MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ shop méo mặt vì trò lừa trên Shopee: Gửi iPhone nhưng hàng hoàn là điện thoại 'cục gạch', mất tiền triệu mà ấm ức không làm gì được

13-06-2020 - 16:57 PM | Doanh nghiệp

Lợi dụng chương trình bảo vệ khách hàng nhằm tránh các trường hợp người mua bị lừa đảo bởi gian thương của Shopee, một số đối tượng xấu đã sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để trục lợi cá nhân, gây ...

Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tràn lan trên các trang thương mại điện tử (TMĐT), việc làm sao để đảm bảo quyền lợi người mua hàng là điều được hầu hết các sàn TMĐT phổ biến tại Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Chẳng hạn, chính sách của Shopee cho phép người mua sau khi nhận sản phẩm có thể gửi yêu cầu trả hàng trong vòng 3 ngày. Quy trình đổi trả cũng rất đơn giản, khi người mua chỉ cần bằng chứng chỉ rõ chi tiết sản phẩm nhận được bị lỗi/sai/vỡ hoặc không đúng như mô tả.

Nếu 2 bên đã đạt được thỏa thuận với nhau và người bán không có khiếu nại, yêu cầu trên của người mua sẽ được Shopee tự động chấp nhận trong vòng 2 ngày. Ngược lại, nếu người bán có khiếu nại về yêu cầu Trả hàng/Hoàn tiền của Người mua, họ sẽ phải cung cấp các bằng chứng lên Shopee để chứng minh yêu cầu của người mua không hợp lệ. Shopee sẽ xem xét bằng chứng 2 bên cung cấp và liên hệ với Người mua trong vòng 3 - 5 ngày làm việc tiếp theo để đưa ra hướng xử lý.

Theo nhận xét của nhiều chủ shop trên Shopee, sàn TMĐT này có xu hướng bảo vệ quyền lợi người mua hơn của người bán (ảnh minh họa)

Đáng chú ý, mặc dù là một chính sách đặc biệt đặc biệt hữu ích với những người thường xuyên mua hàng qua mạng, tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng các lỗ hổng trong quy trình đổi trả hàng để trục lợi cá nhân, khiến nhiều người bán hàng trên Shopee rơi vào cảnh tiền mất tật mang.

Sử dụng chiêu trò tinh vi để dùng hàng chùa, hoặc chiếm đoạt hàng

Trong một nhóm kín trên Facebook, P.A.H, một đối tượng có thâm niên ‘đá hàng’ trên các sàn TMĐT khẳng định, việc…qua mặt cả người bán hàng lẫn Shopee không quá tinh vi, mà trái lại khá đơn giản.

Thông thường, các món đồ thường được các đối tượng xấu nhắm tới là hàng điện tử như điện thoại, linh kiện máy tính, hoặc những món đồ thời trang có giá trị cao. Hầu hết các các đối tượng lừa đảo đều sử dụng nhuần nhuyễn công thức: Sau khi nhận được sản phẩm, lập tức tiến hành khiếu nại lên Shopee với lý do hàng không hoạt động, hàng bị lỗi, hàng không đúng như mô tả.

Do không thể cung cấp được bằng chứng, hầu hết người bán sẽ bị Shopee ‘xử thua’ khi xảy ra tranh chấp. Khi yêu cầu trả hàng hoàn tiền đã được Shopee chấp nhận, những đối tượng xấu chỉ việc tới các đơn vị vận chuyển để gửi trả hàng, kèm theo việc cung cấp mã vận đơn cho Shopee để chứng minh mình đã chuyển hàng cho bên bán.

Trên các hội nhóm tập hợp các người bán hàng trên Shopee, không ít chủ shop đã trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này (ảnh chụp màn hình)

Theo tiết lộ của P.A.H, với một số người mua ‘tốt tính’, họ chỉ đơn giản là….dùng chùa ‘đã đời’ trong vài tuần rồi trả lại hàng cho shop. Mặt khác, vẫn có những đối tượng đã lập mưu tính kế để đánh tráo và chiếm đoạt sản phẩm.

Trên thực tế, không ít chủ shop đã lâm vào cảnh "dở khóc dở cười", khi hàng gửi đi đều những sản phẩm đắt tiền nhưng lại nhận được…một gói hàng gồm toàn gạch đá, giấy vụn, ly nước được đóng gói rất cẩn thận.

Do không thể cung cấp được video quay quá trình thử nghiệm sản phẩm, đóng gói kèm theo mã vận đơn, các chủ shop đành phải ngậm ngùi chịu cảnh thiệt đơn thiệt kép: Vừa không bán được hàng, vừa bị thiệt hại do hàng bị đánh tráo, trong khi vẫn phải trả lại tiền cho các đối tượng lừa đảo.

Biết bị lừa nhưng vẫn cắn răng chịu đựng thiệt hại

Đáng nói, mặc dù các trường hợp sử dụng các chiêu trò lừa đảo nói trên đang ngày một gia tăng, nhiều người bán hàng khi trao đổi với PV vẫn khẳng định việc lắp đặt hệ thống camera quay lại cảnh gói hàng không thực sự khả thi vì nhiều lý do.

Nhiều người bán chấp nhận bị thiệt hại và không khiếu nại lên Shopee, coi như là chi phí rủi ro

Với những shop có số lượng đơn hàng lên tới nghìn đơn mỗi tuần như trường hợp của anh Nguyễn Hoàng T (Đà Nẵng), việc quay clip cận cảnh từng gói hàng trước khi gửi đi là điều khó có thể thực hiện được. Anh T thừa nhận, chi phí lắp đặt camera với anh không quá tốn kém, nhưng chính những vấn đề về lưu trữ dữ liệu cũng như tốn quá nhiều thời gian để quay clip mới là thứ khiến anh…’chùn chân’.

"Thông thường, với khoảng 1000 đơn gửi cho khách, sẽ có tỷ lệ một vài đơn hàng khi hoàn lại shop bị hư hại, hoặc thậm chí là đánh tráo. Tuy nhiên số lượng đơn xuất đi hàng tháng của shop mình quá lớn, không thể quay từng đấy video do nhân viên có hạn, trong khi năng suất làm việc cũng bị ảnh hưởng. Do vậy mình đành chấp nhận bị thiệt hại và không khiếu nại lên Shopee, coi như là chi phí rủi ro", anh T cho biết.

Những vấn đề về lưu trữ dữ liệu cũng như tốn quá nhiều thời gian để quay clip đã khiến nhiều chủ shop 'nghìn đơn' trên Shopee từ chối lắp đặt camera (ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, việc vẫn có những trường hợp quay video làm bằng chứng nhưng lại không được Shopee giải quyết thỏa đáng, vô hình trung khiến nhiều chủ shop không mặn mà trong việc lắp đặt camera.

Anh Đỗ Đức Tùng (Bắc Giang), chủ 1 shop bán điện thoại Shopee là một trường hợp như vậy. Mở thùng hàng hoàn là một chiếc iPhone 7 trị giá 4,2 triệu đồng được gửi trả với lý do máy bật không lên, anh Tùng được một phen ‘tái mặt’, khi trong thùng chỉ có một chiếc điện thoại cục gạch có giá trị chỉ gần 200 nghìn đồng. Do từng nghe nói về những trường hợp này nhiều lần trước đây, anh đã gửi bằng chứng lên Shopee để khiếu nại. Tuy nhiên, đại diện của Shopee đã từ chối xử lý vụ việc do video quay mã vận đơn không rõ nét.

Anh Việt

Tổ quốc

Trở lên trên