MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch En Pointe – Thanh Bùi: Tôi không muốn con mình đến 11 tuổi còn nói không sõi tiếng Việt và nghĩ người nước ngoài giỏi hay văn minh hơn người Việt

02-09-2020 - 10:27 AM | Sống

Vì không muốn con đi theo con đường của nhiều học trò: từ nhỏ được gửi vào trường quốc tế, đến 11 tuổi vẫn không nói sõi tiếng Việt, lớn hơn chút nữa thì đi du học và cuối cùng chúng chẳng biết mình là ai; anh Thanh Bùi đã và sẽ mang về Việt Nam nhiều phương pháp tiếp cận trong giáo dục, đề cao sự sáng tạo.

Nói đến Thanh Bùi, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến nghệ thuật – đặc biệt là ở lĩnh vực âm nhạc với những thành tựu vượt trội trong lĩnh vực này ở cả đấu trường quốc tế lẫn Việt Nam. Năm 2012, ngay cả khi lấn sân vào lĩnh vực giáo dục, anh cũng thành lập học viện dạy về âm nhạc – tên Soul.

Tuy nhiên, sau 8 năm, anh đã dần bước ra khỏi ‘tháp ngà’ – chỉ hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghệ thuật ở phân khúc cao cấp, mà có những bước đầu chính thức đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại chúng, khi dần mang những phương pháp tiếp cận giáo dục tiên tiến trên thế giới về Việt Nam.

Hiện tại, anh Thanh Bùi đang là Chủ tịch của En Pointe, công ty chuyên quản lý các thương hiệu về giáo dục, nghệ thuật văn hóa và truyền thông. Trong đó có 2 thương hiệu nổi bậc là Học viện âm nhạc Soul và Global Embassy – cung cấp dịch vụ tư vấn và định hướng phát triển của giáo dục đại chúng.

Đầu tiên, Global Embassy đang mang về phương pháp tiếp cận Reggio Emilia - Reggio Emilia Approach. Reggio Emilia Approach lấy cảm hứng từ trải nghiệm giáo giục ở Trung tâm trẻ sơ sinh và mầm non tại thành phố Reggio Emilia, dựa trên sáng kiến của nhà tâm lý học người Ý – Loris Malaguzzi. Reggio Emilia Approach đã được truyền bá đến 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Global Embassy đã có 4 năm ‘làm quen’ với Reggio Emilia Approach, trong đó có 2 năm để tiếp nhận kiến thức từ Reggio Childen, 2 năm áp dụng tại trường mầm non Little Em’s và bước đầu đã có những thành công nhất định. Global Embassy chính là đối tác độc quyền của Reggio Emilia Approach tại Việt Nam.

Sắp tới, thương hiệu này còn mang về 2 phương pháp tiếp cận giáo dục nổi tiếng khác là Project Zero từ Viện Đại học Havard – Mỹ và "phương pháp học tập dựa trên hiện tượng – phenomenon-based learning" từ trường Đại học Torku của Phần Lan; dành cho học sinh cấp II và III cũng như sinh viên.

Mục tiêu của anh Thanh Bùi là có thể mang những phương pháp tiếp cận đó trao cho tất cả trường mầm non đến đại học, ở tất cả các tỉnh thành Việt Nam, bất kể đó là trường công lập hay dân lập, trường dành cho giới trung lưu hay bình dân. Mơ ước của doanh nhân trẻ này là muốn tạo ra một hệ sinh thái giáo dục đề cao sự sáng tạo tại Việt Nam.

Tại sao anh lại đầu tư vào giáo dục đại chúng, trong khi trước đây anh chủ yếu làm giáo dục về nghệ thuật?

 Chủ tịch En Pointe – Thanh Bùi: Tôi không muốn con mình đến 11 tuổi còn nói không sõi tiếng Việt và nghĩ người nước ngoài giỏi hay văn minh hơn người Việt  - Ảnh 1.

Doanh nhân - nghệ sỹ Thanh Bùi.

Anh Thanh Bùi: Đúng là trước đây tôi chủ yếu làm công tác đào tạo nghệ thuật. Nhưng sau khi tôi có con, rồi đi tìm trường học cho con, tự dưng thấy sợ sau này con mình sẽ giống như rất nhiều em bé ở tầng lớp trung lưu trở lên học trường quốc tế từ nhỏ: đến 10 đến 11 tuổi mà không nói sõi tiếng Việt.

Tôi là người ‘da trắng’ (Thanh Bùi sinh ra – lớn lên và trưởng thành tại Úc), mà tôi còn nói tiếng Việt giỏi hơn rất nhiều em bé sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Thực trạng đó làm cho tôi cảm thấy bức xúc và cảm thấy kỳ lạ.

Chúng ta phải hiểu, người Việt Nam không nhất thiết phải giống người phương Tây. Người phương Tây nói tiếng Anh giỏi vì họ là người phương Tây và đó là ngôn ngữ ‘mẹ đẻ’ của họ. Tôi nghĩ, khi con tôi bước vào một nơi mà lãnh đạo toàn người da trắng, tự nhiên nó sẽ cảm thấy người da trắng hay người nước ngoài mới giỏi và văn minh hơn người Việt Nam. Sau khi so sánh, nó sẽ tự ti.

Có thể, một học sinh học ở trường công thì tiếng Anh không giỏi bằng học sinh học ở trường quốc tế; nhưng điều đó không thể tệ hơn việc mình là người Việt Nam mà nói tiếng Việt bập bõm. Như thế, mình đã mất gốc! Và theo tôi, đó là một việc rất sai, hoàn toàn sai!

Trong vài năm gần đây, tôi luôn tự nói với bản thân mình, nếu tôi có điều kiện và các mối quan hệ, tôi muốn cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn, đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng - ngoài nghệ thuật.

Hơn nữa, background của tôi đâu chỉ có mỗi nghệ thuật. Tôi có bằng cấp về kinh doanh – về IT. Tôi là người đi dạy học từ năm 18 tuổi – như một cách kiếm sống. Từ năm 18 tuổi, tôi đã dạy toán, tiếng Anh, dạy nhạc… Nên về ngành giáo dục, tôi rất hiểu và biết nó phải như thế nào.

Vậy chuyện anh quyết định mang REA về Việt Nam là nhân duyên hay sự lựa chọn lựa?

Anh Thanh Bùi: Sau khi thấy được thực trạng buồn kể trên, tôi đã tự nhủ: mình sẽ đi khắp toàn cầu xem xét nền giáo dục các nước và mình sẽ cố gắng xây 1 hệ thống sinh thái về giáo dục tốt cho con của mình. Ngoài ra, tôi cũng tin rằng, nếu tại Việt Nam có một hệ thống giáo dục đặt con của mình làm trung tâm mọi thứ, kể cả sau khi vào đại học; thì con tôi không cần phải đi du học.

Nói thật, tôi muốn giữ con mình ở Việt Nam, không muốn con đi du học quá sớm. Tôi không muốn sống trong hoàn cảnh, con mới mười mấy tuổi mình phải gửi nó đi học ở nước ngoài và 1 năm gặp nó 1 vài lần. Thế nên, mọi người đừng hỏi tôi, tại sao thế hệ bây giờ nó không hiểu nó là ai?! Rõ ràng, khi con cái đi du học, cha mẹ không gần nó và nó mất đi cuộc sống gia đình – không được sống trong môi trường văn hóa tạo nên bản chất của một người Việt Nam. Bản sắc văn hóa Việt trong giới trẻ đang ngày càng bị pha loãng!

Bên cạnh đó, tôi luôn muốn tiếp cận thêm những thứ ngoài nghệ thuật, như muốn xây dựng 1 hệ sinh thái giáo dục đặt sự sáng tạo trên mọi thứ. Rõ ràng, những tỷ phú trong giới công nghệ như Bill Gates hay Steven Jobs… đều không có bằng cấp. Với những người ngoại đạo và không có bằng cấp cao, họ làm được vì họ sáng tạo. Khi họ sáng tạo, họ nghĩ đến những điều không ai dám nghĩ, rồi họ dùng khoa học – công nghệ - logic để đạt được ước mơ đó.

Quan trọng nhất là tư duy và sự sáng tạo. Ví dụ, trong Covid-19, công ty nào sáng tạo sẽ sống và công ty nào thiếu sáng tạo sẽ chết – rất đơn giản. Sáng tạo là điều mà mình phải mang đến cho các bé và REA cho các em sự sáng tạo, cho các con phát triển đầy đủ ngôn ngữ mà chúng có. Người ta nói rất hay: Đầu tiên là tưởng tượng, thứ hai mới là khoa học.

 Chủ tịch En Pointe – Thanh Bùi: Tôi không muốn con mình đến 11 tuổi còn nói không sõi tiếng Việt và nghĩ người nước ngoài giỏi hay văn minh hơn người Việt  - Ảnh 2.

Thanh Bùi cùng ngài Tổng lãnh sự Ý đang giới thiệu về REA.

Tôi chọn REA, vì nó Việt hoá rất dễ. Nói ‘rất dễ’ có lẽ chưa đúng vì nó không dễ, nhưng đó là cách tiếp cận giáo dục dễ nhất có thể áp dụng tại Việt Nam – theo suy nghĩ của tôi. Vì nó là hướng tiếp cận chứ không phải phương pháp, nên mình không cần mua dụng cụ mà mình phải tự tạo ra dụng cụ. Chúng ta cũng dạy trẻ đếm từ số 0 đến số 10, nhưng theo cách sáng tạo hơn.

Mình là giáo viên dạy các con, nhưng các con cũng sẽ là ‘giáo viên’ của mình. Triết lý này rất khó để người Việt Nam hiểu được, vì nó không giống quan điểm truyền thống – tôi là giáo viên, tôi nói các em phải nghe và đừng có hỏi. Các em không được làm thế này hay thế kia. Suy nghĩ và triết lý của nhà tâm lý Loris Malaguzzi là: một người giáo viên phải là vừa là giáo viên, vừa là học trò của các em nhỏ.

Vậy anh có chiến lược gì để thay đổi tư duy của các ông bố bà mẹ Việt Nam, xem việc vào trường quốc tế và đi du học vẫn là tốt nhất cho con cái?

Anh Thanh Bùi: Tôi thấy cái hay ở Việt Nam là: hễ mình chứng minh mình đúng qua những case-study rõ ràng, thì mọi người sẽ theo. Tất nhiên chuyện thay đổi cần rất nhiều thời gian. Nhưng tôi có thời gian mà! Năm nay tôi mới 37 tuổi, tôi có cả một cuộc đời để thực hiện mục tiêu của mình!

Hơn nữa, tôi thấy thương các con. Khi tôi dạy bên Soul với hơn 1.000 đứa, có đứa nói với thầy: con không muốn đi nước ngoài, nhưng con phải đi vì gia đình bắt con đi; con thấy những thông tin từ bên Mỹ và những nước khác, có khi tư duy của người ta chưa chắc bằng Việt Nam mình. Dù mới 13-14 tuổi, nhiều đứa đã nghĩ được như vậy.

Và chúng ta cũng thấy được sự kỳ thị của thế giới dành cho người Á Châu như thế nào. Mình cần phải thực tế, mình đừng nghĩ vì họ văn minh nên không xảy ra chuyện kỳ thị chủng tộc! Nếu mình đi nước ngoài, thì mãi mãi chỉ là tầng lớp thứ hai, mình không bao giờ bằng hoặc hơn dân bản địa – nhất là ở châu Âu và Bắc Mỹ.

Tôi từng sống trong đất nước rất văn minh như Úc mấy chục năm và tôi thấy nhiều cái không ổn. Nếu ai đó hỏi tôi, hồi nhỏ tôi có bị kỳ thị không? Đương nhiên là có! Trong tình huống đó, các em bé nhập cư da vàng sẽ cố gắng hết sức để trở thành người da trắng nhiều hơn. Rõ ràng, chúng không hề có lòng tự hào về dân tộc Việt Nam!

Chưa hết, không ít học trò tâm sự với tôi, con cảm thấy tự ti vì mình là người Việt Nam. Tôi hay la: con có biết lịch sử của dân tộc mình như thế nào không mà con dám nói câu đó?! Nhưng đó không phải lỗi của các con, đó là lỗi của người lớn. Mình nói thực tế với nhau, chữ "giáo dục" ở Việt Nam lắm khi không được đúng chữ "giáo dục" cho lắm!

Tôi thường nói với bạn bè, một là tôi không làm gì hết, hai là tôi sẽ làm tới cùng. Nếu tôi chọn cuộc sống bình thường, tôi không cần phải làm gì hết! Tôi có thể gửi con mình đi học những trường nước ngoài. Tôi may mắn được học những trường tốt nhất ở Úc – chỉ với tên tuổi Thanh Bùi, con của tôi dễ dàng vào được những ngôi trường đó.

Nếu ai gặp tôi 2 tuần trước, sẽ thấy tóc tôi bạc gần hết bởi làm giáo dục cực lắm luôn! Với dự án REA này, quan trọng là phải xây dựng đội ngũ, xây dựng tư duy đúng ngay từ đầu. Tất cả mọi thứ chúng tôi làm đều phải thông qua REA. Mà như chúng ta biết, cách làm việc của dân châu Âu nói chung và người Ý nói riêng, không giống người Việt Nam chúng ta – luôn phải chạy cực lực. Cách làm việc của đối tác khá là khoan thai, vì họ đã là nước phát triển, mình đang phát triển nên luôn trong tâm thế muốn chạy ‘té khói’.

