Chủ tịch AmCham Việt Nam: Giới hạn tỷ lệ vốn nước ngoài sẽ hạn chế khả năng các startup fintech!
Chính sách cho khối công nghệ tài chính fintech đã được "đặt" lên bàn nghị sự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) như một quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài.
- 05-01-2020Forbes: Bất ngờ với 5 xu hướng fintech năm 2020
- 25-12-2019Năm 2019: Nhìn lại những dấu mốc chứng minh Việt Nam là "ngôi sao" công nghệ của khu vực Đông Nam Á
- 06-12-2019Lương 15.000 USD, vẫn "khát" nhân sự ngành công nghệ, số hoá
Bà Amenda Rasussen, Chủ tịch Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) nhấn mạnh sự phát triển của dịch vụ tài chính sẽ phụ thuộc vào việc thực thi một khung pháp lý, chính sách và quy định hỗ trợ cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp vào ngành tài chính toàn diện và thịnh vượng của Việt Nam.
Cụ thể, việc thanh toán không dùng tiền mặt là tất yếu cho sự đổi mới, thành phố thông minh và công nghiệp 4.0. Các dịch vụ và công nghệ hỗ trợ kèm theo đến từ các công ty fintech nước ngoài hiện đang hoạt động, đầu tư vào Việt Nam.
Do đó, đại diện AmCham cho rằng việc đặt ra giới hạn tỷ lệ vốn nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán nhanh và công nghệ tài chính sẽ hạn chế đáng kể khả năng của các công ty khởi nghiệp fintech Việt Nam trong việc kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này cũng dẫn đến việc giới hạn khả năng thu hút nhân tài, khiến cho các startup này trở nên kém cạnh tranh hơn so với các công ty cùng ngành trong khu vực.
Bên cạnh đó, với dịch vụ công nghệ tài chính dựa vào sử dụng AI và big data – các lĩnh vực mà doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế đi trước thì dự thảo nghị định với giới hạn sở hữu nước ngoài có thể làm chệch hướng các nỗ lực đổi mới, theo bà Amenda Rasussen.
Phía Hiệp hội doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV) cũng đồng tình với quan điểm này.
BBGV cho rằng khung pháp lý fintech còn thiếu gây ra những quan ngại cho nhà đầu tư. Cụ thể, họ gặp phải một số rào cản về thủ tục và phụ thuộc vào quyền quyết định của cơ quan cấp phép.
Tổ chức này cho rằng việc Chính phủ dự kiến giảm thiểu quyền sở hữu nước ngoài đối với các doanh nghiệp fintech trong thời gian tới sẽ làm hạn chế sự phát triển bền vững của lĩnh vực này tại Việt Nam.
Báo cáo của Nhóm công tác về Đầu tư và Thương mại trình bày tại hội VBF cũng cảnh báo việc quy định tỷ lệ sở hữu tối đa 49% cho nhà đầu tư nước ngoài tại tại các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán "có khả năng rất cao" trái với các cam kết quốc tế của Việt Nam trong một loạt các hiệp định thương mại như GATS, CPTPP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – ASEAN và Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam.
Thêm vào đó, giới hạn sở hữu này có thể làm suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài đang hứa hẹn đem lại kinh nghiệm quốc tế, tri thức và công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng cho ngành fintech Việt Nam.
Đồng thời, việc dự thảo buộc doanh nghiệp đã được cấp phép phải giảm vốn đầu tư về mức 49% sau một thời hạn nhất định mâu thuẫn với quy định không hồi tố của Luật Đầu tư và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có thể dồn các tổ chức trung gian thanh toán có vốn nước ngoài vào thế phải ngừng hoạt động, khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ bị các nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện theo luật trong nước và các điều ước quốc tế.