MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ!

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đã thực hiện được bước nhảy vọt nhờ vào cách mạng 4.0 như Facebook, Uber, Grab... Tuy nhiên, ông Hoàng Nam Tiến lại cho rằng, câu chuyện vươn lên trở thành người khổng lồ của các startup công nghệ Việt Nam không giống với thế giới nhưng cũng cần suy nghĩ hơi khác người.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 1.

Với góc độ một người làm trong ngành công nghệ, ông quan sát thấy đã có những thay đổi gì trong việc áp dụng công nghệ 4.0 ở các doanh nghiệp hoặc cơ quan Chính phủ?

Cho đến hôm nay, Chính phủ đã có quyết tâm rất lớn. Một trong số đó là thành lập Uỷ ban về Chính phủ điện tử, do Thủ tướng đứng đầu. Những việc như thế, trước đều do một Phó Thủ tướng đảm trách. Ngoài ra, thành phần tham gia Uỷ ban không chỉ có quan chức mà còn có hàng loạt chuyên gia, doanh nghiệp. Những việc liên quan đến Chính phủ điện tử thì giao cho doanh nghiệp làm cũng là thông điệp được nêu rõ ràng.

Biểu hiện rất vui nữa là lần đầu tiên, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông là một nhà công nghệ, thậm chí là nhà công nghệ hết sức cấp tiến. Điều này hết sức đáng mừng.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 2.

Thực tế hiện tồn tại rất nhiều bài toán có thể ứng dụng nhanh chóng công nghệ 4.0, từ những từ thời thượng như blockchain, nền tảng IoT, big data... để giải quyết.

Nhưng câu chuyện quan trọng nhất là từ quyết tâm đến thực hiện vẫn có khoảng cách. Như vậy, ở đây cần nhấn mạnh đến phương pháp thực hiện. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm theo cách truyền thống sẽ có dấu hỏi lớn về kết quả được đặt ra.

Dù vậy, tôi được biết trực tiếp Chính phủ đang có những nghiên cứu và sẽ ứng dụng quyết liệt các phương pháp triển khai mới. Trong quá trình làm việc ở nước ngoài, tôi thấy có một số phương pháp thành công như OKR (Objectives and Key results) với mục tiêu BFR (Big fast results), tức làm những dự án lớn nhưng phải thật nhanh, có kết quả.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 3.

Phương pháp này được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá rất cao. Thế giới cũng ghi nhận nhiều thành công, ví dụ như Malaysia khi "mật mã" BFR giúp nước này thực hiện những dự án cấp Chính phủ thay vì mất 6 – 10 năm chỉ còn 1 – 2 năm.

Do đó, Việt Nam đã có quyết tâm và nếu có phương pháp đúng đắn, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân thì tôi có lòng tin vào một sự chuyển biến lớn.

Liên quan đến doanh nghiệp, tôi nghĩ rằng một trong những điều mà doanh nghiệp gặp phải là việc triển khai những hệ thống lớn, nó rất tốn kém khi nâng cấp, đổi mới. Nói thật, kể cả đối với những doanh nghiệp giàu nhất thì đây là bài toán lớn. Khi ứng dụng 4.0, tôi có một cụm từ gọi là Data-driven business, ứng dụng dữ liệu để nâng cao năng lực quản trị một doanh nghiệp nhưng lại tiết kiệm chi phí.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 4.

Trên thế giới, nhờ vào cách mạng 4.0, nhiều công ty từ tí hon đã biến thành không lồ, ở Việt Nam điều này có đang xảy ra?

Đầu tiên, tôi phải làm rõ, ở nhiều nước không có từ cách mạng 4.0. Cụm từ này có thể hiểu đơn giản là cái tên, không nên quá để ý thay vì nhìn vào bản chất của nó.

Cách mạng 4.0 là cụm từ xuất hiện đầu tiên tại Đức và được WEF chính thức đưa ra từ 1/2016. Hai ứng dụng rất lớn của nó là kinh tế chia sẻ và blockchain. Kinh tế chia sẻ thì ở Việt Nam có hàng loạt ứng dụng rồi, còn với cái thứ hai, tôi không biết vì lý do gì blockchain hay bị gắn với bitcoin, mang nghĩa tiêu cực, nhưng đây là ứng dụng xuất sắc được áp dụng trong nhiều ngành.

Thế còn thành công ở Việt Nam, tôi muốn nói rằng phần lớn các doanh nghiệp công nghệ trong nước, đến thời điểm này đều không thành công ở quy mô lớn. Quy mô nhỏ thì rất nhiều, nhưng quy mô lớn thì chưa thấy.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 5.

Tại sao lại có hiện tượng này?

Ở Việt Nam, khi nói chuyện với các bạn startup, tôi có nói rằng không biết thất bại của các bạn do đâu, nhưng điều chưa thành công ở các công ty khởi nghiệp trong nước là không có cặp bài trùng. Thường thì các bạn chủ yếu làm về công nghệ và biết một chút về kinh doanh.

Phải nhớ rằng để thành công, startup buộc phải có một người cực giỏi về kinh doanh và một người cực giỏi về công nghệ kết hợp với nhau. Hai người này phải cùng sống chết cho đến khi thành công thì thôi. Tin tôi chuyện này, nếu không có chắc chắn không thành công.

Còn để thành công ở quy mô lớn, doanh nghiệp đòi hỏi một nguồn lực rất lớn. Các startup về cơ bản có thể chưa cần tiền ngay nhưng lâu dài nguồn tiền vô cùng lớn là nhu cầu thiết yếu do công nghệ đốt tiền rất nhanh.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 6.

Nói thật tôi có xem một số chương trình gọi vốn như Shark Tank và rất lo cho các doanh nghiệp được đầu tư. 

Vì sau khi hết 5 – 7 tỷ đầu tiên, các bạn cần số tiền gấp 5 – 10 lần như thế để thành công. Khi đấy, không có "cá mập" nào trên truyền hình có số tiền đấy cả. Nhưng thôi, tôi cũng hi vọng đấy là bước khởi đầu tốt để các bạn tìm thấy "cá mập" thực sự.

Bên cạnh đó, một lý do khác là một ứng dụng công nghệ nếu chỉ thực hiện gói gọn trong quốc gia thì hiệu quả không lớn. Nghĩa là cần phải tấn công thị trường thế giới khi đủ lớn. Ví dụ như ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia, vừa gia nhập cuộc cạnh tranh tại Việt Nam, dù thị trường nước họ là 200 triệu dân.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 7.

Bên cạnh những yếu tố như ông vừa nói, những người khởi nghiệp cần làm gì để đạt được những thành công bước đầu?

Tôi chân thành khuyên các bạn startup bớt đi dự hội thảo, hội nghị, bớt bàn chuyện gọi vốn, vòng đầu tư nọ kia hay ảnh chỗ làm việc đẹp mà tập trung vào làm việc.

Các bạn cũng cần kiên nhẫn, thậm chí là cực đoan trong mục tiêu của mình, bất chấp ai nói hay dè bỉu các bạn, bất chấp việc hết tiền, gia đình, bạn bè ruồng bỏ. Khi các bạn còn khoe được đi du lịch, được check-in, được ngồi sang chảnh làm việc trong các co-working space thì chưa thành công được đâu. Hãy tin tôi chuyện đấy.

Chúng tôi là những người làm phần mềm, mỗi ngày chúng tôi làm 12 tiếng thì các bạn phải làm 16 – 20 tiếng nếu muốn thành công.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 8.

Nếu nhớ không nhầm thì trước đây anh cũng từng khuyên đừng nghe anh Trương Gia Bình nói chuyện khởi nghiệp?

Chuyện đó về sau anh Bình có nhắc, nhưng tôi vẫn nói. Nghe nhiều các thầy giỏi, quá hiểu biết là khổ. Chúng tôi có một từ rất vui trong nội bộ, là "leng keng". Làm 4.0 ở bên tây thì họ nhấn mạnh disruptive innovation - sáng tạo mang tính phá huỷ, còn đầu óc dân làm startup ở ta phải hơi điên rồ, phải có những ý nghĩ khác người. Như Grab là gì, mai em sẽ bóp chết nó. Tất nhiên, những bạn tuyên bố thế đều chết sạch, nhưng có thể trong 100 bạn tuyên bố và nghĩ như vậy sẽ có bạn làm được.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 9.

Trong khi có không ít chuyên gia lạc quan với triển vọng tận dụng cuộc cách mạng 4.0 để tạo ra đà phát triển mới thì một số chuyên gia nước ngoài lại chỉ ra là Việt Nam chưa sẵn sàng cho cách mạng 4.0. Ở góc nhìn của một doanh nghiệp công nghệ, ông thấy gì về điều này?

Chúng tôi có từ rất hay là "cổ vũ động viên". Ví dụ như khi bạn được mời đến khai trương nhà chẳng hạn, việc đầu tiên là phải khen chủ nhà, dù có thể nhìn ra nhiều khiếm khuyết.

Mặt khác, công nghệ 4.0 nói cho cùng bắt đầu tư giáo dục, tức là tạo ra con người 4.0. Các chuyên gia nước ngoài khi vào Việt Nam đều nhận thấy việc chúng ta nói rất nhiều nhưng nền giáo dục của ta chưa chuẩn bị được. Vậy làm 4.0 bằng gì?

Đúng là Việt Nam có đội ngũ các nhà toán học. Nhưng từ nhà toán học để làm được AI, thành data scientist là có khoảng cách rất lớn. Chúng ta cũng chưa có trường, viện, công ty nào dạy các công nghệ mới nhất cả. Thành ra trong mắt của họ, Việt Nam chưa sẵn sàng.

Nhắc đến vấn đề nguồn nhân lực, các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Viettel đều đang chú trọng hút nhân tài trong và ngoài nước khiến thị trường đang rất cạnh tranh, vậy còn FPT?

Tôi nghĩ thị trường cạnh tranh lành mạnh. Tôi cũng ủng hộ việc công ty kiếm được tiền ở nhiều lĩnh vực khác nhau như Vingroup bỏ tiền vào công nghệ, càng nhiều càng tốt. Tôi rất mong Vingroup thành công. Và việc họ "câu" người với mức lương gấp 3 lần thì cũng không sao cả.

Tôi phải khoe chuyện này, Vũ Hà Văn là bạn học từ cấp 1 – cấp 3 của tôi. Tôi được biết Vingroup tuyên bố sẽ dành 1.000 tỷ đồng đầu tư cho viện nghiên cứu mà Văn được mời về làm giám đốc. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng trước đấy, FPT đã từng bỏ ra nghìn tỷ đồng để mua công ty công nghệ. Dù vậy, chúng tôi nói rất ít về câu chuyện này.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 10.

Không chỉ ít nói về số tiền nghiên cứu, FPT cũng hiếm khi công bố về việc đầu tư vào AI, trong khi đó là xu thế đang được các công ty lớn thể hiện. Đâu là lý do?

Chúng tôi làm nhiều hơn chúng tôi nói. Hiện chúng tôi có fpt.ai là plaform về trí tuệ nhân tạo do FPT phát triển, được mở cho tất cả công ty, cá nhân sử dụng. Dựa trên nền tảng này, người dùng có thể xây dựng rất nhiều các ứng dụng về trí tuệ nhân tạo.

Tôi muốn nói rằng khi phát biểu, xây dựng bất cứ chiến lược gì, chúng tôi đều lấy AI làm lõi, đi kèm với nó là hàng loạt ứng dụng như IoT, blockchain,...

Vậy chiến lược của FPT trong cách mạng 4.0 là?

Chúng tôi dùng từ "tiên phong" trong lĩnh vực digital transformation – sự chuyển dịch số. Trong đó, có một số hướng quan trọng như AI, IoT, robotic, autonomous... là chiến lược của chúng tôi.

Chủ tịch FPT Software: Làm startup với cách mạng 4.0 bên tây nhấn mạnh tính sáng tạo mang tính phá huỷ, ở ta cần hơi điên rồ! - Ảnh 11.

Nhắc đến xe tự lái, sau khi chạy thử từ năm ngoái, đến năm nay, ông có thể thông tin thêm gì về chiếc xe này?

Chúng tôi đã xin phép và được Bộ GTVT ủng hộ để thử nghiệm xe trong khu công nghệ cao. Sòng phẳng mà nói, tôi không tin có hãng ô tô nào trên thế giới sản xuất được xe không người lái chạy được ở Hà Nội hay TP.HCM.

FPT Software cũng không làm ô tô, chúng tôi làm ô tô không người lái vì công ty không đủ trình độ, tiền bạc để đầu tư vào cơ khí chính xác, công nghệ thiết bị, động cơ là nằm ngoài tầm với. Chúng tôi chỉ biến chiếc xe thành xe không người lái thôi.

Hiện xe vẫn được tiếp tục làm và chưa mang ra bên ngoài được. Nhưng FPT Software đang làm được những xe không người lái hoạt động trong các nhà kho, bến cảng, resort...

Kỉ niệm nào khiến ông nhớ nhất trong quá trình làm xe không người lái?

Kỉ niệm buồn cười lắm. Khi tôi tuyên bố ngày 31/10/2017 FPT Software sẽ giới thiệu xe không người lái. Đến 6h chiều ngày 31/10 là 8h tối ở Nhật Bản, lúc đó tôi đang ở Nhật, tôi trốn sẵn đến đó để đề phòng xe không chạy được. Nhiều bạn bè tôi nói rằng nếu như ngày hôm mà FPT Software không trình diễn được thì số gạch đá sẽ đủ để tôi xây mấy cái làng Fsoft.

Nói vậy thôi chứ bọn tôi đã nói là làm. Nói được làm được là một loại phẩm chất. Đúng chiều hôm đấy, ở Việt Nam, các bạn trong công ty đã chuẩn bị sẵn sàng clip, và chỉ chờ đến khi dư luận chuẩn bị ném đá thì mới tung ra. Đấy là kỷ niệm đẹp!

Cảm ơn ông!

Phương Ánh
Kiên Trần
7pm
Theo Trí Thức Trẻ10/9/2018

Phương Ánh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên