Chủ tịch ACV: Doanh nghiệp nhà nước "đòi" được bình đẳng như tư nhân
Nói về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho rằng chắc chắn thời gian thi công ACV làm không bao giờ chậm hơn, lâu hơn tư nhân. Cái lâu nằm ở quy trình.
- 13-02-2019Sẽ bỏ quy định lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước phải là công chức
- 16-01-2019CPTPP: Doanh nghiệp nhà nước có doanh thu trên 16.000 tỷ hết vị thế độc quyền
- 15-01-2019Doanh nghiệp Nhà nước góp vốn có mức thưởng Tết bình quân cao nhất
Tại toạ đàm "Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất ?" do Báo Giao thông tổ chức chiều ngày 19-3, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), bày tỏ nỗi lo lắng quanh việc đầu tư xây dựng nhà ga T3 của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
"Rất lo" khi chờ ngân sách nhà nước
Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam
Tân Sơn Nhất và Long Thành là cụm cảng để phục vụ cho thị trường trọng điểm phía Nam. Khi tư vấn, số liệu dự báo đến năm 2025, nhu cầu thị trường khoảng 65 triệu hành khách và đến 2030 khoảng 85 triệu hành khách.
Theo ông Lại Xuân Thanh, hạ tầng hàng không khai thác đồng bộ thì đầu tư cũng phải đồng bộ giữa hệ thống nhà ga và các khu bay. "Trong khi đó, hiện chia rõ đường băng và đường lăn của khu bay thì do nhà nước lo, sân đỗ tàu bay thì ACV lo, như vậy chắc chắn tính đồng bộ có thể bị ảnh hưởng. Tôi rất lo"- ông bày tỏ. Ông Thanh cũng cho rằng nếu nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách làm xong mà khu bay không được cải tạo thì cũng không sử dụng được.
"Với giai đoạn 2 dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, phải tiếp tục mở rộng sân đỗ với tổng mức đầu tư khoảng 2.100 tỉ đồng, sửa đường băng là làm thêm các đường lăn khoảng 500 tỉ, và sân đỗ giai đoạn 2 khoảng 800 tỉ đồng. Nếu chúng ta tiếp tục chờ đợi ngân sách nhà nước thì sẽ rất lo. Ngay cả ngân sách để sửa 2 đường băng nhằm đảm bảo an toàn, chưa nói đến đáp ứng yêu cầu thị trường thì cũng chưa có những quyết định cuối cùng về sử dụng các nguồn vốn để thực hiện công việc này"- ông Thanh nói.
Ông Lại Xuân Thanh cho biết ACV đã báo cáo Cục Hàng không và Bộ GTVT. Bộ cũng đã 3 lần báo cáo Chính phủ về những vướng mắc trong cơ chế quản lý tài sản công. Tuy nhiên, dù nhu cầu cấp thiết nhưng khi ngân sách nhà nước chưa đáp ứng thì cũng chưa có phương án nào.
"Cơ chế do chúng ta tạo ra. Tại sao chúng ta tạo ra cơ chế thành "nhà nước làm lâu hơn tư nhân?". Trong cuộc làm việc của Tổ công tác Thủ tướng với 3 tổng công ty lớn ngành hàng không, tôi đã đặt câu hỏi, trước đây cứ nói tư nhân đòi sự bình đẳng với doanh nghiệp (DN) nhà nước, giờ đây nhà nước "kêu" trở lại, đòi bình đẳng như DN tư nhân. Đối với thi công, chắc chắn thời gian thi công ACV làm không bao giờ chậm hơn, lâu hơn tư nhân. Cái lâu nằm ở quy trình" - chủ tịch DN cổ phần vốn nhà nước chiếm 95,4% bày tỏ.
Ông Lại Xuân Thanh cho biết ở nước ngoài có cơ chế mỗi cảng giao một nhà khai thác, ai quản lý khu bay thì người đó khai thác cảng. Tuy nhiên, tại các cảng do ACV đang quản lý cũng chỉ quản lý khai thác khu bay và nhà ga, còn các dịch vụ, hạ tầng khác "ra tiền" ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh… đều xã hội hoá. Còn ACV phải "ôm" những cảng không thể nào làm ăn trong dịch vụ mặt đất mà có hiệu quả tài chính.
Sẽ có nhiều Vân Đồn?
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết ACV hiện đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không, trong đó có những cảng không hiệu quả, nhưng về mặt chính trị, vẫn phải đảm bảo duy trì và phát triển như: Điện Biên, Cà Mau, Nà Sản… để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, đảm bảo việc đi lại của người dân…
Thứ trưởng Thọ cho rằng khi Long Thành, Đà Nẵng, Chu Lai, Đồng Hới, Cát Bi, Phú Bài… đều muốn đầu tư, ACV có cáng đáng được hết không? Hiện nhiều nhà đầu tư rất muốn đầu tư vào hàng không. Nhưng đặt họ vào nơi khó khăn thì họ có làm không?
Về việc xã hội hoá khu bay và nhà ga, ông Lê Đình Thọ khẳng định là được, nhưng cơ chế phải rõ ràng. Vừa qua, Vân Đồn là hình thành nhà quản lý khai thác mới. Toàn bộ đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga của Vân Đồn đều được đầu tư mới đồng bộ.
Vị thứ trưởng Bộ GTVT đặt vấn đề có thể ACV không quản lý 21 cảng nữa mà tới đây chỉ 15 - 16 cảng có được không? "Số còn lại xã hội hoá. Nhà đầu tư nào vào phải đầu tư đồng bộ. Lúc đó không chỉ là nhà đầu tư mà còn là nhà quản lý khai thác cảng. Khi đó, nhiều Vân Đồn sẽ xuất hiện"- ông Thọ nói.
Về phía ông Lại Xuân Thanh cũng khẳng định ông hoàn toàn ủng hộ chủ trương giống như sân bay Vân Đồn.
ACV sẽ lo được 40-45% vốn cho Long Thành
Ông Lại Xuân Thanh cũng cho biết tích luỹ của ACV hiện có khoảng 25.000 tỉ đồng gửi ngân hàng, tích luỹ từ nay đến 2025 sẽ được khoảng 87.500 tỉ đồng. Riêng Long Thành, nếu giao cho ACV sẽ lo vốn đối ứng được 40-45%. Kế hoạch dài hạn đến 2030, ACV sẽ tích luỹ thêm khoảng 130.000 tỉ đồng nữa, ngoài đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, sẽ đầu tư thêm sân bay Cam Ranh, Phú Quốc, dành ít nhất 3 tỉ USD cho Nội Bài…
Người lao động