàn trả và bù đắp đủ các khoản chi phí của hoạt động cho vay nội bộ. Đồng thời khẳng định hoạt động cho vay nội bộ không phải là hoạt động ngân hàng theo Luật các Tổ chức tín dụng.

Bổ sung tại khoản 2 Điều 83 quy định về điều kiện của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thực hiện hoạt động cho vay nội bộ, trong đó có điều kiện hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cho vay nội bộ khi đã bảo đảm nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; không sử dụng nguồn vốn huy động trong và ngoài thành viên để thực hiện hoạt động cho vay nội bộ. Tại khoản 3 Điều 83 giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thực hiện hoạt động cho vay nội bộ, mức cho vay, giới hạn cho vay, lãi suất cho vay nội bộ và điều kiện thực hiện hoạt động cho vay nội bộ. Đối với hoạt động huy động vốn từ các thành viên đã được quy định tại khoản 1 Điều 79.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng bên cạnh việc cho phép thực hiện hoạt động cho vay nội bộ tại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có đủ điều kiện thì cũng cần tính toán thêm về các giải pháp để phát huy vai trò của Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ tín dụng nhân dân đối với việc tạo các điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Mai Văn Hải thống nhất cao với dự án Luật Hợp tác xã sửa đổi. Để hoàn thiện dự án Luật, góp ý về chính sách, nguyên tắc thực hiện chính sách tại điều 17, đại biểu thống nhất với 3 nguyên tắc như dự thảo Luật. Tuy nhiên, để tránh việc trục lợi chính sách và hưởng chính sách 2 lần, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị có thêm một nguyên tắc: Đối với tổ hợp tác và hợp tác xã chỉ hưởng một lần đối với một chính sách.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, đại biểu cho rằng đây là vấn đề mới so với Luật Hợp tác xã năm 2012 và nhận thấy quỹ này rất cần thiết để hỗ trợ cho vay ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, bảo lãnh đầu tư. Tuy nhiên đề nghị quỹ này nên giao cho Liên minh Hợp tác xã quản lý đối với quỹ cấp trung ương và giao cho Liên minh Hợp tác xã ở tỉnh đối với quỹ ở cấp tỉnh và quỹ này không vì mục đích lợi nhuận.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) thì đề nghị cần bổ sung điều khoản cụ thể về chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, vì cho rằng việc thể chế hóa 8 chính sách từ Nghị quyết số 20-NQ/TW đã được thể hiện tương đối rõ, tuy nhiên các chính sách còn dàn trải, phân tán, cào bằng, chưa nhấn mạnh đến tính đặc thù của các loại hình hợp tác xã, hợp tác xã nông nghiệp. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung thêm điều, khoản quy định cụ thể về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về vấn đề tổ hợp tác, đại biểu cho rằng đây không phải là nội dung mới, trong thực tế cũng đã được triển khai rộng rãi, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Việc quy định nội dung này trong dự thảo Luật là cần thiết để xác định rõ địa vị pháp lý của các tổ hợp tác, làm căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế cho Nghị định 77 về tổ chức hợp tác đang còn nhiều bất cập.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh) thì đề nghị dự thảo Luật cần tạo điều kiện để hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhấn mạnh hợp tác xã nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn nhưng theo đại biểu, việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp còn nhiều hạn chế, khó khăn như quy mô nhỏ, năng lực quản lý hạn chế, thiếu vốn và nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh, lợi ích đem lại cho thành viên thấp, sức thu hút còn kém.

 Do vậy, đại biểu cho rằng dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) lần này cần tạo điều kiện để hợp tác xã nông nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập, không hạn chế tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã ra bên ngoài, bảo đảm môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng với doanh nghiệp, khuyến khích hợp tác xã mở rộng sản xuất, kinh doanh khi ra thị trường…

Theo Dương Công Chiến

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên