MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Choáng với turbine gió ngoài khơi mạnh nhất thế giới của Trung Quốc vừa xuất xưởng: Cánh 126m, quét qua diện tích hơn 7 sân bóng, đủ điện cả năm cho 40.000 hộ mà vẫn tiết kiệm 20.000 tấn than

17-11-2023 - 12:15 PM | Tài chính quốc tế

Nguồn: CFP

Nguồn: CFP

Chưa dừng lại ở đó, một số công ty Trung Quốc đang đưa ra các mẫu turbine gió ngoài khơi lớn hơn để chạy đua sản xuất năng lượng sạch.

Mới đây, turbine gió ngoài khơi mạnh nhất thế giới với công suất 18 MW đã được hoàn thiện và vận chuyển khỏi dây chuyền sản xuất ở Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến, phía đông Trung Quốc.

Tính đến hiện tại, đây là turbine gió ngoài khơi truyền độc trực tiếp có công suất và cánh quạt lớn nhất thế giới. Với hơn 30.000 bộ phận bên trong, turbine gió có cánh quạt dài 126 mét, quét qua diện tích 53.000 mét vuông, tương đương với 7,5 sân bóng đá tiêu chuẩn. Turbine này được xây dựng cho các vùng biển có vận tốc gió 10 mét/giây và có thể chịu được sức gió bão đến 80 mét/giây.

Tổng giám đốc Ge Hongbing của công ty Dongfang Electric Wind Power Co. cho biết vì đây là turbine dẫn động trực tiếp nên dễ vận hành, không cần bảo trì thường xuyên và có khả năng sản xuất điện năng lớn. Vì thế, chúng sẽ được đưa đến những vùng biển xa.

Choáng với turbine gió ngoài khơi mạnh nhất thế giới của Trung Quốc vừa xuất xưởng: Cánh 126m, quét qua diện tích hơn 7 sân bóng, đủ điện cả năm cho 40.000 hộ mà vẫn tiết kiệm 20.000 tấn than - Ảnh 1.

Nguồn: CMG

Một turbine gió đơn lẻ có thể đạt công suất 18 MW trong môi trường có vận tốc gió trung bình 10 mét/giây. Sau mỗi vòng quay, nó sẽ tạo ra 38 kWh điện và sản xuất được 72 triệu kWh điện sạch hàng năm. Lượng điện này đủ để phục vụ nhu cầu hàng năm của 40.000 hộ gia đình.

Năng lượng sạch mà turbine gió ngoài khơi lớn nhất thế giới tạo ra có thể giúp giảm tiêu thụ hơn 20.000 tấn than và giảm 55.000 tấn khí thải CO2.

Trong năm nay, turbine gió 18 MW dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt và lắp đặt tại các khu vực ven biển phía đông nam Trung Quốc.

Các bộ phận chính của turbine như cánh quạt, rotor, máy phát diện, bộ chuyển đổi và máy biến áp đều được sản xuất trong nước.

So với turbine gió trong đất liền, turbine ngoài khơi đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn và có chi phí nghiên cứu phát triển đắt hơn. Còn so với các thiết kế trước đây, turbine gió mới được chế tạo bằng công nghệ mới có thể hoạt động ổn định hơn trong môi trường ngoài khơi phức tạp.

Cho đến nay, Trung Quốc là nước sản xuất turbine gió lớn nhất thế giới và chiếm một nửa sản lượng toàn cầu. Nước này đã xây dựng hơn 20 trang trại điện gió ngoài khơi với tổng công suất của turbine từ 6 MW – 18 MW.

Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang không ngừng nỗ lực để phát triển năng lượng tái tạo trong nước. Hàng loạt công ty công bố những mẫu turbine gió rất lớn. Vào tháng 10, nhà sản xuất MingYang Smart Energy của Trung Quốc đã tung ra mẫu turbine gió ngoài khơi mới với công suất lên tới 22 MW.

Công ty kỳ vọng nó sẽ là turbine gió mạnh nhất với cánh quạt đường kính 310 mét và được thiết kế cho khu vực có điều kiện gió trung bình là 8,5 mét/giây – 10 mét/giây. Mingyang cho biết turbine này sẽ được phát triển từ năm 2024 đến 2025.

Theo CGTN, Offshorewind

Anh Dũng

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên