MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc chuyển từ 'Evergrande' sang 'khủng hoảng điện': Việt Nam sẽ bị tác động ra sao?

Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc chuyển từ 'Evergrande' sang 'khủng hoảng điện': Việt Nam sẽ bị tác động ra sao?

Khi những rắc rối liên quan đến tập đoàn bất động sản Evergrande đã gây chấn động khắp hệ thống tài chính vẫn chưa đi đến hồi kết, Trung Quốc lại tiếp tục phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khác có thể gây tổn hại vô cùng nặng nề đến nền kinh tế nước này: thiếu điện. Liệu Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?

Có hai dạng thiếu điện mà các nhà máy ở Trung Quốc đang đối mặt: thiếu điện do giới chức trách yêu cầu giảm sử dụng điện để đáp ứng mục tiêu bảo vệ môi trường và thiếu điện do nguồn cung căng thẳng.

Vấn đề về thiếu nguồn cung điện tại Trung Quốc đã kéo dài bao lâu?

Việc áp dụng lệnh kiểm soát tiêu thụ điện trong gia đình tại Trung Quốc chỉ mới có hiệu lực. Tuy nhiên, các cơ sở công nghệ khổng lồ của nước này đã phải vật lộn với giá điện tăng đột biến và quy định về kiểm soát mức tiêu thụ điện ít nhất từ hồi tháng 3.

Mục tiêu phát thải ròng của Trung Quốc là gì, và tại sao chúng tồn tại?

Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo mục tiêu cắt giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ phát thải carbon liên quan tới hoạt động kinh tế vào năm 2030, và đưa ra các mục tiêu mới về tăng trưởng năng lượng tái tạo, diện tích rừng, giữa bối cảnh quốc gia này muốn đạt "đỉnh" về lượng khí phát thải trước khi kết thúc thập kỷ này.

Theo ông Tập Cận Bình, Trung Quốc - quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, sẽ cắt giảm hơn 65% tỷ lệ khí thải CO2 trên mỗi đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2030 so với mức năm 2005. Tỷ lệ cắt giảm phát thải CO2 trên cao hơn so với mục tiêu mà Trung Quốc đưa ra năm 2015 là giảm lượng khí thải CO2 khoảng 60-65% vào năm 2030.

Mức tiêu thụ năng lượng có giảm từ khi Trung Quốc tuyên bố mục tiêu phát thải ròng?

Các tỉnh ở Trung Quốc đang đẩy mạnh thực hiện giảm mật độ năng lượng trong những tháng gần đây sau khi chịu sức ép gia tăng từ chính quyền trung ương. Trong nửa đầu năm nay, chỉ có 10 trong 30 chính quyền vùng đạt được mục tiêu này.

Giữa tháng 9, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cảnh báo sẽ xử lý trách nhiệm của các quan chức địa phương nếu họ không bảo đảm việc hạn chế sử dụng năng lượng. Trước đó, cuối tháng 8, NDRC yêu cầu 20 tỉnh thành lớn phải giảm tiêu thụ năng lượng trong những tháng còn lại của năm nay.

Hồi đầu năm nay, một nhà máy hóa chất có vốn đầu tư 126 tỷ nhân dân tệ ở tỉnh Thiểm Tây đã bị đình chỉ hoạt động do không hạn chế tiêu thụ năng lượng.

Trung Quốc có sản xuất ít điện đi?

Thực tế cho thấy trong 8 tháng đầu năm nay, sản lượng điện Trung Quốc cao hơn 10,1% so với cùng kỳ năm 2020 khi các công ty điện lực trên cả nước đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng vọt từ ngành công nghiệp sản xuất

Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc chuyển từ Evergrande sang khủng hoảng điện: Việt Nam sẽ bị tác động ra sao? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, đi kèm theo đó là lượng khí thải độc hại thải ra môi trường trong quý 1/2021 vượt qua các mức trước đại dịch. Đó là lý do khiến Trung Quốc gia tăng sức ép đối với các chính quyền địa phương để bảo đảm đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính.

Các địa phương hạn chế mức tiêu thụ điện ra sao?

Chính quyền địa phương ở các tỉnh Chiết Giang, Giang Tô, Vân Nam và Quảng Đông đã yêu cầu nhiều nhà máy hạn chế sử dụng điện hoặc hạn chế sản lượng. Đặc biệt, một số nhà cung cấp điện đã gửi thông báo đến các nhà máy yêu cầu tạm dừng sản xuất trong giờ cao điểm, hoặc tạm ngừng hoạt động hoàn toàn từ 2-3 ngày/tuần.

