MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chống doanh nghiệp FDI chuyển giá: Vỏ quýt dày cần móng tay nhọn

Trong Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài vừa được ban hành, Bộ Chính trị yêu cầu cần thành lập cơ quan chuyên trách chống chuyển giá. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chuyên trách cần được trao đủ thẩm quyền để hoạt động hiệu quả, tránh việc “có cũng như không” như đã từng diễn ra.

Cần trao đủ quyền cho cơ quan chuyên trách

Theo Nghị quyết số 50, việc thu hút, quản lý và hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn những tồn tại, hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Các hiện tượng chuyển giá, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng. Vì vậy, thời gian tới, Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu, xây dựng các quy định khắc phục tình trạng vốn mỏng, chuyển giá, hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành luật.

Pháp luật về thuế, ngoại hối, hải quan, đầu tư, khoa học và công nghệ, về xây dựng cơ sở dữ liệu, công bố thông tin...cần hoàn thiện, bổ sung quy định chặt chẽ để kiểm soát, quản lý, ngăn chặn chuyển giá ngay từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

“Xây dựng bộ máy chuyên trách chống chuyển giá đủ mạnh, đủ năng lực; cơ chế kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để ngăn ngừa và hạn chế tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, Nghị quyết 50 nêu rõ.

“Để ứng phó, chống hành vi chuyển giá, chỉ quyền thanh tra, kiểm tra chưa đủ mà cần trao quyền điều tra, song song với cơ chế giám sát quyền và trách nhiệm giải trình. Nếu không trao đủ thẩm quyền, cơ quan chuyên trách sẽ không thể ứng phó với tình trạng chuyển giá diễn ra tinh vi, phức tạp ở các doanh nghiệp FDI”, Chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn


Trao đổi với Tiền Phong, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright cho hay, năm 2015, Bộ Tài chính  lập đơn vị chuyên trách về thanh tra chuyển nhượng giá và phòng thanh tra chuyển nhượng giá ở 4 địa phương có nguồn vốn FDI lớn (Hà Nội, Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương).

Theo ông Tuấn, một trong những yếu kém trong chống chuyển giá của Việt Nam là năng lực, kỹ năng của cán bộ quản lý thuế và cán bộ chống chuyển giá còn hạn chế trong khi hoạt động của công ty FDI, công ty đa quốc gia cực kỳ tinh vi. Doanh nghiệp FDI tuyển dụng những người xuất sắc, trả lương cao với nhiệm vụ giúp công ty nghĩ cách tối ưu hoá nghĩa vụ thuế.

“Để ứng phó với họ, chúng ta phải có người xuất sắc để phát hiện ra hành vi chuyển giá. Việc kiểm tra thuế và chống chuyển giá là quá trình hỗ trợ cho nhau, ràng buộc nhau. Việc chống chuyển giá rất phức tạp, đòi hỏi người có chuyên môn, năng lực và dành toàn tâm toàn lực cho hoạt động chống chuyển giá. Cơ quan chuyên trách chống chuyển giá nên nằm ở bộ phận hành pháp là Chính phủ và cụ thể Bộ Tài chính”, ông Tuấn kiến nghị.

Theo ông Tuấn, ngoài nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ thuế, cơ quan chuyên trách về chống chuyển giá cần được trao thêm thẩm quyền, đi kèm với trách nhiệm giải trình. “Hiện cơ quan thuế chỉ có quyền thanh tra, kiểm tra, chưa có quyền điều tra. Để ứng phó, chống hành vi chuyển giá, chỉ quyền thanh tra, kiểm tra chưa đủ mà cần trao quyền điều tra song song với cơ chế giám sát quyền và trách nhiệm giải trình. Nếu không trao đủ thẩm quyền, cơ quan chuyên trách sẽ không thể ứng phó với tình trạng chuyển giá diễn ra tinh vi, phức tạp ở các doanh nghiệp”, ông Tuấn kiến nghị.

Số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2011-2016 trung bình 23%, tốc độ tăng trưởng tài sản trên 19% nhưng có tới 44 - 51% doanh nghiệp báo lỗ hàng năm. Năm 2017, ngành Thuế đã thanh, kiểm tra 734 doanh nghiệp có giao dịch liên kết, qua đó truy thu, truy hoàn và phạt hơn 2.270 tỷ đồng; giảm khấu trừ 92 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.625 tỷ đồng. Trong đó, ngành Thuế đã thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với 186 doanh nghiệp, truy thu gần 720 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 4.134 tỷ đồng.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận, lực lượng thanh tra giá chuyển nhượng còn mỏng. Nguồn thông tin, dữ liệu so sánh của doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ, đang cần củng cố.

Thay đổi về quản lý nhà nước

Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI, sau khi Nghị quyết 50 được ban hành, cơ quan chức năng phải thay đổi nhanh chóng về thể chế kinh tế, các khâu về quản lý nhà nước. Theo ông Mại, cảnh báo về vấn đề doanh nghiệp FDI chuyển giá được đưa ra cách đây cả chục năm nhưng đến nay chưa có luật về chống chuyển giá là quá chậm.

“Phản ứng chính sách của chúng ta quá chậm. Nếu để thời gian trôi đi thì dù có bao nghị quyết cũng không có hiệu quả. Chúng ta cần nhanh chóng thay đổi, ban hành luật chống chuyển giá với các quy định phù hợp”, ông Mại kiến nghị.

Cùng quan điểm, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn kiến nghị cơ quan chức năng nâng cấp Nghị định 20 năm 2017 về quản lý thuế đối với  doanh nghiệp có giao dịch liên kết thành luật chống chuyển giá mới đủ sức mạnh để thực hiện.

Theo Bộ KH&ĐT, sau khi Nghị quyết số 50 được ban hành, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện. Tuỳ theo yêu cầu của mỗi nghị quyết, Chính phủ có thể ban hành chương trình hành động hoặc nghị quyết của Chính phủ. Hai văn bản này đề ra từng nhiệm vụ cụ thể như thể chế pháp luật; những công việc liên quan đến xây dựng luật mới hoặc sửa đổi các luật hiện hành. Liên quan đến lĩnh vực nào, bộ chuyên ngành sẽ được Thủ tướng giao ban hành.

“Việc thành lập bộ phận chuyên trách về FDI sẽ do một số cơ quan thực hiện. Bộ KH&ĐT thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bộ Nội vụ quyết định về quy trình, số lượng nhân viên, thiết kế tổ chức. Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí hoạt động và các bộ khác như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng. Thời gian ra đời cơ quan chuyên trách phụ thuộc vào quá trình nghiên cứu, căn cứ vào chỉ đạo của Chính phủ”, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH&ĐT) cho biết.


Theo Ngọc Linh

Tiền phong

Trở lên trên