Chốt phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất với tổng vốn đầu tư gần 20.000 tỷ đồng trong 3 năm
Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) luôn trong tình trạng quá tải từ lâu, nếu không được mở rộng, sẽ vỡ trận trước cả khi có sân bay Long Thành. Trước tình hình đó, trong cuộc họp ngày 20/1 cuối cùng Chính phủ cũng chốt được phương án nâng cấp sân bay sau nhiều ngày thảo luận.
- 18-01-2017TPHCM áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư 2 cầu vượt giảm ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất
- 15-01-2017Kẹt xe - Nỗi ám ảnh ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất
- 14-01-2017Sân bay Tân Sơn Nhất cao điểm Tết: Thường trực nỗi lo quá tải
Sân bay Tân Sơn Nhất, không thể không mở rộng
Tổng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2020 là 25 triệu hành khách/năm, nhưng thực tế năm 2016 đã phải phục vụ tới 32 triệu lượt khách với đủ mọi biện pháp “cơi nới”. Với tốc độ tăng trưởng hành khách là 29% như năm 2016, đúng là ngành Du Lịch thì “mừng” còn ngành Hàng Không thì “lo”.
Tình trạng “nóng” của TSN không chỉ thể hiện qua các con số, mà bất kỳ ai từng ghé qua sân bay này đều có thể cảm nhận. Trong nhà ga, các biện pháp như bỏ bớt quầy bán hàng để dành diện tích cho quầy thủ tục bay, tăng cường các biện pháp làm thủ tục bay bằng quầy tự động nhỏ gọn, làm thủ tục trực tuyến đã được thực hiện. Sức người được tận dụng tối đa khi các hãng phải cử người hướng dẫn, cầm biển tìm khách trong biển người tại TSN. Thậm chí, hàng không giá rẻ Jetstar Pacific còn sáng tạo: Bố trí các nhân viên cầm máy tính bảng, máy in tìm khách để làm thủ tục bay di động
3 phương án nâng cấp sân bay Tân Sân Nhất
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không dân dụng Việt Nam hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn - Công ty Thiết kế và Tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) trực thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân để lập quy hoạch điều chỉnh sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau thời gian khảo sát, đơn vị tư vấn đã trình 3 phương án điều chỉnh quy hoạch toàn diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo phương án 1, sẽ xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía bắc Cảng hàng không và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh để bảo đảm khai thác. Với phương án này, có thể nâng tổng công suất lên khoảng 60 triệu khách năm, nhưng mất từ 10 đến 15 năm xây dựng, giải toả hơn 140.000 hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỷ đồng.
Theo phương án 2, sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh hiện nay và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R). Cùng với đó, sẽ xây dựng đường lăn song song và sân đỗ máy bay phía bắc, xây dựng nhà ga lưỡng dụng (quân sự - dân sự) T3 công suất 10 triệu hành khách, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 10 triệu hành khách. Theo phương án này, sẽ mất khoảng 61.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ 8-10 năm, nâng công suất sân bay lên khoảng 43-45 triệu hành khách/năm.
Phương án 3 là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R); xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay hiện nay. Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá 3 năm, trong khi vẫn bảo đảm được công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.
|
Phương án 3 của kế hoạch điều chỉnh quy hoạch toàn diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến |
Chốt phương án nâng cấp
Theo tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, trong phiên họp sáng nay, cuối cùng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thống nhất đề nghị chọn phương án 3 trong 3 phương án nêu trên để sớm hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/2/2017. Phương án thứ 3 cũng là phương án có số vốn đầy tư ít nhất.
Chính Phủ cũng xác định rõ nguồn vốn thực hiện dự án sẽ chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa còn các tuyến giao thông kết nối với bên ngoài thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư của UBND TPHCM.
Ngoài các hạng mục chính như trên, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất các phương án phân luồng, xây dựng các công trình giao thông tháo gỡ ùn tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất. Theo đó, có 8 dự án đã được phê duyệt, đang được triển khai bảo đảm tiến độ. Bên cạnh đó, Thành phố cũng đang nghiên cứu triển khai 4 dự án khác, dự kiến sẽ sớm được triển khai.
Các dự án thoát nước, chống ngập cho khu vực sân bay cũng được báo cáo, trong đó Bộ Quốc phòng đã thống nhất chủ trương, tạm giao đất để Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư xây dựng hồ điều tiết khoảng 1,3 ha.