Một vài nhà máy bị yêu cầu đóng cửa cho đến khi có thông báo mới, điển hình như nhà máy chế biến đậu tương ở Thiên Tân, miền đông Trung Quốc buộc đóng cửa từ ngày 22/9.

Những ngành công nghiệp nào đã bị tác động?

Tác động của cuộc khủng hoảng này đến các ngành công nghiệp là vô cùng rộng, bao gồm một số lĩnh vực sử dụng nhiều điện năng như luyện nhôm, luyện thép, sản xuất xi măng và sản xuất phân bón.

Ít nhất 15 công ty, từ nhôm, hóa chất đến thuốc nhuộm, đồ nội thất... đã gửi thông báo rằng họ bị ảnh hưởng do cú sốc về nguồn cung điện.

Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc chuyển từ Evergrande sang khủng hoảng điện: Việt Nam sẽ bị tác động ra sao? - Ảnh 2.

Ngay cả người dân ở các tỉnh miền Đông Bắc Trung Quốc cũng rơi vào cảnh bị cắt điện mà không được báo trước, khi tình trạng thiếu điện lan rộng từ nhà máy sang các hộ gia đình.

Trung Quốc đã phản ứng ra sao với sự cố điện?

Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc thông báo rằng sẽ giải quyết tình trạng thiếu điện, song không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về các bước thực hiện.

Một trong những thách thức lớn nhất về ngắn hạn đối với Trung Quốc chính là tranh chấp thương mại với Australia - quốc gia xuất khẩu than lớn thứ hai thế giới. Theo báo cáo hồi tháng 7 của Chính phủ Australia về xuất khẩu tài nguyên và năng lượng, Trung Quốc đã 6 tháng liên tiếp không tiếp nhận than đá xuất khẩu của Australia.

Một yếu tố khác là sự thiếu hụt khí đốt tự nhiên trên toàn cầu, khi nhiều nền kinh tế lớn đồng loạt tìm cách tích trữ nhiên liệu sau khi dần mở cửa. Mặc dù vậy, Tập đoàn lưới điện Trung Quốc mới đây đã tuyên bố sẽ "dốc toàn lực để đảm bảo cung cấp điện cho khách hàng, cũng như điều động nhiều điện hơn trên toàn hệ thống".

Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào?

Thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Việt Nam bị tác động từ sự cố điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Trung Quốc với tổng công suất trên 450 MW. Tổng công suất nhập khẩu từ các nước chiếm gần 2% tổng công suất của toàn hệ thống điện (hiện công suất đặt toàn hệ thống của Việt Nam là 55.880 MW).

Theo báo cáo của Uỷ ban Kinh tế, giá mua điện bình quân từ Trung Quốc hiện là 1.281 đồng/kWh, Lào là 1.368 đồng/kWh, đều rẻ hơn giá mua điện bình quân trong nước (1.486 đồng/kWh).

Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc chuyển từ Evergrande sang khủng hoảng điện: Việt Nam sẽ bị tác động ra sao? - Ảnh 3.

Dữ liệu: EVN

Đặc biệt năm ngoái, theo tính toán của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương), sản lượng thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỷ kWh, đến năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh, năm 2023 có thể lên đến 15 tỷ kWh (tương ứng 5% nhu cầu).

Song do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 các tỉnh thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội nên hầu hết các doanh nghiệp đều ngừng hoạt động sản xuất, dẫn tới mức tiêu thụ điện năng thương phẩm khu vực miền Nam liên tục giảm sâu và kéo theo thừa nguồn điện cục bộ.

Theo số liệu từ Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), tiêu thụ điện toàn quốc và miền Nam tiếp tục giảm thấp trong 2 tuần đầu của tháng 9/2021.

Chủ đề nóng nhất về Trung Quốc chuyển từ Evergrande sang khủng hoảng điện: Việt Nam sẽ bị tác động ra sao? - Ảnh 4.

Dữ liệu: A0

Như vậy vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung điện. Tuy nhiên, việc thừa nguồn điện cục bộ sẽ dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng tới công tác an toàn hệ thống lưới điện và cung cấp điện.

Ngành điện Việt Nam hiện cũng đang phải cân đối việc huy động nguồn cung điện tại chỗ, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo phù hợp với nhu cầu sản lượng, phụ tải tại từng địa phương trong khu vực.

Theo đó, A0 và các Trung tâm điều độ miền đã và đang huy động các nguồn điện bám sát nhu cầu tiêu thụ điện của toàn quốc và từng khu vực nhằm đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia khi tiêu thụ điện xuống thấp.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên