Chọn lọc dòng vốn mới
Theo Tổng cục Thống kê, trong những năm qua, Việt Nam được thế giới ghi nhận là một trong những quốc gia có tăng trưởng GDP cao hàng đầu thế giới, với quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, GDP năm 2019 gấp 12,5 lần năm 2001.
- 22-08-2020Đạt kết quả ấn tượng về giải ngân vốn đầu tư công tại TP.HCM, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong nêu 6 giải pháp giúp tăng tốc
- 13-08-202090 đầu mối “chây ì” báo cáo giải ngân vốn đầu tư công
- 12-08-2020Vốn kích cầu đầu tư khó đến với doanh nghiệp
Tốc độ tăng GDP bình quân trong giai đoạn 2001-2010 tăng 7,26%/năm, đạt xấp xỉ tốc độ tăng 7,56%/năm của Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000. Có được những thành tựu này cũng nhờ Việt Nam huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; trong đó, có thu hút thành công vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam
Sau hơn 30 năm mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã gặt hái những thành quả đáng khích lệ. Đến nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 370 tỷ USD; trong đó, lượng vốn đã giải ngân đạt khoảng 58%. Riêng năm 2019, Việt Nam thu hút hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm liên tiếp, tăng 7,2% so với năm 2018. Vốn FDI giải ngân cũng đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% và lập kỷ lục mới. Khu vực đầu tư nước ngoài đã tạo việc làm, thu ngân sách cũng như thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam…
Bắt đầu kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời vào tháng 12/1987, cho đến nay, Việt Nam đã trải qua quá trình hơn 30 năm thu hút nguồn vốn FDI. Có thể nói, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã trở thành khu vực kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Đánh giá về những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong thu hút FDI, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thu hút FDI là tạo thêm nguồn lực thông qua việc mở ra một kênh đầu tư mới cho phát triển.
Đã có hơn 182 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, được thực hiện trong hầu hết các ngành nghề và lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đồng thời, từ nguồn vốn này đã hình thành những ngành công nghiệp chủ lực như: viễn thông, dầu khí, điện tử, hóa chất, thép, ô tô - xe máy, công nghệ thông tin, da giày, dệt may, chế biến nông sản thực phẩm…
Qua đó, FDI đã đóng góp lớn trong việc gia tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, khu vực FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Ngoài ra, khu vực FDI cũng đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân, ổn định tình hình xã hội. Khu vực này tạo ra khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp và gần 5 triệu việc làm gián tiếp; trong đó, có nhiều lao động đã được đào tạo và tiếp cận với trình độ công nghệ, quản lý tiên tiến của thế giới.
Thu hút FDI còn góp phần cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, giúp nâng cao tầm vóc, vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, tạo ra những áp lực để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế nhanh hơn, hiệu quả hơn và thực chất hơn theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Mặc dù, đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2020 giảm sút so với cùng kỳ năm trước, song xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác. “Điều này đã thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”, Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.
Trong 8 tháng năm 2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong đó, vốn đăng ký mới và tăng thêm vẫn tăng mạnh. Cụ thể, có 1.797 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 9,7 tỷ USD, tăng gần 7%% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước đạt 11,45 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm trước.
Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Đỗ Nhất Hoàng cũng cho rằng, kết quả trên là hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh; một số nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm. Điều đó còn cho thấy niềm tin, mục tiêu hiện diện, làm ăn lâu dài tại Việt Nam là rất mạnh mẽ và đó chỉ là sự sụt giảm tạm thời trong thời “bão” COVID-19.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng lưu ý, ngày càng xuất hiện những dự án có công nghệ hiện đại, tập trung vào hoạt động nghiên cứu và chế tạo để tạo ra sản phẩm chất lượng, có tác dụng lan tỏa và tham gia đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế.
Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng cao và tăng lên tương đối nhanh, đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước và tranh thủ được thị trường thế giới.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội, có tác dụng to lớn trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao năng lực quản lý và trình độ công nghệ cho nền kinh tế; đặc biệt, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thúc đẩy việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Chớp lấy thời cơ “vàng”
Từ góc nhìn quốc tế, hiện nay, uy tín và vị thế của Việt Nam đang được đánh giá cao qua những thành công bước đầu đạt được trong phòng, chống đại dịch COVID-19. Nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định, đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ. Chính vì vậy, ngay lúc này Việt Nam cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.
Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng cho biết, làn sóng đầu tư mới đã xuất hiện và Việt Nam đứng trước cơ hội mới, hứa hẹn sự gia tăng mạnh về kết quả thu hút dòng vốn này. Vấn đề là sự chuẩn bị kỹ càng, có giải pháp đồng bộ, phù hợp để biến cơ hội thành hiện thực, phục vụ mục tiêu lấy lại tốc độ tăng trưởng cao càng sớm càng tốt…
Trước những “cơ hội vàng” để tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động của dịch bệnh COVID-19; tiếp theo, cần chủ động quảng bá, mời gọi các tập đoàn đa quốc gia, các công ty và thương hiệu tên tuổi đầu tư vào Việt Nam; đặc biệt là từ các khu vực có thế mạnh về công nghệ, vốn, kỹ năng quản lý như: Mỹ, EU, Nhật Bản.
Nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, để đón dòng vốn nước ngoài nhanh chóng, Việt Nam cần tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua các cơ quan ngoại giao. Cùng với đó, Việt Nam tập trung giải quyết nhanh các thủ tục hành chính đối với các dự án có quy mô lớn đang đàm phán, xin cấp phép đầu tư, cũng như hỗ trợ tích cực giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân của dự án đã cấp phép.
Để tăng cường thu hút đầu tư FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất 4 nhóm giải pháp gồm: Nhóm giải pháp liên quan đến xúc tiến đầu tư; nhóm thu hút đầu tư có chọn lọc (theo đó sẽ thu hút những dự án có giá trị gia tăng cao, có tính lan tỏa, kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam); tiếp đến là nhóm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuẩn bị điều kiện để đón các nhà đầu tư. Cuối cùng là nhóm liên quan đến ưu đãi hỗ trợ đầu tư (Luật Đầu tư sửa đổi và các Luật khác có liên quan đã bổ xung những ưu đãi mang tính cạnh tranh tạo thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư).
Đẩy mạnh thu hút FDI, cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Tại cuộc họp Tổ công tác đầu tiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ, Việt Nam đang được xác định là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn. Đây là thời điểm thuận lợi cho Việt Nam để thu hút có chọn lọc dòng vốn đầu tư nước ngoài mới phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, song cũng cần nhận diện rõ, xử lý các thách thức khách quan và chủ quan trong hợp tác đầu tư nước ngoài và cần có những hành động và giải pháp đột phá để kịp thời thu hút dòng vốn.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Tổ công tác cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa để thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng giao; trong đó, việc thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài cần hướng tới có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Mặt khác, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong quá trình đó, đặc biệt lưu ý coi trọng phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác của Việt Nam, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Hiện nay, trong số các nước đầu tư vào Việt Nam, khu vực EU đầu tư vào Việt Nam hơn 25 tỷ USD, tuy chưa phải là nhiều nhưng tiềm năng quan hệ kinh tế giữa hai bên là rất lớn. Các doanh nghiệp châu Âu có tiềm lực tài chính với công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại và sẵn có thị trường rộng lớn. Những điều này có tính bổ trợ với thế mạnh và nhu cầu thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam.
Với những cơ chế bảo hộ và ưu đãi đặc biệt từ hai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EVIPA), cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Đỗ Nhất Hoàng tin tưởng, từ 2 Hiệp định này sẽ mở ra một giai đoạn mới để cho các nhà đầu tư của EU quan tâm hơn nữa và hiện thực hóa những lợi ích do Hiệp định mang lại. Tuy nhiên, tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra là khó dự đoán, tùy thuộc vào quy mô và thời gian kéo dài của dịch bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch COVID-19 cũng cho thấy, muốn đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu để lấp ngay vào sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần phải cải cách mạnh mẽ hơn để kinh tế phục hồi trong thời gian tới như cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế số, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
"Đây là các nội dung chính mà Việt Nam cần thực hiện để cải cách nhanh và mạnh hơn, hướng mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Báo tin tức