MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chọn đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán để tránh sự hỗn loạn thị trường?

Chọn đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán để tránh sự hỗn loạn thị trường?

FLC và Tân Hoàng Minh đang gây chấn động và tác động lớn đến thị trường chứng khoán (TTCK) và ngành bất động sản, gây là nhiều biến động khó lường trước. Để tránh được rủi ro và đầu tư sinh lời tốt, nhà đầu tư nên chọn bất động sản hay chứng khoán khi nền kinh tế có nhiều bất ổn trong đại dịch Covid-19?

Theo Investopedia, quyết định đầu tư vào bất động sản hay chứng khoán là một lựa chọn cá nhân, phụ thuộc vào tình hình tài chính, khả năng chấp nhận rủi ro, mục tiêu và phong cách đầu tư. Bất động sản và chứng khoán đều có những rủi ro và cơ hội khác nhau.

Theo Giám đốc điều hành của Công ty Fintech - công ty hàng đầu châu Á trong lĩnh vực bất động sản, ông Vikram Chari, bất động sản và TTCK đã, đang, và sẽ tiếp tục là hạng mục đầu tư được ưa chuộng trên toàn cầu.

"Trong thời điểm có tính biến động lớn, có nhiều đợt bùng dịch Covid-19 xảy ra, các nhà đầu tư muốn phân bổ nhiều hơn vào các danh mục đầu tư khác nhau, đặc biệt lựa chọn đầu tư an toàn và tương đối ít biến động", ông Vikram Chari chia sẻ.

Bất động sản không có tính thanh khoản cao như cổ phiếu và có xu hướng cần nhiều tiền và thời gian hơn. Nhưng bất động sản mang lại nguồn thu nhập thụ động và tiềm năng tăng giá đáng kể. Trong khi đó, cổ phiếu phải chịu rủi ro về thị trường, kinh tế, lạm phát và giá dễ bị biến động, nhưng không đòi hỏi phải có nhiều tiền, thường có thể dễ dàng mua và bán.

Đối với nhiều nhà đầu tư, bất động sản hấp dẫn vì đây là tài sản hữu hình có thể kiểm soát được, và có thêm lợi ích bổ sung. Tuy nhiên, bất động sản không phải là tài sản dễ dàng thanh lý và không thể thành tiền mặt ngay lập tức.

Bên cạnh đó, đối với nhiều nhà đầu tư khác, chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn do có thể đa dạng hóa đầu tư, nhìn nhận thị trường đúng hướng có thể dễ dàng và nhanh chóng đem lại mức lợi nhuận tốt.

Trên thực tế, đầu tư vào bất động sản và TTCK đang đem lại rất nhiều cơ hội kiếm lời cho nhà đầu tư ngay trong đại dịch Covid-19. Khi dịch bệnh được kiểm soát, độ phủ vaccine được mở rộng, nền kinh tế dần hồi phục sẽ giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư.

Theo thông tin của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 50% dân số nước Mỹ trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia đầu tư chứng khoán, còn Việt Nam có tiềm năng đạt 5% dân số mở tài khoản chứng khoán trong tương lai.

Tính thanh khoản tăng mạnh là ưu điểm của TTCK Việt Nam trong những năm qua. Đặc biệt, TTCK đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021. Theo Tổng cục Thống kê, TTCK đã phát triển mạnh mẽ với mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 45,5% so với năm 2020. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng TTCK nhận nhiều kỷ lục mới, làn sóng gia nhập của nhà đầu tư tăng cao, chỉ số VNIndex chạm mốc 1.500 điểm.

Năm 2021, TTCK đã huy động nguồn vốn dồi dào cho nền kinh tế Việt Nam, đóng góp ngày càng lớn vào tổng đầu tư xã hội. Theo thống kê của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến tháng 9/2021, tổng quy mô thị trường đạt trên 8,3 triệu tỷ đồng, tương đương 133,83% GDP.

Trong thời gian tới, TTCK tiếp tục được kỳ vọng là kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế. Từ đó, các doanh nghiệp có thêm nguồn lực mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế.

Đồng thời, TTCK cũng được kỳ vọng trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Mục tiêu cụ thể là quy mô thị trường đạt 85% GDP vào năm 2025 và đạt 110% GDP vào năm 2030.

Bên cạnh TTCK, ngành bất động sản cũng khá sôi động và đem lại những lợi ích không nhỏ cho các nhà đầu tư và kinh tế Việt Nam. Theo Nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ngành bất động sản đã đóng góp khoảng 7,62% GDP năm 2020. Đặc biệt, ngành có tác động không nhỏ đến hơn 40 ngành kinh tế quan trọng khác nhau. Một số ngành điển hình có mối quan hệ quan trọng đó là xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch và tài chính – ngân hàng.

Hiệp hội Bất động sản cho biết, giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%; GDP sẽ giảm 1,247%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,861%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản giảm 0,366% và du lịch giảm 0,352%.

Báo cáo giá trị tăng thêm của các ngành bất động sản giai đoạn 2025 – 2030, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ước tính, giá trị tăng thêm sẽ đạt 1.249,8 nghìn tỷ đồng chiếm 7,7% GDP vào năm 2025 và đạt 3.428,7 nghìn tỷ đồng chiếm 13,6% GDP năm 2030.

Minh Tiến

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên