Chủ tịch Đạt Phương: "Mảng bất động sản vẫn đang nghiên cứu, song chúng tôi chỉ làm những gì kiểm soát được"
Ngày 22/5/2018, 30 triệu cổ phiếu DPG của CTCP Đạt Phương dự kiến niêm yết trên sàn HoSE với giá tham chiếu 53.800 đồng/cp. Với mức giá này, Đạt Phương được định giá hơn 1.600 tỷ đồng.
CTCP Đạt Phương thành lập vào tháng 3/2002 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 2,2 tỷ đồng. Đến năm 2005, Công ty chính thức chuyển từ nhà thầu phụ sang nhà thầu chính và có thể ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư cũng như tham gia đấu thầu.
Tính đến nay, Công ty đã và đang tham gia thi công xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông như cầu Cửa Đại, cầu Đế Võng (Quảng Nam), cầu Niệm II và đường dẫn (Hải Phòng), cầu vượt Nút giao An Sương – An Lạc (Tp.HCM)…. Bên cạnh xây lắp, từ năm 2010, Đạt Phương bắt đầu khởi động đầu tư và xây dựng thủy điện, thông qua công trình thủy điện Sông Bung 6 (Quảng Nam) với công suất 29MW, tổng vốn đầu tư 674 tỷ đồng.
Công suất điện tối thiểu đến năm 2020 là 130 MW
Với hai lĩnh vực kinh doanh cốt lõi trên, Đạt Phương ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép bình quân hàng năm (CAGR) về doanh thu lĩnh vực xây dựng và bán điện lần lượt đạt 7,9% và 22,75% giai đoạn 2014-2017. Năm 2017, Công ty đạt doanh thu thuần 1.410 tỷ, lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 191 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2016. EPS theo đó đạt 5.277 đồng, tăng 30%.
Bước sang năm 2018, Đạt Phương đặt kế hoạch đưa vào khai thác dự án thủy điện Sơn Trà 1A và Sơn Trà 1B (Quảng Ngãi), tiếp tục đóng góp phần lớn vào tổng doanh thu. Đến năm 2020, Công ty tiếp tục đầu tư khai thác dự án Sơn Trà 1C, nâng tổng công suất của Công ty tối thiểu đạt 130 MW.
Đáng chú ý, năm 2018 Công ty chính thức bước sang một mảng mới là bất động sản, đặt mục tiêu đây là một trong ba ngành trọng điểm của Đạt Phương. Lợi thế của Công ty ở lĩnh vực này chính là quỹ đất lớn với chi phí thấp, hiện Công ty đang có quỹ đất 259,6 ha được đổi từ dự án BT cầu Đế Võng tại Hội An.
"Mảng bất động sản vẫn đang nghiên cứu, song chúng tôi chỉ làm những gì kiểm soát được"
Nói về mảng này, Chủ tịch Công ty - ông Lương Minh Tuấn khẳng định: "Mảng bất động sản vẫn đang nghiên cứu, song chúng tôi chỉ làm những gì kiểm soát được". Đồng thời, khi được đặt câu hỏi về tính cạnh tranh với các đối thủ hiện nay như Vinpearl của VinGroup, ông Tuấn nhấn mạnh Đạt Phương có một thiết kế riêng và không nghĩ sẽ cạnh tranh với ai cả.
Nói là bất động sản nghỉ dưỡng, tuy nhiên chính xác theo lãnh đạo Công ty là đầu tư bất động sản nói chung, kể cả shophouse, biệt thự… Hiện Hội An đang có 497 cơ sở lưu trú chủ yếu với khoảng 7.878 phòng nghỉ, tuy nhiên với tính thu hút khách du lịch mạnh mẽ như hiện nay thì hầu như lúc nào Hội An cũng ở trong tình trạng sốt hàng. Do đó, Đạt Phương rất kỳ vọng vào lĩnh vực nhà đất này, dự kiến đóng góp đến 35,6% doanh thu và 42,5% lợi nhuận trong năm 2020.
Theo kế hoạch, dự án khu đô thị Võng Nhi (Casamia – Khu Villa Du thuyền cao cấp) chuẩn bị công tác mở bán từ tháng 6/2018, chính thức mở bán từ quý 3/2018, doanh thu sẽ ghi nhận trong năm 2019-2020. Còn khu đô thị Cồn Tiến, Đồng Nà dự kiến bắt đầu ghi nhận doanh thu từ 2020.
Với những luận điểm trên, Đạt Phương dự kiến doanh thu năm 2018 đạt 2.140,7 tỷ, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ ước đạt 198,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 52% và 26% so với năm 2017, EPS tương ứng đạt 6.083 đồng.
Được biết, ngày 21/5/2018, 30 triệu cổ phiếu của CTCP Đạt Phương (DPG) dự kiến niêm yết trên sàn HoSE với giá tham chiếu 53.800 đồng/cp. Với mức giá này, Đạt Phương được định giá hơn 1.600 tỷ đồng. Về tăng vốn sau khi lên sàn, Công ty cho biết sẽ phát hành trong tương lai nếu có thể. Trên UpCOM, cổ phiếu tăng khá tốt thời gian gần đây, chốt phiên 21/5 tại mức giá 57.700 đồng/cp.
Giao dịch cổ phiếu DPG trên UpCOM.
Trí Thức Trẻ