 Chủ tịch En Pointe – Thanh Bùi: Tôi không muốn con mình đến 11 tuổi còn nói không sõi tiếng Việt và nghĩ người nước ngoài giỏi hay văn minh hơn người Việt  - Ảnh 3.

Trường mầm non Little Em’s.


Sự tiếp nhận của các giáo viên mầm non như thế nào, thưa anh?

Anh Thanh Bùi: Thay đổi cái gì cũng khó – đặc biệt là thói quen, trong khi mình còn đang cố gắng thay đổi tư duy về cách giáo dục, nên tất nhiên là không hề dễ dàng.

Ngoài ra, kinh nghiệm trong ngày tháng đào tạo nghệ thuật cũng giúp ích tôi rất nhiều. Lúc tôi bắt đầu với Soul, không ít người tiên đoán, trong vòng 6 tháng tôi sẽ phải đóng cửa học viện (cười lớn). Nếu tôi đã thành công với lĩnh vực quá khó để phát triển giáo dục tại Việt Nam như nghệ thuật, thì không lý gì tôi lại thất bại với giáo dục đại chúng như mầm non. Và vì mầm non là giai đoạn mà bất cứ em bé nào cũng phải trải qua, nên tôi nghĩ nó sẽ đi nhanh hơn.

Hơn nữa, chúng tôi luôn chân thật và chân thành. Tại Việt Nam, từ tất cả các phương diện này, mọi người rất tôn trọng sự chân thật và chân thành, nhất là sau Covid-19. Bây giờ, thời gian của mọi người quá quý báu, nên không ai muốn nghe những gì quá khoa trương hay chuyện ‘đầu môi chót lưỡi’.

Thế nên, chúng tôi hiện nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các anh chị em nhà báo lẫn giáo viên. Lúc bắt đầu, khi tôi bày tỏ câu chuyện này, chẳng ai hiểu nó như thế nào cả, bây giờ đã dễ hơn rất nhiều rồi. Bây giờ, tôi không còn là người nước ngoài mà được Việt hoá hoàn toàn rồi!

Ở Việt Nam, đầu tiên mình phải khiêm tốn; điều thứ 2 mình phải làm việc với suy nghĩ: mình không nên chỉ hoạt động trong tầng lớp thượng lưu hay giàu có, mà phải suy nghĩ đến cộng đồng.

Tại Ý, Reggio Emilia Approach (REA) là miễn phí, vậy tại Việt Nam thì sẽ như thế nào, thưa anh?

Anh Thanh Bùi: Đương nhiên là thời gian đầu chúng tôi không thể miễn rồi, bởi chuyện gì cũng phải có một quá trình. Chúng tôi đang đi từ khối tư nhân trước, rồi đến các nhà giáo dục, tiếp theo là xây dựng cộng đồng. Từ đó, chúng tôi mới có cơ sở để làm việc với các tổ chức quốc tế hay các anh chị trong các Sở giáo dục.

Thời gian vừa qua, nhờ cô Vân Anh (hiệu trưởng trường Little Em’s) – người có 30 năm kinh nghiệm trong giáo dục mầm non, tôi đã có cơ hội gặp hết tất cả lãnh đạo của các trường giáo dục mầm non tại các thành phố lớn. Quy trình là, sau khi chuyển giao REA cho các trường mầm non, chúng tôi sẽ hợp tác với các trường Cao đẳng và Đại học sư phạm, nhằm giúp các giáo viên tương lai biết và hiểu về REA.

Bước đầu, các hiệu trưởng đón nhận REA rất tích cực vì ai cũng muốn có cơ hội làm gì đó tốt hơn cho thế hệ tiếp theo. Hơn nữa, vì Covid-19, chẳng ai biết được ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, nên chuyện giáo dục đề cao sự sáng tạo của trẻ con, để chúng có thể ứng biến với tất cả những gì xảy ra trong tương lai, rất được hoan nghênh.

Tôi tin là mình sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Chính phủ hơn trong tương lai; nhưng trước hết, mình phải làm tốt công việc của mình cái đã. Mình phải cho mọi người thấy, mình đang làm đúng và hiệu quả. Quan trọng nữa là phương pháp giáo dục này giữ gìn được bản sắc của người Việt Nam mình.

Ai cũng hỏi tại sao tôi không cho con học trường quốc tế như mọi người mà chọn trường Việt Nam? Câu trả lời là bởi tôi tự tin, khi REA được áp dụng khắp các tỉnh thành Việt Nam, thì trường mầm non Việt Nam cũng tốt không thua gì trường quốc tế và con còn không bị mất gốc.

Cảm ơn anh!

Theo Quỳnh Như

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên