MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ đầu tư Lan Phương Tower bị tố lợi dụng gói 30.000 tỷ lừa khách

30-07-2018 - 17:46 PM | Bất động sản

Nhiều cư dân Lan Phương Tower bị thu tiền ngoài hợp đồng hàng trăm triệu đồng mà không có hoá đơn, chứng từ. Đáng nói, chủ dự án đã lấy gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để “chiêu dụ” người mua, hợp thức hoá khoản thu chênh lệch.

Lợi dụng gói 30.000 tỷ đồng để bán nhà

Sau bài viết “Cư dân chung cư Lan Phương Tower hốt hoảng khi bị phạt lãi suất hàng trăm triệu đồng”, Báo điện tử Infonet tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều cư dân tại đây về việc chủ đầu tư dùng gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng làm “mồi nhử” bán hàng và thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng hàng trăm triệu đồng.

Chung cư Lan Phương Tower (số 104 Hồ Văn Tư, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đưa vào sử dụng từ năm 2012. Đây là dự án do Công ty TNHH sản xuất – thương mại Lan Phương (Công ty Lan Phương) làm chủ đầu tư.

Là một trong những khách mua căn hộ từ năm 2015, ông T.K.M.N (chủ căn E4-16) cho biết, trước khi ký hợp đồng mua căn hộ giá 1,1 tỷ đồng vào tháng 1/2015, ông được nhân viên bán hàng hứa hỗ trợ vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để mua nhà.

Chủ đầu tư Lan Phương Tower bị tố lợi dụng gói 30.000 tỷ lừa khách - Ảnh 1.

Cư dân Lan Phương Tower bức xúc vì bị chủ đầu tư lấy gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để làm "mồi nhử".


“Nhân viên tư vấn nói tôi làm hồ sơ để vay vốn tại ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB), khi nào ngân hàng giải ngân thì tiến hành ký hợp đồng mua bán, bàn giao nhà. Sau đó nhân viên này thông báo hồ sơ vay của tôi đã được ngân hàng chấp thuận, đề nghị đóng tiền đợt đầu gần 400 triệu đồng”, ông N. kể.

Sau khi đóng số tiền trên, ông N. được Công ty Lan Phương bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, chờ cả năm vẫn không thấy ngân hàng hồi âm về hồ sơ vay, ông N. hỏi nhân viên bán hàng thì nhận được câu trả lời, ngân hàng MHB lúc này đã sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và hồ sơ vay của ông được chuyển từ MHB sang BIDV. Đến nay, ông N. cho biết, hồ sơ của ông vẫn không được giải ngân.

Tương tự ông N, những người khác mua căn hộ khác tại Lan Phương Tower cũng bị chủ đầu tư lấy gói tín dụng 30.000 tỷ đồng làm “mồi nhử”, như trường hợp của ông T.Q.D (chủ căn E3-18) hay ông N.P.D (chủ căn D9-16). Sau 4 năm chờ đợi, không ai được ngân hàng cho vay.

“Trước khi ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng, Công ty Lan Phương đã mang dự án đi thế chấp ngân hàng, như vậy thì làm sao khách hàng có thể vay được nữa. Họ còn lấy gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để làm mồi nhử, đưa khách hàng vào thế đã rồi”, ông N. bức xúc nói.

Thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng 

Theo ông N, trong gần 400 triệu đồng ông đóng đợt đầu cho chủ đầu tư, có 64,7 triệu đồng bị thu ngoài, không có hoá đơn hay chứng từ gì. Ông N. hỏi thì được nhân viên chủ đầu tư trả lời rằng đây là tiền chi ngoài nên không có hoá đơn.

Một trường hợp khác bị thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng lên đến hơn 210 triệu đồng là bà V.T.P.T (chủ căn C11-17). Bà T. cho biết, bà ký hợp đồng mua căn hộ Lan Phương Tower vào ngày 11/2/2015 và được chủ đầu tư hướng dẫn đóng 520 triệu đồng. Số tiền này bao gồm 30% giá trị hợp đồng và 210 triệu đồng tiền chênh lệch ngoài hợp đồng.

Khác với những người mua được chủ đầu tư hứa hẹn hỗ trợ vay ngân hàng trong gói 30.000 tỷ đồng, bà T. cho biết, bà được trưởng phòng kinh doanh của Công ty Lan Phương viết biên nhận số tiền đã nộp.

Các cư dân cho hay, sở dĩ Công ty Lan Phương thu tiền chênh lệch ngoài hợp đồng để đưa giá căn hộ về dưới mức 1.050.000.000 đồng, nhằm phù hợp diện vay mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng.

Không được ngân hàng cho vay đã đành, những người mua căn hộ Lan Phương Tower còn bức xúc hơn khi bị chủ đầu tư phạt lãi suất vô lý trên số tiền chậm nộp. Từ năm 2015, Công ty Lan Phương không hề có hướng dẫn cho cư dân nộp tiền mua căn hộ theo hình thức nào, bất ngờ đầu năm 2018 doanh nghiệp này yêu cầu cư dân thanh toán cả tiền gốc lẫn lãi phát sinh.

Đáng nói, tiền lãi phạt Công ty Lan Phương “tự tính” cho cư dân dao động từ 36 – 207 triệu đồng, có trường hợp buộc phải nộp hơn 402 triệu đồng. Giữa tháng 7/2018, Công ty Lan Phương còn gửi thông báo đốc thúc cư dân thanh toán tiền, nếu không sẽ ngừng cung cấp dịch vụ giữ xe, cấp nước, không thu phí quản lý… thậm chí sẽ thực hiện biện pháp thu hồi tài sản.

Để làm rõ những phản ánh của cư dân Lan Phương Tower như nói trên, PV Báo điện tử Infonet đã liên hệ với Công ty Lan Phương, tuy nhiên lãnh đạo doanh nghiệp này vẫn chưa có câu trả lời.

Theo Luật sư Đoàn Thị Thu Hiền, Giám đốc Công ty Luật Bùi Gia – Chi nhánh Sài Gòn, thông báo yêu cầu cư dân thanh toán tiền nếu không sẽ thu hồi tài sản của Công ty Lan Phương đã đẩy mâu thuẫn tranh chấp giữa cư dân và công ty lên một nấc thang mới. Công ty có quyền đòi nhà nhưng phải tuân theo trình tự, quy định của pháp luật mà cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở đây là TAND quận Thủ Đức.


Đối với việc cắt điện nước tại Lan Phương Tower, Luật sư Hiền cho rằng, Công ty Lan Phương cũng không có thẩm quyền dựa theo căn cứ theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ Xây dựng. 

Theo Phương Anh Linh

Infonet

Trở lên trên